8/12/11

Về "quyền bỏ phiếu bằng chân của cổ đông"

Quyền bỏ phiếu bằng chân là thuật ngữ để chỉ quyền của cổ đông có thể yêu cầu Công ty mua lại cổ phần của mình nếu họ phản đối quyết định về việc tổ chức lại Công ty(chia, tách, hợp nhất, sáp nhập hoặc chuyển đổi Công ty), hoặc thay đổi quyền và nghĩa vụ của Cổ đông quy định tại Điều lệ Công ty (Điều 90.1 LDN 2005).

Tại Điều 43 của LDN 2005 cũng có quy định mà theo đó thành viên có quyền yêu cầu Công ty mua lại phần vốn góp của mình, nếu thành viên bỏ phiếu không tán thành đối với quyết định của Hội đồng thành viên về các vấn đề: (i) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Bản điều lệ Công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên; (ii) Tổ chức lại Công ty; (iii) Các trường hợp khác theo quy định tại Bản điều lệ;

Đối chiếu quy định tại ĐIều 4.5 của LDN 2005 thì phần vốn góp là tỷ lệ vốn mà chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu chung của Công ty góp vào vón điều lệ. Như vậy, có thể được hiểu rằng, khi yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, thành viên sẽ yêu cầu công ty mua lại toàn bộ phần vốn góp trong công ty và họ sẽ thôi không còn là thành viên của Công ty TNHH nữa.

Tuy nhiên, đối  với Công ty Cổ phần thì sao? Liệu việc mua lại cổ phần là mua lại toàn bộ số cổ phần hay liệu cổ đông phản đối có thể được quyền yêu cầu Công ty mua lại một phần được không?

Có 02 hai quan điểm về vấn đề này:
(i) Quan điểm thứ nhất: Rất đơn giản, nếu luật không quy định cụ thể thì có thể hiểu mua lại cổ phần là một phần hoặc toàn bộ đều được. Và tất nhiên là công dân sẽ được làm những gì pháp luật không cấm, toàn bộ hay một phần đều có thể được;
(ii) Quan điểm thứ hai: Mua lại phải là mua lại toàn bộ số cổ phần mà cổ đông đấy sở hữu trong Công ty, bởi lẽ việc thể hiện ý chí phản đối quyết định và rút lui không thể phản đối "nửa vời" được.Việc phản đối phản đối phải là nguyên vẹn, hoàn chỉnh. Đồng thời áp dụng nguyên tắc tương tự, ta có thể thấy việc mua lại cổ phần cần được áp dụng tương tự việc mua lại phần vốn góp và theo nguyên tắc "quyền bỏ phiếu bằng chân" thì đã chạy đi rồi, lại còn gửi "một chân lại"?

Thế nhưng, lý luận vẫn chỉ là lý luận, soi chiếu vào luật thực định ta không thấy quy định nào cụ thể về vấn đề này. Nếu có một doanh nhân hỏi bạn: Tôi phản đối nhưng tôi chỉ yêu cầu công ty mua lại một phần cổ phần của tôi, được không?

Vậy, ý kiến của các luật gia, luật sư thế nào?

Thủ tướng: Vụ Vinashin, tôi không ra quyết định nào sai


- "Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai", Thủ tướng chia sẻ trong buổi thảo luận đánh giá 10 năm đổi mới, phát triển DNNN hôm nay ở Hà Nội.



Kiểm điểm lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ



Hội nghị sắp xếp đổi mới DN dành cả ngày thảo luận về thành công, hạn chế và chiến lược tái cơ cấu DNNN 10 năm tới. Lắng nghe ý kiến lãnh đạo các bộ ngành, doanh nghiệp, một trong những điều Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng "tâm đắc nhất" là bài học trong công tác cán bộ.



Do vậy, mục tiêu đổi mới sắp tới được Thủ tướng nhấn mạnh là sớm kiện toàn bộ máy lãnh đạo. "Quyết định chọn lựa những cán bộ có đủ năng lực, trách nhiệm. Cán bộ tốt thì mọi việc mới vượt qua được", ông nói.



Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đánh giá hiệu quả phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ



Riêng nhân sự lãnh đạo tại các tổng công ty 91 và tập đoàn thì thực hiện theo quy trình, các bộ quản lý ngành đề xuất nhân sự, sau đó Bộ Nội vụ thẩm định, đề nghị Thủ tướng thông qua. "Nói là Thủ tướng thông qua nhưng đều là quyết định chung của Ban cán sự Đảng Chính phủ. Thủ tướng chưa hề quyết định một trường hợp cán bộ nào", người đứng đầu Chính phủ khẳng định.



Đồng thời với việc tuyển lựa cán bộ giỏi, Thủ tướng cũng yêu cầu sớm xử lý dứt điểm các DN thua lỗ, nợ đọng, đặc biệt là lùm xùm ở các DN mất đoàn kết kéo dài.



"Chúng ta trân trọng những người đóng góp xây dựng tập đoàn nhưng khi có khuyết điểm hoặc trong trường hợp không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu mới thì cũng phải kiểm điểm, nói rõ vấn đề và tất cả phải hướng tới lợi ích chung".



Câu chuyện sai phạm Vinashin tiếp tục được dẫn như một bài học đau xót về việc các hành vi làm trái đã gây ra cái nhìn không hay cho khối DNNN.



"Xảy ra chuyện như Vinashin, cuối cùng Thủ tướng đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi nhận trách nhiệm chính trị với tư cách người đứng đầu Chính phủ, chứ tôi cũng không ra quyết định nào sai", Thủ tướng chia sẻ.



Yếu kém trong công tác cán bộ được nhìn nhận là một trong ba nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong hoạt động DNNN vừa qua. Hai nguyên nhân còn lại là do bất cập thể chế và trách nhiệm tổ chức điều hành của cấp ủy, chính quyền, bộ ngành.



Người đứng đầu Chính phủ tổng kết, cơ chế quản lý cán bộ quản lý tại DNNN vẫn còn “nhùng nhằng”, rất khó và vướng cho Chính phủ trong điều hành, vì vậy phải được hoàn thiện.



Trong phần đăng đàn trước đó, phần phát biểu của Thượng tướng Lê Hữu Đức, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được Thủ tướng chú ý. Ông Đức tiết lộ, bí quyết thành công của các tổng công ty quân đội là luôn chọn người đứng đầu giỏi, thậm chí phải thi tuyển. Người đứng đầu luôn phải báo cáo cấp trên chính xác về tình hình tài chính doanh nghiệp.



Đánh giá phải công bằng



Lắng nghe bài học kinh nghiệm của các bộ, ngành và DN trong mười năm qua, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước phải công bằng, nhìn thẳng ưu, khuyết điểm thay vì chỉ thấy mặt trái.



“Đánh giá hiệu quả của DNNN phải công bằng, không thể nói DNNN là “ăn hại”. Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”, Thủ tướng nhấn mạnh.



Việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới nhằm bảo đảm 2 mục tiêu: DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô; bảo đảm hiệu quả hoạt động của DNNN phải tương xứng với tiềm năng. Đề án tái cơ cấu DNNN sẽ được hoàn thiện với nội dung tái cơ cấu cho từng tập đoàn, tổng công ty.



Mười năm đổi mới vừa qua đã giảm mạnh được DNNN nhỏ và DN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Hiện chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tức là đã có khoảng 4.000 DNNN được sắp xếp lại. Nhờ vậy, DNNN tập trung vào các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, không tràn lan như trước.



Sắp xếp DNNN thời gian qua thành công nhất là ở cổ phần hóa. DNNN chủ yếu là đa sở hữu, nhờ đó hoạt động năng động, hiệu quả hơn. Cổ phần hóa nhưng vẫn bảo đảm vai trò của DNNN. Thủ tướng cho rằng, DNNN đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bảo đảm giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, tiền tệ, hàng không, viễn thông. “Hàng không thế giới qua mấy lần khủng hoảng nhưng hàng không Việt Nam vẫn bảo đảm có lãi. Viễn thông phát triển vượt bậc tác động lớn đến hạ tầng kỹ thuật đất nước. Xây dựng các công trình lớn, trọng điểm như thủy điện Sơn La. Các sản phẩm công ích, quốc phòng an ninh .. Tất cả đều do DNNN đảm trách, đó là điều không thể phủ nhận”, Thủ tướng lưu ý.



Thời gian tới, chúng ta không thể mở hết đường bay cho quốc tế, mở cửa viễn thông, đóng tàu bảo đảm an ninh quốc phòng... Những vị trí then chốt này vẫn phải do DNNN đảm nhận.



Vai trò của DNNN không phải chỉ là kiếm tiền. Nhiều DNNN phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành để bảo đảm kiềm chế lạm phát, vì thế không thể coi đó là làm ăn kém hiệu quả. “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Phải làm rõ điều này. Nếu các tập đoàn đầu tư ngoài ngành mà lỗ thì phải tách riêng để xử lý nghiêm, nhưng lỗ mà do mục tiêu bình ổn giá thì phải đánh giá công bằng để nhân dân, xã hội hiểu. Xăng dầu cũng vậy”, Thủ tướng nói.



Đại biểu trao đổi với Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng giờ giải lao. Ảnh: Lê Nhung



Những mặt trái cũng được người đứng đầu Chính phủ thẳng thắn chỉ rõ, như tiến độ cổ phần hóa còn chậm. Nhiều DN 20 năm vẫn chưa giải quyết dứt điểm chuyện thua lỗ. Quá trình thoái vốn ở DNNN cũng quá chậm. Hiệu quả trong một số tập đoàn, tổng công ty vẫn thấp, thua lỗ. Có biểu hiện làm trái gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, làm mất lòng tin của xã hội, mất tuy tín của hệ thống.



Không thể tư nhân hóa mọi thứ



Người đứng đầu Chính phủ đề xuất Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương hoàn thiện hệ thống thể chế, “không nên phê phán Chính phủ nhiều nữa, cần tập trung vào làm”.



Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế. “Phải kiên định điều này, không thể tư nhân hóa hết mọi thứ”, Thủ tướng nói.



Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành hoàn thiện thể chế về hoạt động của DNNN, trong đó cần làm rõ vai trò của quản lý nhà nước, chủ sở hữu, công tác cán bộ, hành lang để sáp nhập, giải thể doanh nghiệp.



Thứ hai, cần làm rõ sắp xếp, quản lý các nông - lâm trường quốc doanh. Theo đó, cần tách bạch nông trường và lâm trường, định rõ cơ chế quản lý. Thứ ba, ngay trong năm 2011, phải phê duyệt xong phương án sắp xếp lại từng DNNN, phân loại rõ các loại hình: DN 100% vốn Nhà nước; DN không cần giữ 100% vốn chi phối; DN nào cổ phần hóa nhiều, DN nào cổ phần hóa ít.



”Từng DN phải có phương án cụ thể. Chỉ giữ lại DN 100% vốn Nhà nước nếu thực sự cần thiết. Kể cả phương án đã được phê duyệt cũng phải rà soát lại. Quyết tâm đến 2015, kết thúc nhiệm kỳ sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp, đổi mới DNNN”, Thủ tướng nói.



“Quan trọng là việc tổ chức thực hiện. Chính phủ đã phê duyệt xong phương án sắp xếp các DNNN, đang khẩn trương hoàn hiện đề án tái cơ cấu DNNN. Cần đề cao trách nhiệm ở từng cấp, giám sát tốt việc thực hiện. Phấn đấu ngay từ năm 2012 sẽ tăng tốc việc sắp xếp, đổi mới DNNN’, Thủ tướng nhấn mạnh.



Thủ tướng khẳng định, "tái cơ cấu để DNNN có hiệu quả cao hơn so với nguồn lực nhân dân, đất nước giao cho. Thứ hai, làm tròn được đúng vai trò chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao. Hiệu quả kinh tế phải gắn với điều kiện và nguồn vốn được giao".



Ngày mai, Thủ tướng chủ trì tổ chức một hội nghị khác sơ kết riêng về mô hình tập đoàn kinh tế nhà nước.



Lê Nhung
 
----------------
 
BCT: Lưu lại đây để lịch sử nước Việt Nam 4000 năm văn hiến và con cháu đời sau sẽ rõ.
 
Nguồn: http://www.vietnamnet.vn/vn/chinh-tri/51894/thu-tuong--vu-vinashin--toi-khong-ra-quyet-dinh-nao-sai.html

Phát ngôn Tuần Việt Nam: Máu làm quan!


Tác giả: Kỳ Duyên

Xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo... cha anh, chạy theo hư danh. Danh "hư" nhưng lợi "thực". Có "thực" lại chạy tiếp "danh".

Xin được lấy một phụ đề nhỏ trong bài viết "Thế hệ 9X: Làm quan hay làm ăn?" của tác giả Alan Phan đăng trên Tuần Việt Nam mới đây, ngày 29/11/2011 để làm chủ đề chính của Phát ngôn Tuần Việt Nam tuần này.

Một nền giáo dục ứng thí

Bài viết của tác giả, tuy chỉ đề cập tới sự ham muốn- "máu làm quan" của thế hệ trẻ ngày nay, qua tiếp cận với hơn 100 sinh viên đại học. Nhưng thực chất đã đụng chạm tới một vấn đề vĩ mô hơn, và cũng đáng suy ngẫm hơn.

Vì sao tuổi trẻ người Việt lại "máu làm quan" hơn "máu làm ăn"?

Hay bởi các em được tạo ra từ một nền giáo dục học để thi, không phải học để làm? Cho dù ngành GD luôn nhắc tới bốn trụ cột- châm ngôn của UNESCO: Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.

Cái nền GD đó, thấm đẫm tinh thần thi cử, ngay cả trong văn chương. Không phải ngẫu nhiên, tác giả Alan Phan nhắc tới bài thơ Trăng sáng vườn chè. Người viết bài chợt nhớ, cả tuổi thơ của mình, cũng luôn được nghe tiếng mẹ hát ru:

Sáng trăng sáng cả vườn chè/ Một gian nhà nhỏ đi về có nhau/ Vì tằm tôi phải chạy dâu/ Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay/ Chồng tôi thi đỗ khoa này/ Bõ công kinh sử từ ngày lấy tôi...

...Tôi hằng khuyên sớm khuyên trưa/ Anh chưa thi đỗ thì chưa động phòng/ Một quan là sáu trăm đồng/ Chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi/ Chồng tôi cỡi ngựa vinh quy/ Hai bên có lính hầu đi dẹp đường/ Tôi ra đón tận gốc bàng/ Chồng tôi xuống ngựa cả làng ra xem/ Đêm nay mới thật là đêm/ Ai đem trăng tới lên trên vườn chè.

Dân tộc chúng ta, trọng sự học. Và cũng rất trọng "cái danh"- làm quan. Cái danh ấy chỉ có thể lập nên qua chuyện đỗ đạt thi cử. Cái danh ấy, nó len lỏi tới cả chốn phòng the, tới cả sự ân ái vợ chồng, đến mức nàng cảm thấy Đêm nay mới thật là đêm, chỉ sau khi chàng đã vinh quy bái tổ. Đủ hiểu đặc điểm, đặc tính một dân tộc trọng sự học và trọng cái danh đến độ nào.

Cũng phải công bằng mà nói, háo danh và máu làm quan là bản năng của con người, khi bắt đầu có nhận thức về nhóm, về tập thể, cộng đồng và xã hội. Nó không xấu, nếu nền tảng xã hội nói chung, nền tảng GD nói riêng, tạo ra được những vị quan tài đức, chứ không phải bất tài bất đức...song toàn!

Nhưng nếu nền tảng xã hội và nền tảng GD đó, chỉ ưu ái, khuyến khích con người háo danh và làm quan, thì xã hội đó sẽ ra sao đây?

Mặc dù trải qua ba, bốn cuộc duy tân hay cải cách, GD Việt Nam đến giờ, thực sự chưa thoát khỏi thân phận một nền GD ứng thí- bản chất cốt lõi của một nền GD phong kiến xưa cũ, nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Thi cử vẫn là cái gốc điều chỉnh mọi cách thức tổ chức GD, mọi phương pháp dạy- học. Mới có câu thi gì học nấy.

Người ta lo cho con cái, và chuẩn bị cho cái sự ứng thí của đứa trẻ từ lúc bập bẹ, lớp "lá" mầm non, lớp 1 tiểu học, tới mục tiêu cao nhất- thi đại học. Vấn nạn học thêm, vì vậy cũng nảy nở từ bậc tiểu học tới trung học phổ thông như nấm sau mưa. Liệu có nên gọi, bên cạnh nền GD chính khóa, còn có một nền GD học thêm?

Bộ GD tự lúc nào, được mệnh danh là Bộ... thi cử. Từ đầu năm, cho đến cuối năm chỉ loay hoay họp hành, chuẩn bị cho các kỳ thi. Thi tốt nghiệp THPT, thi đại học, thi học sinh giỏi quốc gia các cấp, thi Olimpich quốc tế và khu vực. Chưa kể các kỳ thi của các địa phương.

Đã thi cử là có gian lận. Chống gian lận bằng cuộc vận động Hai không rầm rộ, nhưng đến thời điểm này, qua các tỷ lệ tốt nghiệp cao và đẹp đến...nghi ngờ, cái sự gian lận thi cử, e nó lại "vận" vào chính ngành GD?

Đến mức Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phải hỏi thẳng vị Bộ trưởng GD tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ trong kỳ họp thứ 2, QH khóa XIII mới đây: Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy (tỷ lệ đỗ tốt nghiệp) có phản ánh thực chất không... Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp (VietNamNet, 24/11/2011).

Người dân khổ vì thi cử, nghi ngờ thi cử, thậm chí vay nợ chồng chất vì con cái đi thi cử, nhưng lại không thể rời bỏ thi cử.

Bộ GD khổ vì thi cử, nhưng cũng không dám bỏ bớt thi cử.

Ngay chủ trương thi "2 trong 1"- chỉ còn một kỳ thi trung học quốc gia, một chủ trương hợp xu thế thời đại, dưới áp lực xã hội, Bộ GD đành lững lờ không nói không, cũng không nói có, hệt chú "thỏ đế" trong ca dao: Rằng yêu thì nói là yêu/ Không yêu xin nói một điều cho xong...

Cũng cần công bằng để nói rằng, từng có nhiều năm, nhận thức được trách nhiệm xã hội của mình, ngành GD muốn thay đổi xu hướng học để thi, khi chủ trương phân luồng qua mô hình phân ban THPT: Ban A (Khoa học tự nhiên), B (khoa học kỹ thuật) và ban C (khoa học xã hội và nhân văn).

Thế nhưng rất nhạy cảm, số đông người dân không ai muốn con em mình đi theo ban B - để làm thợ. Tất cả chỉ một ước muốn chui qua cánh cửa hẹp - thi đại học.

Phân ban lần đầu thất bại, vì đã không có học sinh theo học như thiết kế chủ quan của ngành, không được người dân ủng hộ. Mà cũng còn vì GD không trả lời được câu hỏi của họ- học sinh ban B sẽ đi về đâu, làm gì?

Phân ban lần hai ra đời, còn mỗi hai ban: A và C, chỉ để chạy theo và đáp ứng nhu cầu thi ĐH của số đông con em nhân dân.

Cái hay được thay bằng cái dở. Đi kèm theo là sự lãng phí, tốn kém tiền bạc không biết bao nhiều mà kể.

Nhưng xét cho cùng phân ban thất bại, GD không có lỗi, nhân dân không có lỗi, vì... Cái nước Việt mình nó thế(!)

Danh "hư" nhưng lợi "thực"

Nếu biết rằng, có chính sách nào trong xã hội chúng ta thực sự trân trọng khuyến khích người thợ, người lao động? Cao hơn nữa là trân trọng người giỏi, người tài? Từ vị thế, lương bổng, chế độ đãi ngộ? Hay chỉ khuyến khích con người vươn tới...làm quan?

Thì cái bằng cấp là tiêu chí đầu tiên phải có để tiến thân. Thế nên, ngay cả Thủ đô Hà Nội cũng từng có chủ trương 100% cán bộ cốt cán phải là tiến sĩ!

Cái danh làm quan khi ra đời, dĩ nhiên luôn kèm theo cái lợi- bổng lộc, tiền bạc. Cái danh kiếm lợi bằng chính danh không thỏa, nó sẽ tận dụng để kiếm lợi bằng nhiều cách khác nhau.

Báo chí mới đây đưa tin, một vụ trộm ở TP. HCM. Chủ nhân ngôi nhà bị mất trộm (vợ và chồng) đều chỉ có một chức quan nhỏ thuộc ngành thuế, và ngành dạy nghề. Số lượng tài sản bị mất khá lớn, bao gồm 10 lượng vàng SJC, 2 bông tai hột xoàn, 1 nhẫn kim cương, 6.000 USD, 12 cuốn sổ tiết kiệm trị giá 5 tỉ đồng. Tổng trị giá tài sản bị mất trộm là hơn 6 tỉ đồng.

Rồi cách đây vài năm, người ta còn chưa quên vụ một chiếc cặp bị bỏ quên ở sân bay của một quan chức trên đường công tác từ Tây Nguyên trở về Hà Nội. Trong chiếc cặp số có tới 11 chiếc phong bì đựng tiền VN (ít nhất từ 2 triệu đến 10 triệu) và đô la Mỹ. Ngoài phong bì có ghi tên nơi biếu.

v..v... và v..v..

Trong GD thì quốc nạn học thêm. Ngoài xã hội thì quốc nạn tham nhũng. Cũng bởi hai từ danh- lợi.

Nó chi phối con người đến mức, có lần nói chuyện về lứa trẻ, một GS từng trải buồn bã: Các em bây giờ, họ chỉ đi tìm "minh chủ, hắc chủ" để tiến thân, chứ không đi tìm thầy để tu thân đâu, nhà báo ạ!

Ở một đoạn khác, TS Alan Phan viết: Sau 5 ngàn năm tiến hóa của nhân loại, định luật Darwin không ứng dụng ở Việt Nam. Một anh trưởng thôn hay trưởng xã vẫn oai quyền và sống sung túc như thời phong kiến hơn trăm năm trước. Có lẽ vì văn hóa và truyền thống, người dân vẫn phải co rúm như một con sâu khi đối diện với một ông quan, dù là quan làng. Khác với tư duy của các dân tộc Âu Mỹ: Lương anh chị lấy từ tiền thuế của tôi thì tôi là người chủ, trả lương cho anh chị để được phục vụ.

Cái tâm lý cay đắng ấy, đã được nhà văn Lê Lựu trong cuốn Thời xa vắng, chỉ ra, qua số phận đầy bi kịch của anh nông dân Giang Minh Sài, ngay cả khi anh ta đã ra thành phố. Số phận một cá nhân hay số phận của nhiều cá nhân một thời cuộc ấu trĩ?

Đó là chuyện thôn làng trong quá khứ. Nhưng nếu TS Alan Phan biết rằng ở tầm vĩ mô, thì thời hiện đại này, đến một cái danh hiệu cũng ưu tiên cho người làm quan? Như tiêu chí xét tặng Huân chương Lao động của Nhà nước chẳng hạn, mà người viết bài chứng kiến mắt thấy tai nghe.

Vậy có ai không thích làm quan?

Con người được đào tạo bởi một nền GD ứng thí, khi ra đời, lại sống trong một xã hội, mà sự làm lợi từ cái danh rất dễ.

Đó là lý do vì sao làm quan thẳng thì khó, nên không ít kẻ, mua quan bán tước, làm quan... tắt.

Đó là lý do vì sao, có biết bao câu chuyện bằng rởm, bằng giả của quan chức thấp, quan chức cao.

Một đất nước không rộng mà có bao nhiêu loại quốc nạn: Quốc nạn tham nhũng, quốc nạn học thêm, quốc nạn giao thông, quốc nạn bằng giả. Còn quốc nạn gì nữa đây?

Bằng rởm, bằng giả trong nước không oai, người ta tìm kiếm bằng rởm, bằng giả quốc tế, xuyên quốc gia "dọa nhau". Vải thưa hóa ra vẫn che được mắt thánh! Không ít bằng giả, bằng rởm vẫn chễm chệ lên ngôi.

Thế nên, xin tác giả Alan Phan đừng chê trách thế hệ trẻ. Bởi các em là sản phẩm của nền GD hư học (chữ của GS Hoàng Tụy), nên các em phải chạy theo... cha anh, chạy theo hư danh.

Danh "hư" nhưng lợi "thực". Có "thực" lại chạy tiếp "danh"

Chỉ đất nước, là khó phát triển?
--------------
BCT: Một bài viết quá hay, quá đúng và sâu sắc.


3/8/11

Ba khâu đột phá của thủ tướng

Đọc bài này của Blogger Osin Huy Đức trên Blog của Bọ Lập, thấy hay quá vác về đây lưu trữ.

Không thể nghi ngờ khả năng sắp đặt nhân sự để thâu tóm quyền lực của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng, nhìn hai trang báo đăng bài “nhậm chức” dày đặc chữ, mới thấy, ông làm Thủ tướng tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn biết cách phân biệt sự khác nhau trong ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ với ngôn ngữ của một chính trị gia ở hàng nguyên thủ.
 Định xếp trang báo lại coi như nó chẳng liên can gì tới mình, nhưng anh bạn café cùng bàn thở dài, “sợ đến cuối nhiệm kỳ, tô phở tăng giá lên mấy trăm”! Nhớ cái Tết 2006, mấy tháng trước khi ông nhậm chức, tô phở 15.000 đồng đã bị báo chí la làng. Bây giờ tô phở cùng loại đã là 50.000 đồng. Khi ông lên, ký thịt gà loại thả vườn cũng chỉ mới 28.000 đồng, ký heo nạc mới 38.000 đồng… Như tôi đã từng phân tích, do những chính sách về tài chính, ngân hàng của ông mà khủng khoảng kinh tế của Việt Nam xảy ra từ tháng 3-2008 trong khi, khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu có ảnh hưởng cũng chỉ có thể lan tới Việt Nam sớm nhất là tháng 12-2008.
 Đầu năm 1998, sau cuộc phỏng vấn một nhà lãnh đạo, biết ông đang vui, tôi hỏi: “Anh vừa đi Yên Tử về có thấy những cục đá xung quanh chùa Đồng đầy những tên tuổi của Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo…?”. Thấy ông chưa thực sự hiểu câu hỏi của mình, tôi tiếp: “Những kẻ, cho dù thuộc hàng chăn trâu cắt cỏ như Chắt, như Tèo, khi đã leo lên tới đỉnh thì cũng cố đánh dấu cái nơi mình đã đặt chân lên. Cái mà một bậc nguyên thủ quốc gia mưu cầu phải là lưu danh chứ không phải là tiền bạc”. Tất nhiên, để được lịch sử ghi nhận công lao thì khó hơn chia phần trăm và nhận bao thơ.
 Trong cái chính thể do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nguyễn Tấn Dũng là vị Thủ tướng có nhiều quyền lực nhất. Thời ông Phạm Văn Đồng, danh sách nội các thường chỉ được bên ông Lê Đức Thọ chuyển sang không lâu trước khi ông đọc trước Quốc hội. Ông Đồng là người trọng chữ nghĩa, nên ông thường yêu cầu bên ông Thọ cho ông thời gian để sửa những câu trong tờ trình bị viết sai chính tả, ngữ pháp. Ông Đồng thừa nhận ông Võ Văn Kiệt là vị Thủ tướng làm được nhiều việc nhất.
 Thời ông Kiệt, tuy không có “tam quyền phân lập” nhưng lại có “tam nhân phân quyền”. Ông Kiệt cũng chịu chế ước rất nhiều bởi những người đồng nhiệm như Lê Đức Anh, Đỗ Mười. Khi ông Kiệt đang đẩy nhanh tiến độ công trình đường điện 500 kv, tư lệnh công trình của ông, Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bị xử tù 3 năm. Năm 1995, ông Kiệt viết thư yêu cầu cải cách chính trị, liền sau đó, ông Nguyễn Trung, trợ lý của ông, người chấp bút “thư gửi Bộ Chính trị” đã bị áp lực tới mức phải ra đi, còn ông Hà Sỹ Phu, người tàng trữ một bản sao bức thư, thì bị bắt.
 Trong tình hình ấy, Chính phủ ông Kiệt vẫn hoàn thành một khối lượng lớn công việc, xây dựng được những bộ luật làm nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường vận hành. Và, đặc biệt, dù bị cản trở rất nhiều, vẫn đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ với EU và với những quốc gia một thời bị coi là kẻ thù như Đại Hàn, như Mỹ… Người kế vị ông, ông Phan Văn Khải nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh với đồng chí Võ Văn Kiệt”.
 Khi ông Phan Văn Khải làm Thủ tướng, người ta sốt ruột bởi nhịp độ cải cách chậm đi so với người tiền nhiệm. Nhưng, như ông Kiệt nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Ông Khải không có những tuyên bố làm nức lòng dân bởi ông không phải là một nhà chính trị. Nhưng nhờ là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.
 Gần như toàn bộ các thiết chế pháp lý mà nền kinh tế đang vận hành đều được hình thành dưới thời ông Kiệt và được tiếp tục hoàn thiện hơn dưới thời ông Khải. Đặc biệt, chính phủ ông Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con. Chính quyền của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng hoàn thành những vòng đàm phán gay go nhất trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, để lại cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một nền kinh tế đang tăng trưởng trên 8%, lạm phát chỉ hơn 6% và một Việt Nam có vị thế khá cao trên trường quốc tế.
 Thật khó để gạch ra vài đầu dòng để nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong nhiệm kỳ đầu nhất là về mặt chính sách. Nhưng, khác với những người tiền nhiệm của mình, Nguyễn Tấn Dũng đang có cả một nhiệm kỳ trước mắt. Đây có thể là cơ hội cuối cùng và cũng có thể là cơ hội bắt đầu để ông tiếp tục nắm quyền với vai trò Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước.
 Chính trị là “nghệ thuật của những điều có thể”. Có rất nhiều điều chúng ta muốn làm cho đất nước nhưng chúng ta không có quyền. Có rất nhiều điều có thể ông Dũng cũng muốn làm, nhưng thế và lực cũng không cho phép. Với năng lực của cá nhân Thủ tướng và đội ngũ cố vấn hiện thời, Chính phủ chưa nên ban hành chính sách gì mới. Việc đầu tiên, trong phạm vi quyền Hiến định của mình, Chính phủ nên sắp xếp lại các cơ quan chính phủ theo hướng tách bạch chức năng hành pháp chính trị và hành chính công vụ.
 Năm 2006, Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, trong một trạng thái tinh thần lãng mạn, đã lập ra một nhóm nghiên cứu giúp ông Nguyễn Thiện Nhân cải cách giáo dục. Khi đó, tôi đề nghị, ông Nhân thay vì đưa ra chính sách, trước hết phải sắp xếp lại bộ máy của Bộ Giáo dục theo hướng: lập các vụ, chỉ tham mưu chính sách cho bộ trưởng; lập các cục, chỉ thi hành hành chính công vụ. Không thể đòi hỏi các vụ của ông giảm bớt các thủ tục và thôi can thiệp vào công việc của các nhà trường khi chính họ là người hưởng lợi từ việc duy trì những thủ tục không cần thiết ấy. Nhưng, thay vì thao tác như một bộ trưởng ông Nhân đã làm phong trào “hai không” như một cán bộ đoàn.Khi đã tách bạch hai chức năng này thì chỉ rất ít bộ còn các cục vì chức năng hành chính công vụ sẽ được giao cho địa phương. Bộ trưởng chỉ làm vai trò chủ yếu là hành pháp chính trị. Mỗi bộ có thể sẽ có một ông thứ trưởng chuyên nghiệp, một nhà kỹ trị đúng nghĩa, trông coi phần hành chánh công vụ thuộc ngành mình và chỉ ra tay khi có một cấp nào đó hiểu sai chính sách và chỉ hướng dẫn lại để các địa phương hiểu đúng về thủ tục và chính sách.
 Tách bạch như vậy, chính phủ chỉ còn quan tâm tới việc hình thành những hành lang pháp lý sao cho người dân dễ thở, kinh tế phát triển: sáp nhập Thủ đô thì không nghĩ đến các dự án đất đai của đàn em; bãi bỏ thi cử thì không sợ mất khoản phần trăm từ việc in ấn đề thi… Những người chạy chức bộ trưởng sẽ không dám bỏ tiền triệu ra vì mai mốt không thể bán giấy phép mà thu hồi vốn. Và, Hà Nội đất chật sẽ không còn tấp nập xe cộ vào những khi lễ, tết vì chẳng ai còn có nhu cầu biếu quà.
 Việc thứ hai, nhân sửa đổi Hiến pháp, nên áp dụng chế độ đa sở hữu đối với đất đai. Đây là một vấn đề mà khi soạn thảo Hiến pháp 1992, Chính phủ Võ Văn Kiệt đã muốn làm nhưng điều kiện chính trị chưa chín muồi như bây giờ. Chế độ đất đai thuộc sở hữu toàn dân chỉ mới được đưa vào Hiến pháp 1980 trong một hoàn cảnh mà ngay chính những người soạn thảo cũng không hiểu hết hệ lụy của nó. Khi trình dự thảo hiến pháp 1980, Chủ tịch Ủy Ban sửa đổi Hiến pháp Trường Chinh đề nghị áp dụng 5 hình thức sở hữu đối với đất đai. Nhưng, khi họp Trung ương, Tổng Bí thư Lê Duẩn có một bài phát biểu riêng về việc lấy tư tưởng “làm chủ tập thể” làm trung tâm. Sau khi phân tích “đạo lý của việc áp dụng phương thức sở hữu toàn dân đối với đất đai”, ông Lê Duẩn cho rằng tinh thần của Hiến pháp 1980 phải dựa trên ba yếu tố: làm chủ tập thể, chuyên chính vô sản và sở hữu toàn dân. Cả chuyên chính vô sản và làm chủ tập thể đã gãy và cái kiềng ba chân ấy chỉ còn cái chân sở hữu toàn dân cà nhắc.
 Không chỉ lỗi thời về mặt lý luận, việc không tách bạch các hình thức sở hữu đất công, đất tư đã dẫn đến sự lúng túng trong việc ban hành các chính sách liên quan đến thuế và thu tiền sử dụng đất. Việc các chính quyền địa phương bị thao túng bởi các doanh nghiệp, tiếp tay cho họ cướp đất, đang là mầm mống của những vụ gây bất ổn về chính trị. Có lẽ chính quyền cũng nên biết xấu hổ khi người dân ở các vùng đất chống Mỹ như Bến Tre, Long An… giờ đây khi bị mất đất thay vì cậy đến chính quyền mà họ đã đổ máu để lập nên đã phải khăn gói đến cầu xin trợ giúp trước các cơ quan ngoại giao của Mỹ.
 Có một việc mà cả Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải đều chưa làm được là cải cách khu vực kinh tế nhà nước, tiến tới dẹp bỏ kinh tế quốc doanh. Nhu cầu để quốc doanh “chết” xuất hiện từ cuối năm 1989 khi Chính phủ Đỗ Mười chống lạm phát thành công bằng cách áp dụng lãi suất tín dụng theo nguyên tắc kinh tế thị trường và buộc các doanh nghiệp phải tự hạch toán kinh doanh. Chính sách này đã làm cho nền kinh tế mạnh lên nhưng đồng thời đã đặt các doanh nghiệp quốc doanh trước nguy cơ phá sản. Ông Mười bị Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh phê phán đã định quay lại chính sách bao cấp nhưng, trước sự can gián của những nhà cố vấn dũng cảm như Đào Xuân Sâm, Trần Đức Nguyên, Lê Đức Thúy, Nguyễn Văn Nam… ông đã chỉ lùi một bước: ném cái phao tín dụng để cứu quốc doanh. Kinh tế quốc doanh vì thế đã tiếp tục được bú bầu sữa từ độc quyền khai thác tài nguyên, độc quyền các thương quyền, đến được ưu đãi hơn về tín dụng.
 Việt Nam, xét về bản chất, không còn là một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc gia độc đảng. Trong thâm sâu, những người đồng nhiệm của ông Dũng không còn coi ý thức hệ là kim chỉ nam cho dù độc đảng vẫn là lẽ sinh tồn của họ. Nếu ông Dũng đòi xét lại định hướng xã hội chủ nghĩa, ông cũng sẽ bị tiêu diệt. Các đối thủ của ông sẽ chống ông không vì niềm tin mà vì đấy là công cụ tấn công mà không ai dám cãi. Nhưng, với tư cách Thủ tướng, ông Dũng có thể thuyết phục các đồng chí của mình: Giữ định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng thay vì lấy quốc doanh là chủ đạo thì phải chọn hiệu quả của nền kinh tế làm chủ đạo.
 Năm 2005, năm trước khi ông Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, khu vực quốc doanh tuy nắm 54,9% tổng số vốn sản xuất kinh doanh, 51% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn nhưng chỉ tạo ra 38,8% doanh thu; Trong khi khu vực tư nhân chỉ chiếm 25% vốn sản xuất kinh doanh, 20,6% giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chánh dài hạn nhưng đã tạo ra mức doanh thu chiếm 39,5%. Thế nhưng, năm 2006, thành phần kinh doanh kém hiệu quả này vẫn được ưu tiên, doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ 75% tài sản cố định quốc gia, 20% vốn đầu tư xã hội, gần 50% vốn đầu tư của nhà nước và 60% tín dụng ngân hàng trong nước và 70% vốn vay từ nước ngoài. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia lại làm ra tiền ít nhất.
 Tất nhiên, nếu ông Dũng muốn, việc thực hiện những điều tối thiểu này cũng không phải dễ dàng. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ giấy phép. Nhưng, cũng như “Trần Văn Chắt, Nguyễn Thị Tèo”, đã lên tới đó thì đừng nghĩ tới mục tiêu kiếm chác. Thủ tướng cũng cần có sự ủng hộ của các thành viên trong gia đình. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được.
 Viết đến đây thì nhận được tin tòa y án đối với Cù Huy Hà Vũ. Như vậy, không chỉ những người giúp việc viết diễn văn, các cố vấn chính trị của Thủ tướng cũng vẫn mang những tư duy cũ. Tiểu khí vẫn bị đánh thức. Thay vì, sau những nỗ lực sinh tử để thâu tóm quyền hành, bậc anh hùng phải bắt đầu nhiệm kỳ bằng cách mở lòng đại xá. Hy vọng, sau khi Quốc hội phê chuẩn nội các, Thủ tướng sẽ có những người giúp việc hiểu được vai trò lịch sử của ông hơn.

H.Đ


1/8/11

Gửi người phương xa[1]

Mình vẫn sống, ít tham vọng hơn, cam chịu hơn và thực tế hơn. Cuộc sống quả thật không dễ dàng, không như mình nghĩ. Mà cuộc sống quả thật rất phức tạp.

Mình đã dần chấp nhận làm một công việc nhẹ nhàng, ít áp lực không đòi hỏi nhiều về trí tuệ và mình chấp nhận tự tạo cho mình những mục tiêu, những niềm vui nho nhỏ để mà tiếp tục sống. 

Mình chấp nhận là kẻ hèn nhát, đứng ngoài thời cuộc đang sôi sục, cuộn sóng hiện nay để sống trong cái vỏ bọc an toàn của một kẻ làm công ăn lương bình thường. Mình nhìn mọi người xuống đường, thể hiện tình yêu nước, bản lĩnh chính trị và tâm thế của người trí thức, tuổi trẻ nước nhà mà rất khâm phục, âm thầm dõi theo những bước chân ấy và cũng chỉ đến thế thôi, mình không dám đánh đổi quá nhiều thứ khác, ít nhất là những thứ mình đang có.

Mình đang dần chấp nhận rằng, tất cả những ước mơ, hoài bão và công lao học hành của mình trước đây khi ra đời nó cũng bình thường thôi và phải biết mình, biết người giữa thời buổi loạn lạc này.

Bạn bảo mình đừng mải mê sự nghiệp mà quên chuyện vợ con. Mình cười tự nhủ trong bụng, thời buổi này sự nghiệp gì cho mình xây khi mọi giá trị bị đảo lộn, các khái niệm bị đánh tráo, cuộc sống thiếu một niềm tin, lý tưởng chân chính.

Đành làm kẻ bộ hành mệt mỏi, nhìn đời trôi thôi vậy.

30/7/11

Thu hồi đất: Đừng để ‘giọt nước tràn ly’

(VEF.VN) - Việc ban hành văn bản pháp quy liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân. Đừng quá chăm chút đến lợi ích của chủ đầu tư và đổ hết lỗi lên đầu người dân có đất trong dự án.
LTS: Sau khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet đăng tải bài viết: "Hành chính hóa thu hồi đất: Đổ thêm dầu vào lửa"; "Hành chính hóa thu hồi đất: Làm lợi cho ai?" chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Phong Lĩnh ở TP.HCM. Để đảm bảo thông tin đa chiều, VEF.VN trân trọng giới thiệu bài viết này, trước khi đưa lên tiếng nói chính thức từ nhà quản lý và các chuyên gia.
Mời các bạn đón đọc và tiếp tục tham gia tranh luận. Mọi ý kiến xin gửi về: vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới.

Luật chưa nghiêm với chủ dự án
Nguyên nhân dự án trì trệ kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do người dân có đất trong dự án chỉ là phần rất nhỏ, mà chủ yếu là do:

Mức bồi thường không thỏa đáng: Giá bồi thường chỉ bằng 5-40% giá thị trường

Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính: Việc chấp thuận dự án đầu tư thường bỏ khâu kiểm tra năng lực tài chính vì những lý do mà ai cũng hiểu. Nhiều dự án được thực hiện theo kiểu "xí phần" rồi sang nhượng dưới chiêu thức liên doanh, hợp tác đầu tư... Khi chưa gọi được đối tác thì tìm cách kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Thiếu đối thoại giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất: Hầu hết các chủ đầu tư đều biến các cơ quan chính quyền thành công cụ phục vụ cho họ trước khi họ đối thoại với dân thay vì làm ngược lại (Không một chủ đầu tư nào chịu ra mặt đàm phàn thỏa thuận với dân ngay từ đầu, mà họ chỉ ra mặt thỏa thuận với dân sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp hành chính không thành và người dân khiếu nại kiện cáo lên các cấp chính quyền cao hơn).

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ là cơ quan trung gian giữa chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất và không phải là chủ thể đền bù (người bỏ tiền đền bù), nhưng lại quyết định mọi giá cả đền bù là bất hợp lý.

Cách giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân bị thu hồi đất chưa hợp lý: Đơn khiếu nại tố cáo gửi lên cấp trên đều bị chuyển lòng vòng xuống cấp bị khiếu nại tố cáo. Thử hỏi khi nào thì đơn thư được giải quyết, nếu được thì liệu có thỏa đáng hay không?

Thực hiện luật pháp chưa nghiêm với các chủ dự án. Luật Đất đai năm 2003 quy định "... dự án được giao đất mà quá 12 tháng chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm quá 24 tháng thì bị thu hồi... ", nhưng thực tế có nhiều dự án sau nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai chậm 10-15 năm vẫn không bị thu hồi và cũng không có biện pháp chế tài nào.

Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án hầu hết chủ đầu tư chẳng thiệt hại gì, mà chỉ có người dân là "chịu trận". Chủ đầu tư luôn kêu ca về chi phí hàng ngày cho dự án tăng: như nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng,... nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với giá trị dự án tăng lên. Chẳng thế mà họ (chủ đầu tư) thà kéo dài thời gian thực hiện dự án, chứ đâu chịu bỏ phần chi phí tăng thêm đó để đền bù thỏa đáng cho dân nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trình độ hiểu biết của dân về luật pháp còn hạn chế và cũng có những trường hợp người dân đòi hỏi quá đáng, khiếu nại kiến cáo sai thực tế, nhưng đó chỉ là những hạt cát giữa biển khơi mà thôi.

Bất cập chính sách
Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại một số điều bất cập:

Khi một dự án được phê duyệt là gây ảnh hưởng đến hàng trăm hàng ngàn hộ dân, nhưng chỉ cần dự án được phê duyệt là người dân trong dự án gần như mất quyền sử dụng đất: không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng...

Gần đây, có quy định cho xây nhà tạm, nhưng lại bắt cam kết tự tháo dỡ và không yêu cầu bồi thường khi giải phóng mặt bằng - đây là điều phi lý và đẩy hết thiệt hại lên đầu người dân. Nếu quy định trong thời hạn 1-2 năm kể từ ngày chấp thuận dự án thì người dân còn chịu được, đằng này nhiều dự án treo hoặc thực hiện trì trệ kéo dài 10-15 năm, người dân quá bị thiệt thòi.

Khi người dân khiếu nại kiện cáo thì bảo phải thực hiện các quyết định hành chính trước rồi kiện cáo khiếu nại sau. Nhà, đất đã bị mất rồi (cưỡng chế thu hồi bất kể đúng sai) rồi mới đi khiếu nại kiện cáo và cách giải quyết khiếu nại kiện cáo như trên chỉ làm cho dân càng thiệt thòi thêm. Nên có trường hợp khiếu nại kiện cáo kéo dài, sau 10-20 năm được giải quyết thỏa đáng thì cũng bằng không vì nhà mất, đất mất lại mất thêm công sức thời gian tiền bạc cho khiếu nại kiện cáo, đôi khi còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình, thậm chí mất mạng. Phần mất mát này còn lớn hơn cả nhưng gì được bồi thường cho dù là thỏa đáng.

Đơn thư khiếu nại của dân không được thẩm tra giải quyết rốt ráo mà bị chuyển lòng vòng, cuối cùng lại về với đối tượng bị khiếu nại. Thử hỏi có bao giờ kẻ có tội, làm sai lại tự nhận là mình sai trước kẻ kiện cáo mình.

Sự thiếu minh bạch trong kết quả xét xử khi tòa án các cấp quận, huyện, thành phố, thị xã lại trực thuộc UBND các cấp đó.

Đừng để giọt nước làm tràn ly

Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng lâu nay chưa thỏa đáng, khiến người dân bất bình, dẫn tới khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai và công tác đền bù giải phòng mặt bằng. Nay với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, nên:

Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.

Với lý do:

"... một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại... không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý!".

"... khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn".

Rõ ràng những đề xuất này chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và càng làm thiệt hai cho người dân bị giải tỏa. Bác Hồ đã dạy "Khó mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong", nhưng đề xuất như vậy khác nào chỉ chú trọng lợi ích của chủ đầu tư mà chưa qan tâm đến người dân?.

"10% còn lại" không phải không có cơ chế xử lý - chính quyền đã chẳng thi hành cưỡng chế rồi đó sao. Thậm chí không phải còn 10%, 20% chính quyền địa phương mới ban hành quyết định và thi hành cưỡng chế, mà còn 30- 40% đã cưỡng chế dân rồi, như dự án sân golf Rạch Chiếc - An Phú quận 2, TP.HCM chẳng hạn.

Vì sao "... giá thỏa thuận cao hơn giá bồi thường", điều đó chứng tỏ giá bồi thường chưa hợp lý. Các dự án khác cũng phải theo đó mà bồi thường mới đúng chứ. Dân giàu nước mạnh là đường lối chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Nhà nước chủ trương: "Phải đảm bảo quyền lợi cho dân, đền bù cho dân thỏa đáng, sát giá thị trường để tránh khiếu nại kiện kéo dài", gây lãng phí tiền bạc, thời gian của dân của nước. Nhưng với đề xuất như thế của Tổng Cục quản lý đất đai, liệu có làm giảm thêm khiếu nại, kiện cáo hay không? Liệu đã đảm bảo quyền lợi của người dân?

Để hạn chế, những người dân đòi hỏi quá đáng, sao không ban hành quy định về "giá trần" bồi thường. Chẳng hạn, giá trần được xác định bởi giá thị trường tại thời điểm thỏa thuận (trong thời hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tối đa là 6 tháng). Nếu người dân không chấp nhận giá trần thì mới tiến hành cưỡng chế.
------
Source: http://vef.vn/2011-07-30-thu-hoi-dat-du-ng-de-gio-t-nuo-c-tra-n-ly-

28/7/11

ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ: ĐÒI BỒI HOÀN TIỀN THUÊ LUẬT SƯ, ĐƯỢC KHÔNG?

PHAN THƯƠNG 
 Hiện nay ra tòa, không ít trường hợp đương sự yêu cầu phía bên kia phải bồi hoàn chi phí thuê luật sư, người đại diện. Hầu hết các tòa đều bác yêu cầu này nhưng cá biệt cũng có tòa chấp nhận với những lập luận còn tranh cãi…
Gần đây nhất, tháng 3-2011, trong một vụ kiện, TAND quận 1 (TP.HCM) đã bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện theo ủy quyền của phía bị đơn đối với nguyên đơn.
Tòa: Nơi bác, nơi chấp nhận
Trong vụ này, nguyên đơn là một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã kiện hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn đòi bồi thường 108 triệu đồng, công khai xin lỗi… vì cho rằng họ xúc phạm danh dự của mình. Sau đó, hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn cùng phản tố, yêu cầu nguyên đơn phải bồi hoàn 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện mà họ phải bỏ ra.
Trong phiên sơ thẩm, yêu cầu phản tố của phía bị đơn đã bị TAND quận 1 bác với lập luận: Việc các bị đơn thuê luật sư, thuê người đại diện tham gia tố tụng không phải là việc làm theo quy định bắt buộc của pháp luật đối với cá nhân họ.
Trái với phán quyết trên, ở một vụ án khác, TAND tỉnh Tiền Giang lại buộc bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện.
Cho rằng mình bị nhái thương hiệu, năm 2010, Công ty TP kiện Công ty TG ra TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu loại bánh gây tranh chấp, thu hồi toàn bộ lượng bánh đã xuất khẩu, bán tại Mỹ. Ngoài ra, Công ty TP còn yêu cầu Công ty TG phải thanh toán hơn 153 triệu đồng chi phí mà họ bỏ ra thuê luật sư tham gia vụ kiện. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Công ty TP. Về phần phí luật sư, tòa nhận định khoản phí này của Công ty TP là hợp lý, cần thiết, cần chấp nhận.
Luật quy định sao?
Thực tiễn xét xử án dân sự hiện nay, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu đòi bồi hoàn phí thuê luật sư, bởi cho rằng đó không phải là chi phí hợp lý bắt buộc mà bên thua kiện phải trả cho người thắng kiện.Theo nhiều thẩm phán, yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư là một dạng đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phải áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra (thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần); phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Luật cũng quy định các dạng thiệt hại: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Đáng chú ý là phí thuê luật sư không được luật liệt kê cụ thể trong từng dạng thiệt hại nói trên. Vì vậy khi xét xử, các tòa sẽ xem xét đây có phải là chi phí hợp lý, hợp lệ, cần thiết hay không. Thông thường, cũng như lập luận của TAND quận 1, hầu hết các tòa đều cho rằng kết quả giải quyết một vụ án do tòa quyết định, không phụ thuộc vào yếu tố đương sự có hay không có luật sư. Khoản chi phí thuê luật sư không phải là chi phí cần thiết, bắt buộc để đeo đuổi một vụ kiện.
Mặt khác, khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 cũng quy định: Chi phí cho luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác. Từ đó, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư như đã nói.
Nên chấp nhận?
Về chuyện này, trong giới luật học đang có luồng quan điểm khác rằng việc bắt bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư là hợp lý.
Theo luật sư Châu Huy Quang (hãng luật LCT Lawyers), khác với pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và lao động, Luật Sở hữu trí tuệ đã cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa buộc bên vi phạm phải bồi hoàn chi phí hợp lý để thuê luật sư. Luật sư Quang đánh giá đây là điểm tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp ở chỗ thừa nhận việc luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho đương sự là một nhu cầu cần thiết. Hơn nữa, việc tòa tuyên buộc bên thua kiện phải bồi hoàn khoản phí này cũng là một cách răn đe các vi phạm tương tự và tránh việc kiện tụng tào lao.
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng nhận xét chi phí thuê luật sư là chi phí thực tế hợp lý. Tuy nhiên, người yêu cầu phải chứng minh được mình bị tốn kém khoản này là do lỗi của bên kia. Chẳng hạn: Bị kiện nên bị đơn mới phải tốn kém chi phí thuê luật sư, nếu nguyên đơn kiện sai thì bắt buộc phải bồi thường lại cho bị đơn.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong án dân sự là bồi thường toàn bộ. Trong tình hình hiện nay, nhu cầu thuê luật sư để bảo vệ mình trong các quan hệ pháp luật ngày càng lớn. Nên chăng pháp luật cần sửa đổi theo hướng bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện. Dĩ nhiên tòa sẽ xem xét khoản phí này chứ không phải đương sự muốn kê lên thế nào cũng được.
Trước mắt cần có hướng dẫn
Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, trên thực tế không chỉ yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư, có khi đương sự còn đòi phía bên kia trả cả tiền photocopy giấy tờ, tiền thư từ khiếu nại, tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà nghỉ…
Để các tòa giải quyết thống nhất, thẩm phán này đề nghị trước mắt Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên có một văn bản hướng dẫn về phần chi phí thực tế khi xác định thiệt hại bao gồm những chi phí gì. Trong hướng dẫn phải liệt kê một số loại chi phí điển hình đã gặp.
Luật các nước
Anh, bên thua kiện sẽ phải bồi hoàn chi phí kiện tụng cho bên thắng kiện, trong đó có khoản phí thuê luật sư. Theo luật pháp Anh, một người đi kiện có quyền có luật sư bảo vệ và nếu thắng kiện thì không có lý do gì để cho họ phải chịu tổn thất cả.
Luật pháp của hầu hết các nước phương Tây (trừ Mỹ) đều đi theo hướng này.
Mỹ, trái với luật pháp Anh, mỗi bên đương sự phải tự chịu chi phí thuê luật sư của riêng mình, không cần biết kết quả vụ kiện như thế nào. Riêng bang Texas, năm 2011 đã có sự thay đổi là nếu bên đi kiện thắng thì bên kia phải bồi hoàn lại chi phí kiện tụng, trong đó có phí thuê luật sư (quy định này chỉ áp dụng cho người khởi xướng vụ kiện).
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực cụ thể như sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh, xâm hại quyền tự do về thông tin, kiện tập thể…, quan tòa có toàn quyền quyết định chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu bồi hoàn chi phí kiện tụng của các đương sự.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110728112644496p0c1063/doi-boi-hoan-tien-thue-luat-su-duoc-khong.htm

Làm ghề báo không nên quá giàu!

Blog BBC Vietnamese homepage

Làm nghề báo không nên quá giàu?

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-07-15, 16:10
Bà Wendi Deng Murdoch bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Bà Wendi Deng Murdoch đấm người tấn công để bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Những diễn biến liên tiếp nhắm vào News Corp và gia đình tỷ phú Murdoch khiến có người Anh tự hào gọi đây là một 'Mùa Xuân Anh Quốc", không khác gì "Mùa Xuân Ả Rập" ở Bắc Phi và Trung Đông mấy tháng qua. Trong không khí phản đối cắt giảm ngân sách, chống tăng học phí, dư luận Anh đã "vùng lên", không chịu sự thống trị về thông tin của một đế chế báo chí - truyền hình - xuất bản có doanh thu trên 30 tỷ đôla một năm.
Bê bối từ các vụ nghe lén điện thoại để moi tin giật gân về đời tư của người nổi tiếng và cả nạn nhân của các vụ giết người khiến tờ News of the World phải bị nhà Murdoch đóng cửa nhưng đám cháy vẫn lan ra, nay sang cả Mỹ và tới Úc, quê hương ông Murdoch.
Nhưng nhìn rộng ra thì đây còn là trận động đất với nghề truyền thông, như cú sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, làm lung lay giới tài chính toàn cầu.
Nhiều nhà báo, biên tập kỳ cựu từng dính líu đến News of the World đều đã bị bắt.
Một số sĩ quan của Cảnh sát Đô thành London đang bị điều tra vì dính vào chuyện bao che hoặc bán tin cho báo News of the World.
Nếu đúng vậy thì quả là chuyện quá xấu mặt cho cảnh sát, cơ quan đáng ra phải bảo vệ đời tư của dân, và cho cả các nhà báo, những người đáng ra phải làm gương về tính minh bạch.
Đọc và nghe những bàn luận sôi sục ở Anh về vụ việc, tôi có cảm giác nỗi bực bội của người dân không phải chỉ là phản ứng trước hành vi của một số phóng viên, chính trị gia và cảnh sát.
To quá khó tin?



Ông Rupert Murdoch và vợ, bà Wendi Deng ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011
Hai vợ chồng Wendi Deng và Rupert Murdoch ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011

Nền dân chủ Athens ở Hy Lạp thuở sơ khai là chuyện hội họp của các nhóm công dân nhỏ, đủ chỗ trong một hội trường, một sân khấu.
Ngày nay, ngoài các dịp bỏ phiếu bầu trực tiếp chỉ mấy năm một lần, dân chủ được thực thi qua cơ chế gián tiếp, nhờ các vị dân biểu, chính trị gia, và thông qua báo chí phản ánh dư luận và giám sát hệ thống quyền lực nhà nước.

Nhưng thời hiện đại cũng tạo ra các tập đoàn truyền thông đầy quyền lực và có tác động áp đảo đến cả giới chính trị, khiến tiếng nói của người dân, kể cả ở các nước dân chủ, bị yếu đi rất nhiều.
Tính bao trùm, áp đảo, chiếm lĩnh "trọn gói" cả không gian công cộng, cả thượng tầng kiến trúc của một số đại gia khiến người dân, kể cả ở một nước có nhân quyền cao như Anh thấy e sợ.
Thậm chí các chính trị gia London cũng luôn muốn lấy lòng nhà ông Murdoch và tin rằng chỉ có thể thắng cử nếu được ủng hộ, hoặc ít nhất là không bị các tờ báo của ông phản đối.
Nhưng khi sự sợ hãi không còn thì như báo Evening Standard viết, dân Anh thấy ông Murdoch là "Hoàng đế hoàn toàn trần truồng".
Từ đó tiếng tăm của ông, cổ phiếu thuộc tập đoàn của ông theo nhau mà tụt dốc.
Khi báo chí cũng không còn đáng tin và cảnh sát thì đang mất uy tín vì các bê bối liên quan thì nền dân chủ còn cách gì để tự khẳng định sức mạnh còn lại của mình?

Cách giải quyết ở Anh là dùng cơ chế cổ xưa nhất, như gọi vệ sĩ của nghị viện (searjeant-at-arms như Mõ Tòa ở Việt Nam xưa) để triệu bố con ông Murdoch ra khai báo vào ngày 19/7 này.
Ngoài ra, vì dân chúng phản ứng, các doanh nghiệp như Sainsburys, Renault, Boots đã tẩy chay việc đăng quảng cáo trên tờ News of the World của ông Murdoch.
Câu chuyện về đế chế Murdoch chắc còn lâu mới hết những đã có ngay một vài điều khiến ta suy nghĩ.
Có phải là trong thế giới của sự kếch xù này, chúng ta mong muốn tìm đến sự đơn giản, trong sáng, và thậm chí nhỏ bé?
Cơ chế ra đời với mục tiêu tốt đẹp như Liên Hiệp Châu Âu cũng dễ bị người ta nghi ngờ và xa lánh vì quá to, quá cồng kềnh, phức tạp, huống chi chuyện tập đoàn Murdoch nắm trong tay hàng trăm tờ báo và kênh TV.
Trang báo nhỏ và gọn nhẹ chắc sẽ dễ đọc hơn.
Nhà báo đừng quá giàu, quá cao sang và ít giao du với các giới tài phiệt và quân phiệt chắc cũng đáng tin hơn.
Chủ báo đừng quá mặn nồng với các chính trị gia hoặc có tham vọng 'buôn vua' như ông Murdoch cũng sẽ an toàn hơn.
Và là người đọc, nếu chúng ta bớt nghiền tin giật gân, nhòm vào chuyện đời tư của những người nổi tiếng thì chắc các ấn bản lá cải đem lại tiền triệu cho các ông chủ báo cự phú sẽ giảm đi nhiều.
Như thế, tôi nghĩ xã hội đỡ tốn giấy in và môi sinh cũng được nhờ hơn phải không bạn?
Cập nhật 19-20/7: Xem cả cuộc chấn vấn hai bố con ông Murdoch chiều thứ Ba tại Hạ viện Anh, tôi thấy có bốn điều nổi bật:
Một là các ông bà nghị viên Anh dù sao cũng đã làm hết trách nhiệm của họ là 'nướng chả' nhà tài phiệt truyền thông lớn nhất thế giới, đáp ứng đòi hỏi của cử tri hay dư luận Anh là không muốn thấy hệ thống chính trị và báo chí nước họ bị tập đoàn News Corp tác động, hay lũng đoạn. (So với các dân biểu Anh, thì vài vị dân biểu Philippines hôm nay bay ra Trường Sa để tỏ thái độ với Trung Quốc có thể chỉ để 'ghi điểm' với nhưng dù sao họ cũng biết cần ghi điểm với những người bầu ra họ).
Hai là hình ảnh cô vợ 42 tuổi người Mỹ gốc Trung Quốc của ông Rupert Murdoch đã ra tay bảo vệ chồng khi một người Anh ném đĩa kem cạo râu vào ông. Báo Anh sáng nay gọi cô Wendi Deng (Đặng Văn Địch, người gốc Giang Tô) là 'Chinese Ninja Lady'.
Một dân biểu Anh còn khen cô có 'cú đánh tay trái giỏi quá' nhưng hóa ra đó là tay phải. Cô không chỉ gạt được người gây gổ, Jonnie Marbles, nghệ sĩ hài Anh, mà còn đánh cho anh ta một cú vào đầu. Và thật xấu hổ cho cảnh vệ của Nghị viện Anh để xảy ra vụ đột nhập như vậy.
Cuối cùng, tôi cũng thấy thương cảm cho ông Murdoch, nay đã 80 tuổi với câu trả lời chính là "Tôi không biết", "Tôi quên".
Ông gợi ra hình ảnh cựu lãnh tụ mà thời vang bóng nay còn đâu, có gì thì đổ hết cho cấp dưới hay cho 'cơ chế News Corp' chứ bản thân ông thì không chịu trách nhiệm gì.
Điều chắc chắn là với cách trả lời chất vấn như thế, ít ai dám nói 'lãnh tụ còn anh minh'.
Và câu chuyện vẫn chưa hết với Thủ tướng Anh David Cameron.Trưa nay thứ Tư 20/7 ông lại phải ra trình bày trước Hạ viện về cách ứng xử của chính quyền với các vụ việc liên quan...

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2011/07/lam-nghe-bao-khong-nen-qua-gia.html

Khủng hoảng thời lãi suất cao, cơ hội của việc tái cấu trúc

'Doanh nghiệp chết không phải do lãi suất cao'
Mất cân đối từ gốc, hoạt động dàn trải, cộng với cơ cấu về vốn mong manh... là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó chứ không phải do siết lãi suất, theo ý kiến một số chuyên gia.

Tại hội thảo "Đầu tư 2011- 2012: Cơ hội cho ai?" hôm nay, 28/7, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, từ sau khi ban hành Nghị quyết 11 Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó có việc siết chính sách tiền tệ, vốn đang bị cho là gây ảnh hưởng nặng nề lên các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết, nhìn vào các chỉ số vĩ mô 6 tháng đầu năm, thì việc các doanh nghiệp kêu than có phần hơi quá. Bởi lẽ, GDP 6 tháng tăng 5,6%, nhập khẩu cũng tăng mạnh cho thấy người dân vẫn đầu tư, tiêu xài. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp 6 tháng tiếp tục tăng 14,3% chứng tổ doanh nghiệp vẫn có sản xuất chứ không phải chết đứng.
"Nếu chỉ tính tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay thì số vốn tuyệt đối cho nền kinh tế trong năm nay vẫn sẽ là 25 tỷ đôla Mỹ. Nếu không tính cho bất động sản và chứng khoán, liệu nền kinh tế thực của Việt Nam có thể hấp thụ nổi con số này”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, lạm phát theo tháng của Việt Nam đã có xu hướng giảm, mặc dù theo năm vẫn cao. Theo ông, mức đỉnh sẽ vào khoảng 22%, sau đó đi ngang và giảm xuống vào cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kiểm soát lạm phát còn tùy thuộc khả năng Chính phủ có vượt qua được các áp lực để kiên trì với Nghị quyết 11 hay không. Nếu không, Việt Nam sẽ còn phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần so với việc tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,6%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cũng chia sẻ, hiện nhà băng đang phục vụ 50.000 doanh nghiệp và trong đó chỉ có 10-15% số doanh nghiệp có quan hệ một cách thường xuyên với ngân hàng.
Và hiện nay, theo ông Vinh, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp chứ không phải là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân căn cơ nhất chính là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của bản thân doanh nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15-20%, trong khi đơn vị nhà nước, mức này chỉ là 10%”, ông Vinh nói.
Thêm vào đó, ông cho rằng, cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn tức lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản.
Do vậy, theo ông, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn, và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Vietnam Investment Group cho rằng, bất kể chính sách vĩ mô như thế nào, nếu bản thân doanh nghiệp có yếu tố nội tại tốt thì sẽ vẫn hoạt động tốt.
Cũng theo ông, đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam nên tái cơ cấu và tổ chức lại hoạt động của mình. Cần phải xác định rằng, muốn hoạt động và phát triển thì phải dựa vào năng lực chính từ bản thân chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia lại nhìn theo một hướng khác. Ông cho biết, theo khảo sát của ủy ban, 100 doanh nghiệp sản xuất kể cả xuất khẩu hiện có lượng hàng tồn kho rất cao, và khảo sát 130 doanh nghiệp niêm yết cho thấy bảng cân đối tài sản của các đơn vị này đang rất xấu.
"Nếu việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp tục như hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng lạm phát và đình đốn sản xuất, tăng trưởng GDP quý 3 và 4 sẽ dưới 5% chứ không phải 6-6,5% như Chính phủ dự kiến", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lệ Chi

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/doanh-nghiep-chet-khong-phai-do-lai-suat-cao/
 -----------
P/S:  Hòa toàn đồng ý với tác giả và các chuyên gia. Doanh nghiệp Việt Nam tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng số vốn có tỷ lệ quá thấp. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến bé đều:

(i) Cơ cấu vốn bất hợp lý, mất cân đối. Thường lấy vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn;
(ii)  Đầu tư dàn trải, ngoài ngành nghề chính. Tham gia "lướt sóng" vào các ngành kinh doanh "nóng", nhiều rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán,...
(iii)  Khả năng quản lý, điều hành kém, chỉ theo thói quen thuận tiện.Với cung cách quản trị kiểu " gia đình trị" và kém minh bạch nên khả năng đối phó với các tác động bên ngoài kém;

BCT.

27/7/11

Nhẹ như mây trắng về trời

27/7- Ngày thương binh, liệt sỹ- mỗi chúng ta dành những phút giây bên cuộc sống bộn bề, hối hả để tưởng nhớ về những người đã vô tư hiến dâng cuộc đời cho độc lập, tự do của tổ quốc, cho cuộc sống hòa bình cho nhưng thế hệ sau.
Đọc bài viết này trên Vietnamnet xúc động quá, xin phép cầm về đây để trong góc riêng của mình để thỉnh thoảng đọc lại khi cần.
 BCT. 
----------------------- 
Nhẹ như mây trắng về trời
Tác giả: Trần Minh Anh
Điều gì đã dẫn đường cho lòng tri ân của bao thế hệ hành hương về nguồn cội nếu không phải là những chân giá trị sống được hun đúc bởi lịch sử và những con người làm nên lịch sử? Sự hy sinh cho chính nghĩa, hòa bình và hạnh phúc trên xứ sở này đã hóa thân vào nguồn mạch núi sông, thiên thu vĩnh hằng.
Trời của miền Trung mùa này phả nắng nóng rát. Nắng làm tan chảy ý niệm ngồi trước màn hình máy vi tính để "google" những thứ cần thiết cho sự gia tăng hiểu biết về tất cả. Đi về phía đất nắng để cúi mình trước các tượng đài về ý chí, lòng quả cảm, tinh thần đồng đội. Đi về phía đất nắng để lặng người rơi những giọt nước mắt khi tai ta nghe bức thư của một anh lính chiến trường gửi người vợ trẻ, cha mẹ già khi biết trước sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng. Đi về phía đất của đạn bom, xác pháo trong chiến tranh vệ quốc để thấy sức trẻ hôm nay đang tiếp bước từ tiền nhân để xây dựng đất nước là một tiếng gọi của lương  tri.
Bức ảnh tỏa sáng nụ cười hồn nhiên anh lính 14 tuổi tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị đã nằm gọn trong bộ nhớ của chiếc Iphone của một học sinh lớp 8. Một sự so sánh nghiễm nhiên đến: cùng độ tuổi nhưng một người cầm súng, một người mải mê cầm bút và hí hoáy với tiện ích công nghệ. Một sự kế tiếp đầy lạc quan cho một quốc gia đi qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vượt qua đói nghèo để đi vào quỹ đạo phát triển, hội nhập.
Sự ác liệt của chiến tranh in dấu trên những bức ảnh, di vật còn lại từ chiến trường, hiển thị trên con số của thương vong và con số tổng kết của các loại vũ khí. Nhưng ý chí để chiến thắng sự ác liệt lại nằm ở đôi mắt, nụ cười, ở nơi thẳm sâu  trái tim những người cầm súng. Tuổi trẻ của họ đã thuộc về sự sinh ly tử biệt cho chính nghĩa của một dân tộc. Vì thế, rưng rưng đã chạm khắc bia đá: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, Đáy sông còn đó bạn tôi nằm, Có tuổi hai mươi thành sóng nước, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm..."(thơ của cựu binh Lê Bá Dương).
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/thahoadang7811c8_1311671373.jpg
Ảnh: Dân Trí
Con trẻ trên dòng Thạch Hãn ngày nay biết chèo đò cho du khách thả hoa đăng viếng thăm một thế hệ thanh xuân đã nằm lại dưới lòng sông bất tử. Ngọn đèn sáng lên, lênh đênh trên sông để những ai biết được trong cõi tâm linh có điều quý giá- lòng  tri ân. Bao nhiêu ngọn cỏ xanh nơi Thành cổ Quảng Trị có che lấp đi được máu xương người lính của hơn một vạn người lính nằm xuống ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975? Sự bình yên, non xanh Thành cổ hôm nay mang theo một thành ý từ tâm như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh".
Những bà mẹ già di chuyển tấm lưng còng còm cõi để vào Thành cổ thắp một nén nhang cho người thân của mình. Họ chăm đắm đôi mắt tìm kiếm những kỉ vật gần gũi để rồi lặng lẽ khóc chồng, khóc con...Xa đường, sức mọn về thăm Thành cổ, họ bước đi như đang hội ngộ với người đã khuất.
Tiếng chuông vọng vang ở nơi người lính nằm lại trên Đường 9, Trường Sơn đã thiêng liêng dẫn lối cho bao người tìm lại đồng đội, tìm lại người thân. Nén tâm hương là cách bày tỏ cụ thể nhất (và cũng nhỏ bé nhất) tấm lòng của người hành hương về với mảnh đất còn đó những cái tên và cả những người chưa biết tên đã ngã xuống vì Tổ quốc!
Có ai không tìm thêm nghĩa của từ "Hy sinh" khi đặt chân lên nơi mà hàng vạn người đã được quy tập? Có ai soi lại mình khi một lần nào đó trong cuộc sống mình đã trở nên nhỏ bé, thậm chí đến mức hèn mọn? Một phần của sự "thức tỉnh"  có phải là ở đây?
Mười mái tóc dài đã làm nên huyền thoại tại ngã ba Đồng Lộc. Khu tưởng niệm 10 cô gái trong một sáng yên lành có thêm tiếng chim hót, gió lay nhẹ cây lá và thơ. Người ta đọc thơ để trân trọng cảm xúc của người làm thơ nhưng cũng trân trọng hơn nữa mười cái tên đã đi vào niềm rung cảm. Thơ gọi tên các chị về đoàn tụ trong nước mắt: "Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/Chín bạn đã quây quần đủ hết/Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/Chỉ thiếu mình em (Chín bỏ làm mười răng được!)...("Cúc ơi" của nhà thơ Yến Thanh)
Đã không chín bỏ làm mười. Mạch ngầm của đất đã yên ủi các chị, tưởng nhớ của người đời đã sống cùng các chị. Người ta đã tinh tế đem cây bồ kết trồng bên cạnh mười mái tóc dài để bồi đắp một đức tin cho hậu thế, rằng: tuổi thanh xuân của các chị đã hóa thành một phần của sự sống.
Dải đất nào cũng nhiều trầm tích lịch sử. Có những thứ phù sa đang bồi đắp đâu đó trong mỗi con người tâm niệm mỗi chuyến về nguồn cội là mỗi chuyến đi nhắc nhở lương tâm. Bao nhiêu chuyến đi đó, phải nhẹ như mây trắng bay về trời!

25/7/11

3 người Việt nổi tiếng

Xong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, người ta vẫn thấy có 3 người Việt  được nhắc tên:
1- Nguyễn Y Vân;  (Vẫn Y Nguyên)
2- Vũ Như Cẫn;     ( Vẫn Như Cũ)
3- Vũ Các Cận ;     ( Vẫn Các Cụ)
Thật khó để mong chờ được nhìn thấy được những gương mặt mới trên chính trường Việt Nam.

23/7/11

Hiến pháp 1946 và công hàm quái chiêu

 Báo Đại đoàn kết có bài Công hàm 1958 với chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam (20/07/2011) được thiên hạ rất khen. Đấy, cứ công khai minh bạch như thế có phải hay không, cứ thậm thà thậm thụt, úp úp mở mở chỉ tổ làm dân sinh nghi. Ngẫm mà xem, xưa nay hễ ta để dân nghi điều gì là TQ lợi dụng ngay điều đó, đục nước béo cò mà. Ta thì khi nào cũng nghĩ đục nước là do bọn phản động khuấy lên, còn cò là các thế lực thù địch, nói trắng ra là Mỹ. Điều đó có thể có nhưng không đáng sợ bằng đục nước do chính ta làm vẩn đục lòng tin của dân; và con cò đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là TQ. Phải đắng cay mà nhận ra như thế, thưa mấy bác phòng chống diễn biến hòa bình. Nhưng thôi, chuyện này nói sau.
Nhân chuyện cái công hàm 1958, nhà bác Hiệu Minh có đưa bài Công hàm 1958 đã vi hiến? của ông Lý Quý Vũ.  Cái tựa có vẻ ” phản động” nhưng đọc thì thấy đó là sự vi hiến tỏa sáng, hi hi. Báo Đại đoàn kết cũng như nhiều người đã lên tiếng( trong đó có mình, he he) là tại thời điểm hiệp định Genève hãy còn nguyên giá trị thì cái  sự đồng tình trong công hàm 1958 chỉ là sự đồng tình của nước thứ ba chứ không phải của nước chủ nhà, chủ nhà lúc đó đương nhiên là VNCH. Lý lẽ ấy rất xác đáng. Bây giờ người ta mới hiểu đây là một chiêu của Cụ Hồ trong tình thế không thể không đồng tình. Mình tin như thế, vì mình biết chẳng ai dại đi sang nhượng đất đai Tổ Quốc cho người khác, vì đó là tội bán nước. Cụ Hồ lại càng không.  Cụ giành lại độc lập rồi tắc lưỡi sang nhượng cho TQ a? Còn lâu.
Kẹt vì nặng nợ với TQ quá, lại biết tỏng lòng tham vô đáy của TQ, cụ mới nghĩ ra cái chiêu tuyên bố không mất tiền thế kia. Cụ Hồ vốn có nhiều chiêu rất quái trong ngoại giao ai cũng biết, nhưng chiêu này của Cụ chưa quái lắm. TQ có thể vặn lại, nói  VNDCCH và CHXHCNVN chả phải cùng một Đảng lãnh đạo sao, tuyên bố của VNDCCH cũng chính là tuyên bố của CHXHCNVN, đừng có mà ngụy biện.
Có lẽ Cụ Hồ cũng đã lường trước cả chuyện này nên Cụ với tư cách Chủ tịch nước, tức là ông chủ quốc gia, người đứng tên trong sổ đỏ quốc gia đã không đứng tên trong công hàm. Trong công hàm đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng không ” thừa lệnh chủ tịch nước”.  Lý Quý Vũ đã phát hiện rất hay, thời đó chúng ta đang sống và làm việc theo Hiến pháp 1946. “Hiến pháp năm 1946 quy định: Điều 43: “Cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc là Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Điều 44: “Chính phủ gồm có Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Phó chủ tịch và Nội các. Nội các có Thủ tướng, các Bộ trưởng, Thứ trưởng. Có thể có Phó thủ tướng.”  Điều 53 còn nhấn mạnh quyền hạn của Chủ tịch nước: “Mỗi sắc lệnh của Chính phủ phải có chứ ký của Chủ tịch nước Việt Nam”. Công hàm 1958 là một dạng hiệp ước biên giới, vì vậy, theo HP1946, người ký hợp hiến Công hàm này phải là Chủ tịch nước VNDCCH. Hoặc nếu không, thì TTg phải viết thêm câu “Thừa lệnh Chủ tịch nước…” và có chữ ký của Chủ tịch nước.
 Hi hi để cho thủ tướng kí  công hàm, Cụ Hồ coi như không biết, trong khi luật pháp 1946 ghi rành rành quyền ông chủ tịch nước to nhất. Ông chủ tịch nước đứng tên sổ đỏ quốc gia. Chủ tịch không kí, không cho TT thừa lệnh thì mọi sự sang nhượng đều vô giá trị.  Trong tình thế không thể không đồng tình Cụ Hồ đã có một động tác giả có thể nói là tuyệt chiêu.
Cái chiêu ấy gọi là tuyệt chiêu chỉ vì Hiến pháp 1946 cho chủ tịch nước thực quyền cao nhất, trong đó có quyền thành lập nội các, chỉ đạo nội các. Tiếc rằng cái quyền ấy dần dần mất hút kể từ ngày Cụ mất. Tiếc lắm thay.