16/10/10

Quá nhiều điều bất ổn!

- Ôi người dân quê tôi


- Ôi công dân nước tôi
- Ôi chính quyền của tôi 1, 2, 3,4....

13/10/10

Vấn đề góp vốn và giám sát tiến trình góp vốn trong công ty cổ phần



GIÁM SÁT TIẾN TRÌNH GÓP VỐN
-LỜI GIẢI CHO CÁC CÔNG TY “MA”
Bùi Công Trường
Triết lí của mọi sự giàu có là phải tạo ra kênh dẫn ngàn vạn đồng tiền lẻ tích tụ thành những nguồn vốn lớn và lựa chọn những nhà quản trị tài năng làm cho nguồn tài nguyên khan hiếm đó sinh sôi” [Phạm Duy Nghĩa (2006)]
         Kể từ khi LDN 2005 được thông qua và có hiệu lực, đã có những tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề : làm sao để cân bằng giữa lợi ích của việc giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và vấn đề hiệu quả chung của xã hội.Hiệu quả chung của xã hội ở đây muốn nói tới  các khía cạnh: (i) Bảo vệ lợi ích của chủ nợ và bên thứ ba có liên quan đến doanh nghiệp một khi nó ra đời và hoạt động; (ii) Lợi ích chung của nền kinh tế mà ở đây cụ thể là sự ra đời của các công ty hay doanh nghiệp sẽ là một công cụ để thu hút vốn, nguồn lực trong xã hội để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo thêm những giá trị gia tăng cho xã hội.             
         Nói đến việc bảo vệ lợi ích của chủ nợ và bên thứ ba có liên quan đến doanh nghiệp suy cho cùng là muốn nói đến khả năng thanh toán các khoản nợ của công ty trong suốt quá trình tồn tại của nó khi nó mắc nợ các chủ nợ. Và với những quy định thông thoáng như hiện nay về thủ tục thành lập doanh nghiệp được quy định trong LDN 2005, đang dấy lên những tranh luận rất thú vị về vấn đề vốn điều lệ sau khi bãi bỏ những quy định về vốn pháp định.Có hai vấn đề đáng suy nghĩ đó là: nên hay không quy định về vốn điều lệ tối thiểu và việc giám sát tiến trình góp vốn?
             Vấn đề đầu tiên là các quy định về vốn điều lệ tối thiểu. Như đã nói ở phần về vốn ở chương 2 , vốn điều lệ xét trên hai góc độ kinh tế và pháp lý, có ba chức năng cơ bản sau: (i) tài sản được chuyển vào vốn điều lệ được sử dụng phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau khi nó được thành lập; (ii) chức năng bảo đảm. Theo nguyên tắc, việc thực hiện chức năng này của vốn điều lệ trước hết là hướng đến việc bảo vệ quyền lợi - tức là được coi là phạm vi tài sản tối thiểu của công ty nhằm bảo đảm quyền lợi của chủ nợ; (iii) Thông qua vốn điều lệ có thể xác định được mức độ tham gia của mỗi cổ đông trong công ty cổ phần. Địa vị pháp lý của các cổ đông được xác định trước hết phụ thuộc vào số lượng cổ phần do cổ đông nắm giữ. Như vậy có thể nói rằng, vốn điều lệ cho phép xác định mối quan hệ giữa các cổ đông trong CTCP [43].
              Trong các chức năng nói trên, có thể nói, chức năng bảo đảm quyền lợi của chủ nợ là chức năng quan trọng nhất.Bởi vì, khi một công ty đã hoạt động thì lúc nào nó cũng có cổ đông và chủ nợ và hai thành phần này cùng quan tâm đến tài sản của nó. Chủ nợ của công ty có thể là ngân hàng; nhà cung cấp các nguyên, nhiên liệu đầu vào cho công ty; các bạn hàng; cơ quan thuế, điện, nước, bưu chính- viễn thông;…Tuy cùng có chung một mối quan tâm một tài sản, nhưng những toan tính hay mong muốn của họ thì khác nhau.Chủ nợ luôn muốn công ty trả nợ đầy đủ, đúng hạn hay ít ra thì càng nhiều càng tốt; còn cổ đông lại lo rằng công ty thanh toán hết các khoản nợ thì họ sẽ chẳng còn gì nữa.Cả hai đều bỏ tiền vào công ty, nhưng tính chất công việc cũng như sự trông đợi của họ lại khác nhau.Với cổ đông là bên đầu tư, còn chủ nợ là bên cho vay; một bên thì mong muốn được hưởng cổ tức, bên kia lại mong muốn được trả cả gốc lẫn lãi.Do CTCP có một đặc tính vô cùng quan trọng mà ta đã nêu ở phần trước đó là tính chịu trách nhiệm hữu hạn của các cổ đông, nhà đầu tư nắm giữ cổ phần, cổ phiếu của nó.
            Có nhiều ý kiến cho rằng, việc không quy định mức tối thiểu của vốn điều lệ là sự thông thoáng của pháp luật nước ta, là cách thức tốt nhất khuyến khích quyền tự do kinh doanh ở nước ta bởi vì nó xóa bỏ “cản trở những người có sáng kiến kinh doanh nhưng không có đủ vốn [6; tr.15], hay nói cách khác, nó mang lại cơ hội kinh doanh cho tất cả mọi người, kể cả người có tiền cũng như người không có tiền . Tức là, pháp luật đã tôn trọng một cách tối đa quyền tự do kinh doanh của mỗi cá nhân, đáp ứng được nhu cầu của những người muốn gia nhập thị trường.Tuy vậy, theo chúng tôi quy định này có những kẽ hở nhất định bởi lẽ, khi có ý định nghiêm túc để đầu tư kinh doanh, thật khó để cho rằng, không cần vốn vẫn có thể kinh doanh, bởi vì đứng dưới góc độ tài chính thì khi dự định thành lập công ty, người sáng lập sẽ coi nó như một dự án của mình.Tiến hành dự án sẽ thật khó khả thi khi không có một lượng vốn nhất định trong tay. Việc bỏ vốn với một lượng tối thiểu cho trước thể hiện ý định nghiêm túc trong việc đầu tư kinh doanh của các sáng lập viên. Pháp luật quy định như vậy sẽ có tác dụng bảo vệ những người có ý định nghiêm túc để đầu tư kinh doanh. Tự do kinh doanh của người này không thể xâm phạm đến tự do kinh doanh của người khác, nếu pháp luật không có một cơ chế thích hợp để giúp bảo vệ cho “người ngay” thì nguy cơ “ kẻ gian” sẽ lợi dụng sự thông thoáng này gây thiệt hại cho “ người ngay” là rất lớn.Như vậy, từ ý định giảm chi phí gia nhập thị trường ban đầu của nhà làm luật nước ta, đã dẫn đến trường hợp làm cho chi phí “ thẩm định đối tác” trở thành gánh nặng cho chính những người thật sự đầu tư, kinh doanh nghiêm túc. Không gì kém khôn ngoan hơn việc đẩy rủi ro về phía khách hàng khi mà họ lại là bên thế yếu hơn trong mối quan hệ với các công ty, là những đối tượng rất cần được pháp luật bảo vệ.
             Nhìn từ góc độ luật học so sánh có thể thấy pháp luật của đa số các nước đều có quy định mức vốn điều lệ tối thiểu. Ví dụ, theo pháp luật của Liên bang Nga, quy định đối với CTTNHH thì mức vốn điều lệ tối thiểu là 100 lần mức lương tối thiểu, đối với CTCP thì mức vốn điều lệ tối thiểu là 1000 lần mức lương tối thiểu tại thời điểm thành lập doanh nghiệp. Theo pháp luật của Đức, mức tối thiểu của vốn điều lệ của CTTNHH là 25.000 Euro và của CTCP là 50.000 Euro. Ở Trung Quốc quy định vốn tối thiểu cho công ty TNHH là 30.000 tệ, cho CTCP là 5.000.000 tệ.Nhật Bản dẫu rằng, quy định vốn điều lệ tối thiểu chỉ là một Yên, tức là cũng gần như đã bỏ hẳn.Tuy vậy, nhìn vào điều thiết tưởng đơn giản ấy, có lẽ họ cũng cho rằng, dù đã gần như bỏ hẳn quy định đó, thì họ vẫn nêu cao triết lý luốn kinh doanh không ít thì nhiều, không thể có chuyện “ tay trắng làm nên” hiểu theo nghĩa đen của câu này được.Như vậy, có thể thấy rằng, đối với những đất nước có truyền thống pháp luật và nền tài phán mạnh mẽ, họ vẫn giữ các quy định liên quan đến việc quy định vốn tối thiểu, nó cũng gợi cho chúng ta nhiều điều đáng phải suy nghĩ.
            Vấn đề thứ hai là vấn đề giám sát quá trình góp vốn của các sáng lập viên. LDN Việt Nam 2005 có quy định rằng một trong những nghĩa vụ của cổ đông phổ thông là ” Thanh toán đủ số cổ phần cam kết mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”(§80.1- LDN 2005).      
             Nếu như vấn đề quy định vốn góp tối thiểu khi thành lập công ty, nhìn chung có cách xử sự khác nhau tùy theo điều kiện, hoàn cảnh mỗi nước.Thì hầu hết các nước đều có quy định rất chặt chẽ trong việc giám sát tiến độ góp vốn của các sáng lập viên. Mà một trong những quy định liên quan đến nó là quy định các sáng lập viên phải góp vốn ngay khi thành lập công ty.Ở Nhật, các sáng lập viên bắt buộc phải đăng ký mua và mua ngay ít nhất 25% số cổ phần được phép phát hành (§37.3-LDN 2006) vào thời điểm đăng ký CTCP, ở Trung Quốc, người ta bắt buộc các sáng lập viên phải đóng góp ít nhất 20% vốn điều lệ vào thời điểm đăng kí công ty…Với việc không phải đóng góp vốn ngay khi thành lập công ty và lại được phép thoải mái tự định ra tiến trình góp vốn ( trong vòng 90 ngày phải góp đủ ít nhất 20% vốn điều lệ) đã làm cho ở Việt Nam xuất hiện vô số "công ty ma", không hề có vốn. Với thời gian khoảng 90 ngày, người ta cũng đã đủ để thành lập một công ty, tiến hành một hay nhiều các “ thương vụ mua bán hóa đơn” trước khi công ty ngừng hoạt động trên thực tế. Hơn nữa tại Việt Nam, người ta cũng không “trù liệu một cơ quan nhà nước có quyền thẩm định vốn góp khi cần thiết nhằm chống lại việc khai khống vốn” [38].Điều này không đáng ngạc nhiên khi mà các cơ quan thuế luôn phải “ đau đầu” để xử lý các công ty được liệt kê vào danh sách ” đã bỏ trốn”. Như đã phân tích trong phần “ góp vốn của cổ đông sáng lập” ở mục 2.3.1.2 thì nhà làm luật Việt Nam hầu như phản ứng rất “yếu ớt” trước các vi phạm về tiến độ góp vốn của các sáng lập viên.
          Hậu quả tai hại nhất của việc không có các quy định đi kèm chế tài đủ mạnh trong việc giám sát tiến trình góp vốn của các sáng lập viên không chỉ là sự ra đời của các công ty “ ma”, công ty “ buôn hóa đơn”,..mà nguy hiểm hơn là “tạo ra tâm lí thiếu niềm tin của xã hội vào công ty trách nhiệm hữu hạn” [38], một chế định vô cùng quan trọng để thúc đẩy nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn để kinh doanh mà nhà làm luật Việt Nam đã cố công du nhập.Và viễn cảnh mà PGS.TS Phạm Duy Nghĩa nêu “ có 20 vạn tiệm buôn gia đình núp dưới bóng các công ty hiện đại” là một sự lãng phí, kém hiệu quả rất lớn cho chính nền kinh tế chúng ta.Không những thế, sâu xa hơn đó là thái độ “ khinh nhờn pháp luật”; khi mà luật quy định “một đường” , người ta đi làm “một nẻo” thì quả thật là hết sức tai hại.
         Từ việc phân tích hai vấn đề trên, chúng tôi kiến nghị trong tương lai khi tiến hành sửa đổi LDN 2005, cần có những quy định theo hướng quy định mạnh mẽ hơn nữa việc giám sát tiến trình góp vốn của các sáng lập viên, yêu cầu họ phải góp một lượng tối thiểu ngay khi công ty đăng ký kinh doanh.Bên cạnh đó là việc quy định mạnh mẽ các chế tài xử lý đối với việc khai khống vốn, cần có cả một cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định vốn góp khi cần thiết hoặc nếu không trong trường hợp cần thiết có thể chỉ định thuê một công ty kiểm toán hay định giá có uy tín bên ngoài, độc lập tiến hành thẩm định và mọi chi phí sẽ do công ty hoàn toàn chịu trách nhiệm chi trả.
 ----
Phần trích từ khóa luận tốt nghiệp nên các chú giải được đánh dấu theo thứ tự danh mục tài liệu tham khảo

12/10/10

Một tiếng thở dài lặng lẽ trên xứ vô tình!

Đã gần 2 ngày trôi qua kể từ đêm trình diễn và bắn pháo hoa hoành tráng ở Mỹ Đình đã kết thúc.Quả thật, là dịp nghìn năm có một của thủ đô " nghìn năm văn hiến", "trái tim của cả nước" nên thế là cũng mãn nguyện rồi.Chỉ có điều, vẫn còn có gì đấy vương vấn trong tôi một nỗi buồn man mác.Nỗi buồn này chẳng phải nỗi buồn thường tình của những kẻ thấy "sau cuộc vui là nỗi ê chề", cũng không phải vì những ngày thu Hà Nội, đẹp mà buồn như nghìn năm vẫn thế,...Mà đấy là nỗi buồn trước nỗi đau của những người đồng bào miền Trung mình chìm trong cơn lũ, ngoi ngóp trong cảnh màn trời chiếu đất vẫn mong cho Hà Nội không mưa để lễ hội được diễn ra suôn sẻ.Và nỗi buồn cho cái mình vẫn mong mỏi, vẫn hy vọng nhưng không bao giờ đến.
 Không, không và không bao giờ đến....
 Chỉ một phút thôi! 60 giây thôi
Mong, những con người tưng bừng tham gia lễ diễu binh hay hơn 200.000 người ngỡ ngàng vì có mặt trong bức ảnh ở Mỹ Đình và các vị lãnh đạo khả kính của chúng ta, dành một phút thôi để tưởng niệm những người đồng bào xấu số ở miền Trung vừa qua.Vậy mà điều ấy đã không bao giờ diễn ra.
Giải thích như Bọ Lập " than ôi cái vô tình của con người" có lẽ chính xác, hay là " lòng trắc ẩn bị mệt mỏi" của GS Nguyễn Văn Tuấn chắc cũng không sai.Còn tôi, tôi chỉ biết buông một tiếng thở dài lặng lẽ trên xứ vô tình mà mình đang sống.