8/12/10

Thế mà là vô văn hóa ư?*

Đọc một số bào báo trên Vnexpress, Vietnamnet,...thấy các ông, bà nghị của Hàn Quốc và trước đây là của Đài Loan đánh nhau toán loạn ngay trên nghị trường, kể các lúc truyền hình quốc gia và quốc tế đang tường thuật trực tiếp. Nhiều người trong chúng ta thường bĩu môi, tự hỏi tại sao là các nghị sỹ mà đánh nhau một cách vô văn hóa và bạo lực như vậy? Vậy nhưng, đấy là việc chúng ta chỉ nhìn thấy hiện tượng mà chưa hiểu rõ bản chất. 
Bản chất của việc này chứng tỏ một điều, sức ép về dân cử ở các nước này là rất có sức nặng. Các đại biểu của nhân dân (nói theo ngôn ngữ Việt Nam) thật sự làm việc vì dân đấy chứ!
Thông thường, đại biểu quốc hội của các nước trên thế giới cũng giống như Việt Nam là đại diện cho nhân dân ở một khu vực địa lý. Và lẽ dĩ nhiên, họ phục vụ cho những nhóm lợi ích nhất định, là những người sẽ quyết định ngân khố cho hoạt động cũng như sự nghiệp chính trị cho chính những ông, bà nghị này. Chính vì việc, sự nghiệp chính trị, kinh tế của họ được quyết định bởi nhân dân vì vậy cách thể hiện quan điểm của họ trên nghị trường sẽ quyết định việc họ có được nhân dân bầu hay không. Nếu họ không làm " hài lòng" những người dân mà họ đại diện thì nguy cơ đến khóa tiếp theo họ sẽ không còn được ủng hộ nữa. Và nếu họ thể hiện quan điểm, mong muốn và lợi ích của những người mình đại diện thì lúc đó họ đã hoàn thành nghĩa vụ của mình với nhân dân.
Chính vì vậy, chúng ta khá ngạc nhiên khi thấy các nghị sỹ cư xử với nhau "côn đồ" như vậy. Đó là sự thể hiện với nhân dân rằng họ đã làm tròn nghĩa vụ và bộn phận của mình đối với những người mà mình đại diện.
Có khi chúng ta thấy đấy không phải là cách cư xử văn hóa, nhưng đó là một biểu hiện cho một nền chính trị lành mạnh, ở đó những người đại biểu nhân dân đã làm hết sức mình để phục vụ cho lợi ích của những người mà họ đại diện.
Nếu nhìn vào tình hình của quốc hội Việt Nam, ngoài những ông nghị làm cho nhân dân cảm thấy khá hài lòng (mà nói theo ngôn ngữ người miền Nam là "đã") như : GS Nguyễn Minh Thuyết, GS Dương Trung Quốc, GS Nguyễn Lân Dũng, Lê Văn Cuông...thì khá nhiều các vị nghị sỹ của quốc hội Việt Nam là các "ông nghị gật" .Có khi "vô văn hóa" như các ông nghị Hàn Quốc và Đài Loan cũng không đến nỗi tệ.
Thế mà là vô văn hóa ư?
-----------
(*) Title này tôi nhái theo tên của một cuốn sách rất hay do nhà xuất bản tri thức xuất bàn là "Thế mà là nghệ thuật ư?" do dịch giả Như Huy dịch.

5/12/10

Từ "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" nghĩ về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt Nam


Nhân đọc bài "Khi nỗi đau con người là cơ hội kinh doanh béo bở " về chương trình "Đêm hội Hoa hậu Trái đất và Doanh nhân hướng về miền Trung" diễn ra tại TP.HCM đêm 11/11/2010, tôi cũng như nhiều bạn đọc tất nhiên sẽ rất đau lòng và phẫn nộ.
Chợt nhớ tới vấn đề Đạo đức kinh doanh (Business Ethics) cũng như Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibilities- CSR), mà của những ông chủ và chính các doanh nghiệp: tổ chức phiên đấu giá “lừa” và tham gia đấu giá “lừa”. 
Tôi đồng ý với LS Nguyễn Ngọc Bích, đạo đức kinh doanh hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp được hình thành và phát triển trên những cơ sở nhất định, thiếu các cơ sở đó thì chưa thể đặt vấn đề về chúng. Có lẽ ở Việt Nam hiện nay, nhìn chung thiếu các cơ sở nhất định đó.

Kinh tế Luật và vấn đề phòng chống bạo hành gia đình

Đọc bài "Vì sao đàn bà Việt hay bị đánh" của PGS.TS Hoàng Bá Thịnh là rất đáng suy nghĩ. Điều đáng suy nghĩ nhất ở đây là những nhận xét:

(i) Những yếu tố ảnh hưởng đến sự thiếu hiểu biết bao gồm khu vực cư trú (nông thôn thiếu hiểu biết hơn đô thị, miền núi kém hiểu biết hơn đồng bằng), về trình độ học vấn (học vấn càng thấp càng dễ chấp nhận việc chồng đánh vợ); 

(ii) Việc thực hiện Nghị định 110 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình rất khó khả thi, cụ thể: việc xử phạt hành chính bằng tiền có lẽ chỉ khả thi với những người có thu nhập trung bình. Còn nhóm người có thu nhập thấp thì khó lòng mà thu được tiền từ họ. Không những vậy, nhóm có thu nhập lại thường có học vấn, có hiểu biết nên ít có hành vi bạo lực, nhóm này thường hiếm khi bị phạt hành chính. 

Có điều đáng lưu ý là ông Thịnh cảnh báo các nhà làm luật rằng: " C.Mác có nói một câu đại ý rằng, người ở nhà ngói tư duy khác kẻ sống ở nhà tranh. Mong rằng, những nhà soạn thảo pháp luật trong phòng họp có máy lạnh, hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người sống ở nhà tranh. Có như vậy, mới hiểu được thân phận của những người thuộc tầng lớp nghèo khổ. Và chỉ khi đó, các văn bản pháp quy mới có tính khả thi, mới nhanh chóng đi vào cuộc sống". Thật ra, điều này là không có gì mới mẻ với những người nghiên cứu về kinh tế luật (Law and Economics), nhưng quả thật để giải quyết chúng là điều không đơn giản. Cho đến nay, trong những "hình phạt" ngoài phạt tù, có lẽ phạt tiền gần như là một loại hình phạt mang tính hiệu quả tốt nhất vì nó đánh vào tâm lý " tiếc của" của con người. Tất nhiên, nó chỉ có tác dụng đối với những người " còn có để mà mất", còn đối với những người không có tiền thì tất nhiên điều này kém hiệu quả. Đối với những người đàn ông vũ phu mà không có tiền này, có lẽ hình phạt dành cho họ là "đánh vào" những gì họ còn có: (i) Danh dự, nhân phẩm, sự sĩ diện; (ii) Sức lao động. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức của nhà nước để những người phụ nữ trong cuộc hiểu biết về quyền của mình, không cam chịu và tiếp tay cho những ông chồng vũ phu này. Các cơ quan, đoàn thể địa phương phải quan tâm, theo dõi thường xuyên các gia đình có ông chồng này, tiến hành:
(i) nêu tên các ông chồng vũ phu trên loa đài, các phương tiện truyền thông để mọi người lên án tập thể;
(ii) Chủ tịch UBND huyện, phường nên có một cuộc gặp gỡ công khai, tập trung tất cả những ông chồng này để giáo dục, răn đe;
(iii) Hình phạt dành cho các ông chồng vũ phu là lao động công ích dưới sự giám sát của đơn vị có thẩm quyền; lao động này có thể tiến hành quy đổi công sao cho chúng phải tương đương với số tiền mà các ông bị phạt hành chính.

...

Đây mới là những suy nghĩ bước đầu, có lẽ tôi sẽ suy nghĩ thêm xem : Lý thuyết trò chơi ( Game theory) không biết có giúp ích gì chăng.
Nói chung đánh đập vợ, con thuộc về văn hóa cho nên để thay đổi chúng cần phải tiến hành từ gốc rễ và pháp luật cũng chỉ là một công cụ trong nhiều công cụ.