13/5/11

Như tiếng thở dài!

Như bao nhiêu tín đồ Internet, vào các trang báo điện tử để cập nhật tin tức là "công việc" thường xuyên liên tục của tôi.
Trong các báo điện tử hay vào Vnexpress. Vietnemnet, Dantri là bộ ba tôi hay vào nhất. Bao giờ cũng vậy, giữa một rừng các tin tức kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao,..là chuyên mục chia sẻ về các thân phận, con người bất hạnh. Không biết những người khác thế nào, nhưng tôi đọc có những bài báo xúc động đến đau lòng. Và sau một số bài báo, bây giờ tôi bắt đầu có cảm giác sợ, không muốn đọc những bài như vậy nữa. Quả thật, trên đời còn có quá nhiều số phận bất hạnh, mà mình thì chẳng thể làm gì giúp được họ ( vì mình còn chưa lo nổi mình), mà người ta thường nói câu quá tàn nhẫn " thương ăn mày trong thiên hạ, có thương hết được không?".

Bất giác lại bị ám ảnh bởi "con tàu ma" Vinashin, bởi "công ty từ thiện" Cho thuê tài chính số 2 của Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Argribank),...lại nghĩ đến khoản nợ 1.000.000 đồng, bỗng dưng từ "trên trời" đổ xuống cho mình.

Chỉ nghĩ đến người nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn với ca khúc:"Như tiếng thở dài"

Phần hồn Hà Nội!

Hà Nội, thủ đô anh hùng, nghìn năm văn hiến của đất nước chúng ta!

Và vẻ đẹp của Hà Nội, khác biệt với Sài Gòn hay bất cứ thành phố, miền quê nào trên đất nước Việt Nam này chính là vẻ đẹp nên thơ của phố cổ, của những con đường, của những ngôi làng đã có từ ngàn đời nay.

Vậy nhưng, với tốc độ đô thị hóa cao đến mức vồn vã, với nhu cầu nhà ở cao đến mức chóng mặt và đặc biệt với tâm lý " khát nhà" đến mãnh liệt của những người dân ngoại tỉnh ra học và bám trụ lại lập nghiệpở thủ đô như tôi mà hiện nay các làng cổ, các di tích, ...những thứ biểu hiện "phần hồn" của Hà Nội dần mất đi và biến mất hoàn toàn. Không những là những thứ vật chất, hiện hữu, có những thứ như văn hóa, truyền thống rất riêng, đặc trưng của đất Tràng An cũng dần méo mó và biến chất dần. Dẫu ai đó có cho rằng, văn hóa người Hà Nội vẫn còn, nhưng theo tôi có lẽ còn ít lắm. Với sự du nhập đến mức lai tạp mà đa phần là cái xấu từ dòng người nhập cư về Hà Nội, văn hóa ở thủ đô ngày càng xuống cấp. Đó là văn hóa cư xử, văn hóa ẩm thực, văn hóa giao thông, văn hóa lễ hội,...tất cả đã xa rồi.
 Hôm nay đọc bài về việc xóa bỏ làng cổ Hòa Mục ( Trung Hòa- Thanh Xuân- Hà Nội), nơi có con đường Lê Văn Lương chạy qua và các dự án bất động sản lớn Hà Nội, thấy đau lòng quá. Theo bao nhiêu dự án mọc lên, bấy nhiêu thứ thuộc về truyền thống mà đáng lẽ chúng ta phải chọn lọc, cân nhắc để gìn giữ. Xét cho cùng, những ngôi nhà chọc trời, những dự án vĩ đại, ...theo thời gian với sự tiến bộ của khoa học, công nghệ ( xây dựng nói riêng), với sự giàu có, đi lên của đất nước, bất cứ lúc nào, chúng ta sẽ xây dựng dễ dàng, thậm chí tốt hơn bây giờ. Nhưng, những giá trị văn hóa vô giá mà tiền nhân Việt tộc để lại thì sẽ mất đi vĩnh viễn, không bao giờ phục dựng lại được ( Nhìn việc phục dựng ô Quan Chưởng và hàng nghìn di tích lịch sử hiện nay ở Hà Nội nói riêng và khắp Việt Nam nói chung, đủ hiểu trình độ phục dựng của chúng ta như thế nào).
Ngày nay, trên thế giới người ta luôn nêu cao sức mạnh của văn hóa và tri thức, đấy là thước đo của một dân tộ văn minh, mà văn hóa là nền tảng căn bản. Tiếc thay, cùng với sự đi lên của đời sống vật chất là sự tàn phá, tuyệt chủng dần của nền tảng căn bản ấy. Thế nên mới có chuyện Internet, báo chí luôn được phủ kín bởi những tin: Nữ sinh đánh nhau, clip sex sinh viên, các vụ án hình sự giật gân, phi nhân tính,...
Tôi không phải là người Hà Nội, nhưng tôi đã học tập làm việc ở Hà Nội hơn 7 năm, có nhiều kỷ niệm và gắn bó với Hà Nội (đời sinh viên ngoại tỉnh, nhà cách Hà Nội 500km, đường sá đi lại khó khăn nên suốt thời kỳ trọ học ở Hà Nội, một năm chỉ về quê có hai lần vào dịp hè và tết, đi làm còn ít hơn, còn lại thời gian lag ở Hà Nội). Tôi yêu Hà Nội, coi Hà Nội như quê thứ hai của mình, và tôi cũng lo lắng về sự mất đi phần hồn của Hà Nội, như những người Hà Nội gốc.