19/4/10

Một ý kiến nhỏ về Luật Doanh nghiệp 2005

Tôi đang làm một nghiên cứu nhỏ (khóa luận tốt nghiệp cử nhân luật kinh doanh) về công ty cổ phần (CTCP) của Nhật Bản và Việt Nam.Khi so sánh với Nhật, hay kể cả với Đức, Mỹ hay Tàu chúng ta mới thấy thành lập công ty nói chung và CTCP nói riêng ở Việt Nam là dễ nhất thế giới.Tôi đoán rằng còn dễ hơn cả bang Delaware ( nơi được mệnh danh là "thiên đường" cho việc thành lập công ty!).Dưới " ánh sáng" soi rọi khắp nơi của Luật Doanh nghiệp 2005, đã tạo ra một động lực lớn, tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho việc thành lập công ty với việc hành trăm giấy phép con, thủ tục phiền hà bị bãi bỏ, rồi cả quy định về vốn pháp định,...người ta dễ dàng thành lập công ty với chỉ vỏn vẹn 2-3 triệu đồng, với những mẫu giấy tờ và thủ tục có sẵn của cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ việc "điền không phải nghĩ". Và thế là hàng loạt các công ty của từng loại hình với quy mô vốn, ngành nghề kinh doanh khác nhau,..có bản điều lệ na ná nhau hầu như trung thành với mẫu do cơ quan ĐKKD niêm yết trên trang web.[1]
Với tư duy rằng, trong làm ăn chính các đối tác mới là người thẩm định kỹ càng, hiệu quả nhất uy tín, năng lực của các công ty, chính vì vậy ở ta hầu như không có một cơ chế giám sát góp vốn và tiến trình góp vốn một cách hiệu quả.Luật quy định phải báo cáo tiến trình và tiến độ góp vốn, nhưng có rất ít doanh nghiệp thực hiện việc này, bởi hầu như chưa thấy ai bị phạt hay xử lý gì bao giờ? [2]. Để tồn tại, quan trọng nhất lại là nghĩa vụ báo cáo thuế với cơ quan thuế, để chứng tỏ rằng doanh nghiệp vẫn tồn tại, để mua hóa đơn VAT và không bị cơ quan thuế địa phương liệt vào danh sách " bỏ trốn".
Đúng như lo ngại của PGS.TS Phạm Duy Nghĩa thì chúng ta sẽ có hàng vạn" tiệm buôn gia đình núp bóng dưới các công ty hiện đại" [3] và việc cố gắng du nhập tính trách nhiệm hữu hạn chỉ là mơ ước rất đáng quý của các nhà làm luật Việt Nam mà thôi.
Cũng cần thấy rằng, trong các DN ở Việt Nam dù là CTCP với số lượng cổ đông lớn, thì " quyền lực gia trưởng" của các ông chủ thật sự vẫn quá lớn.Có nhiều lúc, ta cảm tưởng như công ty, doanh nghiệp lập nên chỉ để lấy " tư cách pháp nhân", hợp thức hóa công việc làm ăn, các thương vụ kinh doanh mang tính chất cá nhân, quan hệ riêng tư, thậm chí là chỗ " rửa tiền" của một số người??
TS Nguyễn Sỹ Dũng đã từng cảnh báo về vấn nạn " chủ nghĩa tư bản thân hữu" ở Việt Nam [4], nhưng theo cá nhân tôi có lẽ đây là giai đoạn nó sinh sôi, nảy nở và hoành hành mạnh mẽ nhất chứ không còn là nguy cơ nữa. Người ta hầu như dễ dàng nhận thấy phần lớn các hợp đồng, các vụ làm ăn, dự án kinh doanh dính dáng nhiều đến yếu tố chính trị, mối quan hệ nhân thân hơn là mang tính chất kinh doanh đơn thuần.Điều này giải thích tại sao, "doanh nghiệp sân sau mọc lên như nấm sau mưa" ở Việt Nam.
Không giám sát góp vốn, không liên thông vấn đề đăng ký kinh doanh (ĐKKD) về thủ tục, cơ sở dữ liệu và quản lý đồng bộ sẽ là một tranh chấp không dễ cho các giáo sư luật cắt nghĩa cho sinh viên hiểu rằng: Liệu một hợp đồng có bị vô hiệu không khi một ông giám đốc ( đại diện theo pháp luật) cho một công ty lại ký một hợp đồng có giá trị vượt quá giá trị mà ông ta được phép đã quy định trong bản điều lệ? Đối tác làm sao có thể" biết và phải biết" khi chưa bao giờ họ được thấy bản điều lệ chính thức niêm yết tại cơ quan ĐKKD của đối tác kinh doanh kia hình thù, mặt mũi nó ra sao?[5]
Th.S, L.S Nguyễn Ngọc Bích gọi công ty là " con ma" ( pháp nhân) vì thế bản điều lệ của công ty như hình hài của nó và giấy phép ĐKKD như là giấy khai sinh của công ty hay doanh nghiệp [6]. Vậy có lẽ giữa cuộc sống trần thế đầy bụi bặm và " bể khổ" này thấy được hình hài "con ma- công ty" thật khó lắm thay!
Nếu như ở Singapo và một số nước, người ta có thể tốn một chi phí khá bé và một cái nhấp chuột đã được cơ quan ĐKKD chuyển cho họ bản điều lệ và các văn kiện pháp lý liên quan của đối tác thì hình như ở Việt Nam đấy vẫn là " chuyện riêng trong gia đình" và người ngoài cho dù là đối tác " không nên và không thể biết"?./.
--------
[1] Dễ dàng truy cập vào cổng thông tin của sở kế hoạch đầu tư bất cứ tỉnh nào trên 63 tỉnh thành Việt Nam đều có.Ví dụ tại Hà Nội: http://www.hapi.gov.vn/Pages/DocumentDetail.aspx?documentid=fdf95055-6ab0-4147-ae92-e19fe3fec8b6
[2] xem điều 8 nghị định số 37/2003/NĐ-CP của chính phủ...xem điều 84 Luật doanh nghiệp 2005 ta sẽ thấy cách phản ứng khá yếu ớt và có lệ của nhà làm luật đối với các vi phạm về góp vốn của cổ đông sáng lập.
[3] xem Phạm Duy Nghĩa, Ước mơ nửa triệu doanh nghiệp và một dạo luật chung: Luật doanh nghiệp 2005 từ một góc nhìn so sánh, tạp chí Nhà nước & pháp luật 2006, số 7, tr 50-56.
[4] xem bài viết của TS Nguyễn Sỹ Dũng tại : http://www.fetp.edu.vn/inthenews/Vietnamnet_13oct06_1.htm;
[5] Dẫn các điều 24.4; 19 và 22 của Luật doanh nghiệp 2005, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa cho rằng "điều lệ công ty sau khi đăng ký và công bố công khai cũng có nghĩa đã được thông báo cho các bạn hàng tiềm năng"( Luật doanh nghiệp: tình huống, phân tích, bình luận-NXB ĐHQG Hà Nôi, 2009, tr 126.
[6]xem Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Đình Cung, Công ty:vốn, quản lý và tranh chấp theo luật doanh nghiệp 2005, NXB Tri thức 2009, tr 93.

Thất vọng về một vị TS của Đại học Yale

Hôm nay vào đọc trang Viet-studies của TS Trần Hữu Dũng, có đường link đến bài " Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc" của TS Đỗ Bích Ngọc trên BBC Việt Ngữ thấy thất vọng quá.Dẫu rằng là một nhà nghiên cứu, có chuyên môn ( thể hiện bằng bằng cấp và địa vị giảng viên tại Yale- một ngôi trường mà tôi rất ngưỡng mộ) nhưng các lý giải và bình luận của TS Ngọc làm cho tôi thấy thất vọng.Bỏ qua cái tâm lý cảm tính kiểu yêu nước hay " tinh thần dân tộc " của bản thân mà TS Ngọc nói là có tính " bài xích Tàu" tôi thấy thất vọng vì vị TS này hầu như chỉ học và nghiên cứu sử mà không thật sự "đắm mình" hay " cảm nhận được cái giá trị của lịch sử và văn hóa nước nhà mà để có nó là thời gian, xương máu,...của không biết bao người.
Có lẽ ( theo thiển ý của tôi), TS Ngọc cũng như những người khác còn có những tư tưởng như vậy, xin hãy về Quảng Bình, Quảng Trị,..có một đêm trên các nghĩa trang Trường Sơn, Đường Chín, Khe Sanh,...thì họ may ra mới cảm nhận được lịch sử và cái giá của lịch sử, của cái độc lập, tự do của đất nước này.Để TS Ngọc hiểu thêm, tại sao trong ngôn ngữ của chúng tôi, chúng tôi không gọi là Trung Quốc hay Trung Hoa mà đơn giản chỉ là" Tàu" thôi!