30/7/11

Thu hồi đất: Đừng để ‘giọt nước tràn ly’

(VEF.VN) - Việc ban hành văn bản pháp quy liên quan đến bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa chủ đầu tư và người dân. Đừng quá chăm chút đến lợi ích của chủ đầu tư và đổ hết lỗi lên đầu người dân có đất trong dự án.
LTS: Sau khi Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, báo VietNamNet đăng tải bài viết: "Hành chính hóa thu hồi đất: Đổ thêm dầu vào lửa"; "Hành chính hóa thu hồi đất: Làm lợi cho ai?" chúng tôi nhận được bài viết của tác giả Phong Lĩnh ở TP.HCM. Để đảm bảo thông tin đa chiều, VEF.VN trân trọng giới thiệu bài viết này, trước khi đưa lên tiếng nói chính thức từ nhà quản lý và các chuyên gia.
Mời các bạn đón đọc và tiếp tục tham gia tranh luận. Mọi ý kiến xin gửi về: vef@vietnamnet.vn hoặc phần thảo luận phía dưới.

Luật chưa nghiêm với chủ dự án
Nguyên nhân dự án trì trệ kéo dài, giải phóng mặt bằng chậm tiến độ do người dân có đất trong dự án chỉ là phần rất nhỏ, mà chủ yếu là do:

Mức bồi thường không thỏa đáng: Giá bồi thường chỉ bằng 5-40% giá thị trường

Chủ đầu tư thiếu năng lực tài chính: Việc chấp thuận dự án đầu tư thường bỏ khâu kiểm tra năng lực tài chính vì những lý do mà ai cũng hiểu. Nhiều dự án được thực hiện theo kiểu "xí phần" rồi sang nhượng dưới chiêu thức liên doanh, hợp tác đầu tư... Khi chưa gọi được đối tác thì tìm cách kéo dài thời gian thực hiện dự án.

Thiếu đối thoại giữa chủ đầu tư và người bị thu hồi đất: Hầu hết các chủ đầu tư đều biến các cơ quan chính quyền thành công cụ phục vụ cho họ trước khi họ đối thoại với dân thay vì làm ngược lại (Không một chủ đầu tư nào chịu ra mặt đàm phàn thỏa thuận với dân ngay từ đầu, mà họ chỉ ra mặt thỏa thuận với dân sau khi chính quyền áp đặt các biện pháp hành chính không thành và người dân khiếu nại kiện cáo lên các cấp chính quyền cao hơn).

Ban bồi thường giải phóng mặt bằng chỉ là cơ quan trung gian giữa chủ đầu tư và người dân bị thu hồi đất và không phải là chủ thể đền bù (người bỏ tiền đền bù), nhưng lại quyết định mọi giá cả đền bù là bất hợp lý.

Cách giải quyết khiếu nại tố cáo của người dân bị thu hồi đất chưa hợp lý: Đơn khiếu nại tố cáo gửi lên cấp trên đều bị chuyển lòng vòng xuống cấp bị khiếu nại tố cáo. Thử hỏi khi nào thì đơn thư được giải quyết, nếu được thì liệu có thỏa đáng hay không?

Thực hiện luật pháp chưa nghiêm với các chủ dự án. Luật Đất đai năm 2003 quy định "... dự án được giao đất mà quá 12 tháng chưa triển khai thực hiện hoặc triển khai chậm quá 24 tháng thì bị thu hồi... ", nhưng thực tế có nhiều dự án sau nhiều năm chưa triển khai hoặc triển khai chậm 10-15 năm vẫn không bị thu hồi và cũng không có biện pháp chế tài nào.

Việc kéo dài thời gian thực hiện dự án hầu hết chủ đầu tư chẳng thiệt hại gì, mà chỉ có người dân là "chịu trận". Chủ đầu tư luôn kêu ca về chi phí hàng ngày cho dự án tăng: như nguyên vật liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng,... nhưng những thứ đó chẳng thấm vào đâu so với giá trị dự án tăng lên. Chẳng thế mà họ (chủ đầu tư) thà kéo dài thời gian thực hiện dự án, chứ đâu chịu bỏ phần chi phí tăng thêm đó để đền bù thỏa đáng cho dân nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án.

Trình độ hiểu biết của dân về luật pháp còn hạn chế và cũng có những trường hợp người dân đòi hỏi quá đáng, khiếu nại kiến cáo sai thực tế, nhưng đó chỉ là những hạt cát giữa biển khơi mà thôi.

Bất cập chính sách
Chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn tồn tại một số điều bất cập:

Khi một dự án được phê duyệt là gây ảnh hưởng đến hàng trăm hàng ngàn hộ dân, nhưng chỉ cần dự án được phê duyệt là người dân trong dự án gần như mất quyền sử dụng đất: không được xây dựng, sửa chữa, chuyển nhượng...

Gần đây, có quy định cho xây nhà tạm, nhưng lại bắt cam kết tự tháo dỡ và không yêu cầu bồi thường khi giải phóng mặt bằng - đây là điều phi lý và đẩy hết thiệt hại lên đầu người dân. Nếu quy định trong thời hạn 1-2 năm kể từ ngày chấp thuận dự án thì người dân còn chịu được, đằng này nhiều dự án treo hoặc thực hiện trì trệ kéo dài 10-15 năm, người dân quá bị thiệt thòi.

Khi người dân khiếu nại kiện cáo thì bảo phải thực hiện các quyết định hành chính trước rồi kiện cáo khiếu nại sau. Nhà, đất đã bị mất rồi (cưỡng chế thu hồi bất kể đúng sai) rồi mới đi khiếu nại kiện cáo và cách giải quyết khiếu nại kiện cáo như trên chỉ làm cho dân càng thiệt thòi thêm. Nên có trường hợp khiếu nại kiện cáo kéo dài, sau 10-20 năm được giải quyết thỏa đáng thì cũng bằng không vì nhà mất, đất mất lại mất thêm công sức thời gian tiền bạc cho khiếu nại kiện cáo, đôi khi còn mất luôn cả hạnh phúc gia đình, thậm chí mất mạng. Phần mất mát này còn lớn hơn cả nhưng gì được bồi thường cho dù là thỏa đáng.

Đơn thư khiếu nại của dân không được thẩm tra giải quyết rốt ráo mà bị chuyển lòng vòng, cuối cùng lại về với đối tượng bị khiếu nại. Thử hỏi có bao giờ kẻ có tội, làm sai lại tự nhận là mình sai trước kẻ kiện cáo mình.

Sự thiếu minh bạch trong kết quả xét xử khi tòa án các cấp quận, huyện, thành phố, thị xã lại trực thuộc UBND các cấp đó.

Đừng để giọt nước làm tràn ly

Chính sách đền bù giải phóng mặt bằng lâu nay chưa thỏa đáng, khiến người dân bất bình, dẫn tới khiếu kiện chủ yếu liên quan đến đất đai và công tác đền bù giải phòng mặt bằng. Nay với hai phương án mà Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đề xuất, nên:

Thứ nhất, bỏ việc nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế, thay vào đó Nhà nước thu hồi đất đối với mọi trường hợp.
Thứ hai, vẫn giữ cơ chế nhà đầu tư tự thoả thuận việc mua đất, nhưng bổ sung theo hướng trường hợp nhà đầu tư mua được trên 80% diện tích đất cho dự án, hoặc mua được đất của trên 80% số chủ sử dụng ở trong khu vực dự án, mà phần diện tích đất còn lại, hoặc số chủ sử dụng đất còn lại nhà đầu tư không thoả thuận được, thì Nhà nước ra quyết định thu hồi đất.

Với lý do:

"... một số dự án đã thỏa thuận được trên 90% diện tích đất nhưng vẫn không hoàn tất được việc thu hồi đất do 10% còn lại... không đồng ý nhưng không có cơ chế xử lý!".

"... khi thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa nhà đầu tư với người sử dụng đất thì giá thỏa thuận thường cao hơn giá bồi thường dẫn tới khó khăn cho việc thu hồi đất của dự án khác trong cùng địa bàn".

Rõ ràng những đề xuất này chỉ nhằm mục đích tạo thuận lợi cho chủ đầu tư và càng làm thiệt hai cho người dân bị giải tỏa. Bác Hồ đã dạy "Khó mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong", nhưng đề xuất như vậy khác nào chỉ chú trọng lợi ích của chủ đầu tư mà chưa qan tâm đến người dân?.

"10% còn lại" không phải không có cơ chế xử lý - chính quyền đã chẳng thi hành cưỡng chế rồi đó sao. Thậm chí không phải còn 10%, 20% chính quyền địa phương mới ban hành quyết định và thi hành cưỡng chế, mà còn 30- 40% đã cưỡng chế dân rồi, như dự án sân golf Rạch Chiếc - An Phú quận 2, TP.HCM chẳng hạn.

Vì sao "... giá thỏa thuận cao hơn giá bồi thường", điều đó chứng tỏ giá bồi thường chưa hợp lý. Các dự án khác cũng phải theo đó mà bồi thường mới đúng chứ. Dân giàu nước mạnh là đường lối chủ trương phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước.

Nhà nước chủ trương: "Phải đảm bảo quyền lợi cho dân, đền bù cho dân thỏa đáng, sát giá thị trường để tránh khiếu nại kiện kéo dài", gây lãng phí tiền bạc, thời gian của dân của nước. Nhưng với đề xuất như thế của Tổng Cục quản lý đất đai, liệu có làm giảm thêm khiếu nại, kiện cáo hay không? Liệu đã đảm bảo quyền lợi của người dân?

Để hạn chế, những người dân đòi hỏi quá đáng, sao không ban hành quy định về "giá trần" bồi thường. Chẳng hạn, giá trần được xác định bởi giá thị trường tại thời điểm thỏa thuận (trong thời hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng tối đa là 6 tháng). Nếu người dân không chấp nhận giá trần thì mới tiến hành cưỡng chế.
------
Source: http://vef.vn/2011-07-30-thu-hoi-dat-du-ng-de-gio-t-nuo-c-tra-n-ly-

28/7/11

ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM DÂN SỰ: ĐÒI BỒI HOÀN TIỀN THUÊ LUẬT SƯ, ĐƯỢC KHÔNG?

PHAN THƯƠNG 
 Hiện nay ra tòa, không ít trường hợp đương sự yêu cầu phía bên kia phải bồi hoàn chi phí thuê luật sư, người đại diện. Hầu hết các tòa đều bác yêu cầu này nhưng cá biệt cũng có tòa chấp nhận với những lập luận còn tranh cãi…
Gần đây nhất, tháng 3-2011, trong một vụ kiện, TAND quận 1 (TP.HCM) đã bác yêu cầu phản tố đòi bồi thường 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện theo ủy quyền của phía bị đơn đối với nguyên đơn.
Tòa: Nơi bác, nơi chấp nhận
Trong vụ này, nguyên đơn là một giảng viên Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM đã kiện hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn đòi bồi thường 108 triệu đồng, công khai xin lỗi… vì cho rằng họ xúc phạm danh dự của mình. Sau đó, hiệu trưởng và chủ tịch công đoàn cùng phản tố, yêu cầu nguyên đơn phải bồi hoàn 120 triệu đồng phí thuê luật sư, thuê người đại diện mà họ phải bỏ ra.
Trong phiên sơ thẩm, yêu cầu phản tố của phía bị đơn đã bị TAND quận 1 bác với lập luận: Việc các bị đơn thuê luật sư, thuê người đại diện tham gia tố tụng không phải là việc làm theo quy định bắt buộc của pháp luật đối với cá nhân họ.
Trái với phán quyết trên, ở một vụ án khác, TAND tỉnh Tiền Giang lại buộc bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện.
Cho rằng mình bị nhái thương hiệu, năm 2010, Công ty TP kiện Công ty TG ra TAND tỉnh Tiền Giang, yêu cầu chấm dứt hành vi sản xuất, xuất khẩu loại bánh gây tranh chấp, thu hồi toàn bộ lượng bánh đã xuất khẩu, bán tại Mỹ. Ngoài ra, Công ty TP còn yêu cầu Công ty TG phải thanh toán hơn 153 triệu đồng chi phí mà họ bỏ ra thuê luật sư tham gia vụ kiện. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận yêu cầu khởi kiện của Công ty TP. Về phần phí luật sư, tòa nhận định khoản phí này của Công ty TP là hợp lý, cần thiết, cần chấp nhận.
Luật quy định sao?
Thực tiễn xét xử án dân sự hiện nay, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu đòi bồi hoàn phí thuê luật sư, bởi cho rằng đó không phải là chi phí hợp lý bắt buộc mà bên thua kiện phải trả cho người thắng kiện.Theo nhiều thẩm phán, yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư là một dạng đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, phải áp dụng Bộ luật Dân sự 2005 và Nghị quyết 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao để giải quyết.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố: Phải có thiệt hại xảy ra (thiệt hại về vật chất và thiệt hại do tổn thất về tinh thần); phải có hành vi trái pháp luật; phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Luật cũng quy định các dạng thiệt hại: thiệt hại do tài sản bị xâm phạm; thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm; thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm; thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm.
Đáng chú ý là phí thuê luật sư không được luật liệt kê cụ thể trong từng dạng thiệt hại nói trên. Vì vậy khi xét xử, các tòa sẽ xem xét đây có phải là chi phí hợp lý, hợp lệ, cần thiết hay không. Thông thường, cũng như lập luận của TAND quận 1, hầu hết các tòa đều cho rằng kết quả giải quyết một vụ án do tòa quyết định, không phụ thuộc vào yếu tố đương sự có hay không có luật sư. Khoản chi phí thuê luật sư không phải là chi phí cần thiết, bắt buộc để đeo đuổi một vụ kiện.
Mặt khác, khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 cũng quy định: Chi phí cho luật sư do người có yêu cầu chịu, trừ trường hợp các bên đương sự có thỏa thuận khác. Từ đó, hầu hết các tòa đều bác yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư như đã nói.
Nên chấp nhận?
Về chuyện này, trong giới luật học đang có luồng quan điểm khác rằng việc bắt bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư là hợp lý.
Theo luật sư Châu Huy Quang (hãng luật LCT Lawyers), khác với pháp luật tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và lao động, Luật Sở hữu trí tuệ đã cho phép chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu tòa buộc bên vi phạm phải bồi hoàn chi phí hợp lý để thuê luật sư. Luật sư Quang đánh giá đây là điểm tiến bộ trong quá trình cải cách tư pháp ở chỗ thừa nhận việc luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý cho đương sự là một nhu cầu cần thiết. Hơn nữa, việc tòa tuyên buộc bên thua kiện phải bồi hoàn khoản phí này cũng là một cách răn đe các vi phạm tương tự và tránh việc kiện tụng tào lao.
Kiểm sát viên cao cấp Võ Văn Thêm (Viện Phúc thẩm 3 VKSND Tối cao) cũng nhận xét chi phí thuê luật sư là chi phí thực tế hợp lý. Tuy nhiên, người yêu cầu phải chứng minh được mình bị tốn kém khoản này là do lỗi của bên kia. Chẳng hạn: Bị kiện nên bị đơn mới phải tốn kém chi phí thuê luật sư, nếu nguyên đơn kiện sai thì bắt buộc phải bồi thường lại cho bị đơn.
Đồng tình, TS Nguyễn Văn Tiến, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, phân tích thêm: Nguyên tắc bồi thường thiệt hại trong án dân sự là bồi thường toàn bộ. Trong tình hình hiện nay, nhu cầu thuê luật sư để bảo vệ mình trong các quan hệ pháp luật ngày càng lớn. Nên chăng pháp luật cần sửa đổi theo hướng bên thua kiện phải bồi hoàn phí thuê luật sư cho bên thắng kiện. Dĩ nhiên tòa sẽ xem xét khoản phí này chứ không phải đương sự muốn kê lên thế nào cũng được.
Trước mắt cần có hướng dẫn
Theo một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM, trên thực tế không chỉ yêu cầu bồi hoàn phí thuê luật sư, có khi đương sự còn đòi phía bên kia trả cả tiền photocopy giấy tờ, tiền thư từ khiếu nại, tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà nghỉ…
Để các tòa giải quyết thống nhất, thẩm phán này đề nghị trước mắt Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao nên có một văn bản hướng dẫn về phần chi phí thực tế khi xác định thiệt hại bao gồm những chi phí gì. Trong hướng dẫn phải liệt kê một số loại chi phí điển hình đã gặp.
Luật các nước
Anh, bên thua kiện sẽ phải bồi hoàn chi phí kiện tụng cho bên thắng kiện, trong đó có khoản phí thuê luật sư. Theo luật pháp Anh, một người đi kiện có quyền có luật sư bảo vệ và nếu thắng kiện thì không có lý do gì để cho họ phải chịu tổn thất cả.
Luật pháp của hầu hết các nước phương Tây (trừ Mỹ) đều đi theo hướng này.
Mỹ, trái với luật pháp Anh, mỗi bên đương sự phải tự chịu chi phí thuê luật sư của riêng mình, không cần biết kết quả vụ kiện như thế nào. Riêng bang Texas, năm 2011 đã có sự thay đổi là nếu bên đi kiện thắng thì bên kia phải bồi hoàn lại chi phí kiện tụng, trong đó có phí thuê luật sư (quy định này chỉ áp dụng cho người khởi xướng vụ kiện).
Ngoài ra, trong một số lĩnh vực cụ thể như sở hữu trí tuệ, chống cạnh tranh, xâm hại quyền tự do về thông tin, kiện tập thể…, quan tòa có toàn quyền quyết định chấp nhận hay bác bỏ yêu cầu bồi hoàn chi phí kiện tụng của các đương sự.
SOURCE: BÁO PHÁP LUẬT TPHCM
Trích dẫn từ: http://phapluattp.vn/20110728112644496p0c1063/doi-boi-hoan-tien-thue-luat-su-duoc-khong.htm

Làm ghề báo không nên quá giàu!

Blog BBC Vietnamese homepage

Làm nghề báo không nên quá giàu?

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-07-15, 16:10
Bà Wendi Deng Murdoch bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Bà Wendi Deng Murdoch đấm người tấn công để bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Những diễn biến liên tiếp nhắm vào News Corp và gia đình tỷ phú Murdoch khiến có người Anh tự hào gọi đây là một 'Mùa Xuân Anh Quốc", không khác gì "Mùa Xuân Ả Rập" ở Bắc Phi và Trung Đông mấy tháng qua. Trong không khí phản đối cắt giảm ngân sách, chống tăng học phí, dư luận Anh đã "vùng lên", không chịu sự thống trị về thông tin của một đế chế báo chí - truyền hình - xuất bản có doanh thu trên 30 tỷ đôla một năm.
Bê bối từ các vụ nghe lén điện thoại để moi tin giật gân về đời tư của người nổi tiếng và cả nạn nhân của các vụ giết người khiến tờ News of the World phải bị nhà Murdoch đóng cửa nhưng đám cháy vẫn lan ra, nay sang cả Mỹ và tới Úc, quê hương ông Murdoch.
Nhưng nhìn rộng ra thì đây còn là trận động đất với nghề truyền thông, như cú sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, làm lung lay giới tài chính toàn cầu.
Nhiều nhà báo, biên tập kỳ cựu từng dính líu đến News of the World đều đã bị bắt.
Một số sĩ quan của Cảnh sát Đô thành London đang bị điều tra vì dính vào chuyện bao che hoặc bán tin cho báo News of the World.
Nếu đúng vậy thì quả là chuyện quá xấu mặt cho cảnh sát, cơ quan đáng ra phải bảo vệ đời tư của dân, và cho cả các nhà báo, những người đáng ra phải làm gương về tính minh bạch.
Đọc và nghe những bàn luận sôi sục ở Anh về vụ việc, tôi có cảm giác nỗi bực bội của người dân không phải chỉ là phản ứng trước hành vi của một số phóng viên, chính trị gia và cảnh sát.
To quá khó tin?



Ông Rupert Murdoch và vợ, bà Wendi Deng ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011
Hai vợ chồng Wendi Deng và Rupert Murdoch ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011

Nền dân chủ Athens ở Hy Lạp thuở sơ khai là chuyện hội họp của các nhóm công dân nhỏ, đủ chỗ trong một hội trường, một sân khấu.
Ngày nay, ngoài các dịp bỏ phiếu bầu trực tiếp chỉ mấy năm một lần, dân chủ được thực thi qua cơ chế gián tiếp, nhờ các vị dân biểu, chính trị gia, và thông qua báo chí phản ánh dư luận và giám sát hệ thống quyền lực nhà nước.

Nhưng thời hiện đại cũng tạo ra các tập đoàn truyền thông đầy quyền lực và có tác động áp đảo đến cả giới chính trị, khiến tiếng nói của người dân, kể cả ở các nước dân chủ, bị yếu đi rất nhiều.
Tính bao trùm, áp đảo, chiếm lĩnh "trọn gói" cả không gian công cộng, cả thượng tầng kiến trúc của một số đại gia khiến người dân, kể cả ở một nước có nhân quyền cao như Anh thấy e sợ.
Thậm chí các chính trị gia London cũng luôn muốn lấy lòng nhà ông Murdoch và tin rằng chỉ có thể thắng cử nếu được ủng hộ, hoặc ít nhất là không bị các tờ báo của ông phản đối.
Nhưng khi sự sợ hãi không còn thì như báo Evening Standard viết, dân Anh thấy ông Murdoch là "Hoàng đế hoàn toàn trần truồng".
Từ đó tiếng tăm của ông, cổ phiếu thuộc tập đoàn của ông theo nhau mà tụt dốc.
Khi báo chí cũng không còn đáng tin và cảnh sát thì đang mất uy tín vì các bê bối liên quan thì nền dân chủ còn cách gì để tự khẳng định sức mạnh còn lại của mình?

Cách giải quyết ở Anh là dùng cơ chế cổ xưa nhất, như gọi vệ sĩ của nghị viện (searjeant-at-arms như Mõ Tòa ở Việt Nam xưa) để triệu bố con ông Murdoch ra khai báo vào ngày 19/7 này.
Ngoài ra, vì dân chúng phản ứng, các doanh nghiệp như Sainsburys, Renault, Boots đã tẩy chay việc đăng quảng cáo trên tờ News of the World của ông Murdoch.
Câu chuyện về đế chế Murdoch chắc còn lâu mới hết những đã có ngay một vài điều khiến ta suy nghĩ.
Có phải là trong thế giới của sự kếch xù này, chúng ta mong muốn tìm đến sự đơn giản, trong sáng, và thậm chí nhỏ bé?
Cơ chế ra đời với mục tiêu tốt đẹp như Liên Hiệp Châu Âu cũng dễ bị người ta nghi ngờ và xa lánh vì quá to, quá cồng kềnh, phức tạp, huống chi chuyện tập đoàn Murdoch nắm trong tay hàng trăm tờ báo và kênh TV.
Trang báo nhỏ và gọn nhẹ chắc sẽ dễ đọc hơn.
Nhà báo đừng quá giàu, quá cao sang và ít giao du với các giới tài phiệt và quân phiệt chắc cũng đáng tin hơn.
Chủ báo đừng quá mặn nồng với các chính trị gia hoặc có tham vọng 'buôn vua' như ông Murdoch cũng sẽ an toàn hơn.
Và là người đọc, nếu chúng ta bớt nghiền tin giật gân, nhòm vào chuyện đời tư của những người nổi tiếng thì chắc các ấn bản lá cải đem lại tiền triệu cho các ông chủ báo cự phú sẽ giảm đi nhiều.
Như thế, tôi nghĩ xã hội đỡ tốn giấy in và môi sinh cũng được nhờ hơn phải không bạn?
Cập nhật 19-20/7: Xem cả cuộc chấn vấn hai bố con ông Murdoch chiều thứ Ba tại Hạ viện Anh, tôi thấy có bốn điều nổi bật:
Một là các ông bà nghị viên Anh dù sao cũng đã làm hết trách nhiệm của họ là 'nướng chả' nhà tài phiệt truyền thông lớn nhất thế giới, đáp ứng đòi hỏi của cử tri hay dư luận Anh là không muốn thấy hệ thống chính trị và báo chí nước họ bị tập đoàn News Corp tác động, hay lũng đoạn. (So với các dân biểu Anh, thì vài vị dân biểu Philippines hôm nay bay ra Trường Sa để tỏ thái độ với Trung Quốc có thể chỉ để 'ghi điểm' với nhưng dù sao họ cũng biết cần ghi điểm với những người bầu ra họ).
Hai là hình ảnh cô vợ 42 tuổi người Mỹ gốc Trung Quốc của ông Rupert Murdoch đã ra tay bảo vệ chồng khi một người Anh ném đĩa kem cạo râu vào ông. Báo Anh sáng nay gọi cô Wendi Deng (Đặng Văn Địch, người gốc Giang Tô) là 'Chinese Ninja Lady'.
Một dân biểu Anh còn khen cô có 'cú đánh tay trái giỏi quá' nhưng hóa ra đó là tay phải. Cô không chỉ gạt được người gây gổ, Jonnie Marbles, nghệ sĩ hài Anh, mà còn đánh cho anh ta một cú vào đầu. Và thật xấu hổ cho cảnh vệ của Nghị viện Anh để xảy ra vụ đột nhập như vậy.
Cuối cùng, tôi cũng thấy thương cảm cho ông Murdoch, nay đã 80 tuổi với câu trả lời chính là "Tôi không biết", "Tôi quên".
Ông gợi ra hình ảnh cựu lãnh tụ mà thời vang bóng nay còn đâu, có gì thì đổ hết cho cấp dưới hay cho 'cơ chế News Corp' chứ bản thân ông thì không chịu trách nhiệm gì.
Điều chắc chắn là với cách trả lời chất vấn như thế, ít ai dám nói 'lãnh tụ còn anh minh'.
Và câu chuyện vẫn chưa hết với Thủ tướng Anh David Cameron.Trưa nay thứ Tư 20/7 ông lại phải ra trình bày trước Hạ viện về cách ứng xử của chính quyền với các vụ việc liên quan...

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2011/07/lam-nghe-bao-khong-nen-qua-gia.html

Khủng hoảng thời lãi suất cao, cơ hội của việc tái cấu trúc

'Doanh nghiệp chết không phải do lãi suất cao'
Mất cân đối từ gốc, hoạt động dàn trải, cộng với cơ cấu về vốn mong manh... là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó chứ không phải do siết lãi suất, theo ý kiến một số chuyên gia.

Tại hội thảo "Đầu tư 2011- 2012: Cơ hội cho ai?" hôm nay, 28/7, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, từ sau khi ban hành Nghị quyết 11 Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó có việc siết chính sách tiền tệ, vốn đang bị cho là gây ảnh hưởng nặng nề lên các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết, nhìn vào các chỉ số vĩ mô 6 tháng đầu năm, thì việc các doanh nghiệp kêu than có phần hơi quá. Bởi lẽ, GDP 6 tháng tăng 5,6%, nhập khẩu cũng tăng mạnh cho thấy người dân vẫn đầu tư, tiêu xài. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp 6 tháng tiếp tục tăng 14,3% chứng tổ doanh nghiệp vẫn có sản xuất chứ không phải chết đứng.
"Nếu chỉ tính tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay thì số vốn tuyệt đối cho nền kinh tế trong năm nay vẫn sẽ là 25 tỷ đôla Mỹ. Nếu không tính cho bất động sản và chứng khoán, liệu nền kinh tế thực của Việt Nam có thể hấp thụ nổi con số này”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, lạm phát theo tháng của Việt Nam đã có xu hướng giảm, mặc dù theo năm vẫn cao. Theo ông, mức đỉnh sẽ vào khoảng 22%, sau đó đi ngang và giảm xuống vào cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kiểm soát lạm phát còn tùy thuộc khả năng Chính phủ có vượt qua được các áp lực để kiên trì với Nghị quyết 11 hay không. Nếu không, Việt Nam sẽ còn phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần so với việc tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,6%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cũng chia sẻ, hiện nhà băng đang phục vụ 50.000 doanh nghiệp và trong đó chỉ có 10-15% số doanh nghiệp có quan hệ một cách thường xuyên với ngân hàng.
Và hiện nay, theo ông Vinh, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp chứ không phải là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân căn cơ nhất chính là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của bản thân doanh nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15-20%, trong khi đơn vị nhà nước, mức này chỉ là 10%”, ông Vinh nói.
Thêm vào đó, ông cho rằng, cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn tức lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản.
Do vậy, theo ông, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn, và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Vietnam Investment Group cho rằng, bất kể chính sách vĩ mô như thế nào, nếu bản thân doanh nghiệp có yếu tố nội tại tốt thì sẽ vẫn hoạt động tốt.
Cũng theo ông, đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam nên tái cơ cấu và tổ chức lại hoạt động của mình. Cần phải xác định rằng, muốn hoạt động và phát triển thì phải dựa vào năng lực chính từ bản thân chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia lại nhìn theo một hướng khác. Ông cho biết, theo khảo sát của ủy ban, 100 doanh nghiệp sản xuất kể cả xuất khẩu hiện có lượng hàng tồn kho rất cao, và khảo sát 130 doanh nghiệp niêm yết cho thấy bảng cân đối tài sản của các đơn vị này đang rất xấu.
"Nếu việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp tục như hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng lạm phát và đình đốn sản xuất, tăng trưởng GDP quý 3 và 4 sẽ dưới 5% chứ không phải 6-6,5% như Chính phủ dự kiến", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lệ Chi

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/doanh-nghiep-chet-khong-phai-do-lai-suat-cao/
 -----------
P/S:  Hòa toàn đồng ý với tác giả và các chuyên gia. Doanh nghiệp Việt Nam tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng số vốn có tỷ lệ quá thấp. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến bé đều:

(i) Cơ cấu vốn bất hợp lý, mất cân đối. Thường lấy vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn;
(ii)  Đầu tư dàn trải, ngoài ngành nghề chính. Tham gia "lướt sóng" vào các ngành kinh doanh "nóng", nhiều rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán,...
(iii)  Khả năng quản lý, điều hành kém, chỉ theo thói quen thuận tiện.Với cung cách quản trị kiểu " gia đình trị" và kém minh bạch nên khả năng đối phó với các tác động bên ngoài kém;

BCT.

27/7/11

Nhẹ như mây trắng về trời

27/7- Ngày thương binh, liệt sỹ- mỗi chúng ta dành những phút giây bên cuộc sống bộn bề, hối hả để tưởng nhớ về những người đã vô tư hiến dâng cuộc đời cho độc lập, tự do của tổ quốc, cho cuộc sống hòa bình cho nhưng thế hệ sau.
Đọc bài viết này trên Vietnamnet xúc động quá, xin phép cầm về đây để trong góc riêng của mình để thỉnh thoảng đọc lại khi cần.
 BCT. 
----------------------- 
Nhẹ như mây trắng về trời
Tác giả: Trần Minh Anh
Điều gì đã dẫn đường cho lòng tri ân của bao thế hệ hành hương về nguồn cội nếu không phải là những chân giá trị sống được hun đúc bởi lịch sử và những con người làm nên lịch sử? Sự hy sinh cho chính nghĩa, hòa bình và hạnh phúc trên xứ sở này đã hóa thân vào nguồn mạch núi sông, thiên thu vĩnh hằng.
Trời của miền Trung mùa này phả nắng nóng rát. Nắng làm tan chảy ý niệm ngồi trước màn hình máy vi tính để "google" những thứ cần thiết cho sự gia tăng hiểu biết về tất cả. Đi về phía đất nắng để cúi mình trước các tượng đài về ý chí, lòng quả cảm, tinh thần đồng đội. Đi về phía đất nắng để lặng người rơi những giọt nước mắt khi tai ta nghe bức thư của một anh lính chiến trường gửi người vợ trẻ, cha mẹ già khi biết trước sự hy sinh nhẹ tựa lông hồng. Đi về phía đất của đạn bom, xác pháo trong chiến tranh vệ quốc để thấy sức trẻ hôm nay đang tiếp bước từ tiền nhân để xây dựng đất nước là một tiếng gọi của lương  tri.
Bức ảnh tỏa sáng nụ cười hồn nhiên anh lính 14 tuổi tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm ở thành cổ Quảng Trị đã nằm gọn trong bộ nhớ của chiếc Iphone của một học sinh lớp 8. Một sự so sánh nghiễm nhiên đến: cùng độ tuổi nhưng một người cầm súng, một người mải mê cầm bút và hí hoáy với tiện ích công nghệ. Một sự kế tiếp đầy lạc quan cho một quốc gia đi qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, vượt qua đói nghèo để đi vào quỹ đạo phát triển, hội nhập.
Sự ác liệt của chiến tranh in dấu trên những bức ảnh, di vật còn lại từ chiến trường, hiển thị trên con số của thương vong và con số tổng kết của các loại vũ khí. Nhưng ý chí để chiến thắng sự ác liệt lại nằm ở đôi mắt, nụ cười, ở nơi thẳm sâu  trái tim những người cầm súng. Tuổi trẻ của họ đã thuộc về sự sinh ly tử biệt cho chính nghĩa của một dân tộc. Vì thế, rưng rưng đã chạm khắc bia đá: "Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ, Đáy sông còn đó bạn tôi nằm, Có tuổi hai mươi thành sóng nước, Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm..."(thơ của cựu binh Lê Bá Dương).
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/assets/images/thahoadang7811c8_1311671373.jpg
Ảnh: Dân Trí
Con trẻ trên dòng Thạch Hãn ngày nay biết chèo đò cho du khách thả hoa đăng viếng thăm một thế hệ thanh xuân đã nằm lại dưới lòng sông bất tử. Ngọn đèn sáng lên, lênh đênh trên sông để những ai biết được trong cõi tâm linh có điều quý giá- lòng  tri ân. Bao nhiêu ngọn cỏ xanh nơi Thành cổ Quảng Trị có che lấp đi được máu xương người lính của hơn một vạn người lính nằm xuống ngày ấy đã góp phần vào thắng lợi của Hiệp định Paris 1973, góp cho mùa xuân đại thắng 1975? Sự bình yên, non xanh Thành cổ hôm nay mang theo một thành ý từ tâm như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã viết: "Những người chết không phải vì để trở thành anh hùng mà chính là để đằng sau họ những người khác được tiếp tục sống trong tự do và hòa bình, chết cho nhân loại sống còn và thức tỉnh".
Những bà mẹ già di chuyển tấm lưng còng còm cõi để vào Thành cổ thắp một nén nhang cho người thân của mình. Họ chăm đắm đôi mắt tìm kiếm những kỉ vật gần gũi để rồi lặng lẽ khóc chồng, khóc con...Xa đường, sức mọn về thăm Thành cổ, họ bước đi như đang hội ngộ với người đã khuất.
Tiếng chuông vọng vang ở nơi người lính nằm lại trên Đường 9, Trường Sơn đã thiêng liêng dẫn lối cho bao người tìm lại đồng đội, tìm lại người thân. Nén tâm hương là cách bày tỏ cụ thể nhất (và cũng nhỏ bé nhất) tấm lòng của người hành hương về với mảnh đất còn đó những cái tên và cả những người chưa biết tên đã ngã xuống vì Tổ quốc!
Có ai không tìm thêm nghĩa của từ "Hy sinh" khi đặt chân lên nơi mà hàng vạn người đã được quy tập? Có ai soi lại mình khi một lần nào đó trong cuộc sống mình đã trở nên nhỏ bé, thậm chí đến mức hèn mọn? Một phần của sự "thức tỉnh"  có phải là ở đây?
Mười mái tóc dài đã làm nên huyền thoại tại ngã ba Đồng Lộc. Khu tưởng niệm 10 cô gái trong một sáng yên lành có thêm tiếng chim hót, gió lay nhẹ cây lá và thơ. Người ta đọc thơ để trân trọng cảm xúc của người làm thơ nhưng cũng trân trọng hơn nữa mười cái tên đã đi vào niềm rung cảm. Thơ gọi tên các chị về đoàn tụ trong nước mắt: "Tiểu đội đã xếp một hàng ngang/ Cúc ơi em ở đâu không về tập hợp?/Chín bạn đã quây quần đủ hết/Nhỏ-Xuân-Hà-Hường-Hợi-Rạng-Xuân-Xanh/A trưởng Võ Thị Tần điểm danh/Chỉ thiếu mình em (Chín bỏ làm mười răng được!)...("Cúc ơi" của nhà thơ Yến Thanh)
Đã không chín bỏ làm mười. Mạch ngầm của đất đã yên ủi các chị, tưởng nhớ của người đời đã sống cùng các chị. Người ta đã tinh tế đem cây bồ kết trồng bên cạnh mười mái tóc dài để bồi đắp một đức tin cho hậu thế, rằng: tuổi thanh xuân của các chị đã hóa thành một phần của sự sống.
Dải đất nào cũng nhiều trầm tích lịch sử. Có những thứ phù sa đang bồi đắp đâu đó trong mỗi con người tâm niệm mỗi chuyến về nguồn cội là mỗi chuyến đi nhắc nhở lương tâm. Bao nhiêu chuyến đi đó, phải nhẹ như mây trắng bay về trời!

25/7/11

3 người Việt nổi tiếng

Xong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, người ta vẫn thấy có 3 người Việt  được nhắc tên:
1- Nguyễn Y Vân;  (Vẫn Y Nguyên)
2- Vũ Như Cẫn;     ( Vẫn Như Cũ)
3- Vũ Các Cận ;     ( Vẫn Các Cụ)
Thật khó để mong chờ được nhìn thấy được những gương mặt mới trên chính trường Việt Nam.