4/5/11

Khoảng cách giữa "anh hùng" và "tội đồ"

Cuộc đời người ta thường nói, khoảng cách giữa người anh hùng và kẻ tội đồ là rất mong manh. Chỉ một ranh giới nhỏ, có khi sẽ được sử sách lưu truyền, có khi bị người đời chê bai, dè bỉu.
Vụ sập mỏ đá Lèn Cờ tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, có đến 18 người tử vong, đẩy bao số phận lâm vào cảnh mồ côi, côi cút. Và điều gì đến, thì cũng phải đến, ông Phan Văn Chín- giám đốc công ty TNHH Chín Mến- chủ mỏ đá đã bị khởi tố hình sự.

Khi đọc những trang tin các báo viết và báo điện tử đưa tin về vụ việc đau lòng này, tôi chợt suy nghĩ về thân phận cá nhân ông Phan Văn Chín. Bây giờ thì ông ta đã là "tội đồ", phải chấp nhận hình phạt do pháp luật quy định do những sai phạm về an toàn lao động, điều hành quản lý mỏ đá mà ông được cấp phép. Vậy nhưng, tôi chỉ giả sử thôi, nếu không có vụ tai nạn lao động thương tâm này xẩy ra. Với thành tích lập công ty Chín Mến kinh doanh trên địa bàn đã tạo ra nguồn thu cho ngân sách địa phương, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động,...tại một nơi nghèo như Yên Thành, Nghệ An. Chỉ chừng đấy thôi, nếu không xẩy ra những điều không  may đã xẩy ra, có khi với thành tích đấy ông Chín còn có cơ hội nhận Huân chương lao động ấy chứ. Và tất nhiên, lúc đấy ông ta là " anh hùng".

À, vậy thì hóa ra khoảng cách giữa "tội đồ" và " anh hùng" cũng mong manh thật. Cái ranh giới mong manh đấy đối với ông Chín trong trường hợp này là các quy định của pháp luật liên quan đến tài nguyên, khai thác tài nguyên và vấn đề an toàn lao động. Người ta cứ luôn nói đến việc các chủ mỏ kêu ca rằng: Nếu làm đúng các quy định pháp luật thì họ không thể có lãi (Và có lẽ vì vậy, họ bất chấp các quy định pháp luật, đạo đức và lương tri để có thể kiếm lời!). Còn theo một báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội trong việc sửa đổi luật Tài Nguyên thì với các quy định pháp luật hiện nay thì nhà nước không được lợi gì từ việc cấp phép khai thác tài nguyên, cụ thể là thu thuế. Còn người dân thì rõ ràng họ làm thuê trên chính mảnh đất của mình trước đây hoặc trên quê hương họ nhưng cuối cùng thu nhập thì quá ít ỏi, còn rủi ro, tai nạn thì luôn rình rập họ.

Chính vì những điều trên, trách nhiệm của Quốc hội, Nhà nước hiện nay là làm sao bằng công cụ pháp luật, quản lý phải làm sao để cho những người như ông Chín không trở thành "tội đồ", mà phải là " anh hùng" một cách đích thực. Khai thác tài nguyên thiên nhiên là một việc rất đỗi thường tình ở nước nghèo mà lại được thiên nhiên ưu đãi như Việt Nam, nhưng khai thác thế nào để đạt được sự cân bằng lợi ích giữa nhà nước- các ông chủ mỏ- người dân, vì mục tiêu phát triển bền vững thì các quy định pháp luật thông minh, một nền quan chế đủ mạnh và trong sạch là điều đang rất thiếu ở Việt Nam hiện nay.