28/7/11

Làm ghề báo không nên quá giàu!

Blog BBC Vietnamese homepage

Làm nghề báo không nên quá giàu?

Nguyễn Giang Nguyễn Giang | 2011-07-15, 16:10
Bà Wendi Deng Murdoch bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Bà Wendi Deng Murdoch đấm người tấn công để bảo vệ chồng trong Nghị viện Anh
Những diễn biến liên tiếp nhắm vào News Corp và gia đình tỷ phú Murdoch khiến có người Anh tự hào gọi đây là một 'Mùa Xuân Anh Quốc", không khác gì "Mùa Xuân Ả Rập" ở Bắc Phi và Trung Đông mấy tháng qua. Trong không khí phản đối cắt giảm ngân sách, chống tăng học phí, dư luận Anh đã "vùng lên", không chịu sự thống trị về thông tin của một đế chế báo chí - truyền hình - xuất bản có doanh thu trên 30 tỷ đôla một năm.
Bê bối từ các vụ nghe lén điện thoại để moi tin giật gân về đời tư của người nổi tiếng và cả nạn nhân của các vụ giết người khiến tờ News of the World phải bị nhà Murdoch đóng cửa nhưng đám cháy vẫn lan ra, nay sang cả Mỹ và tới Úc, quê hương ông Murdoch.
Nhưng nhìn rộng ra thì đây còn là trận động đất với nghề truyền thông, như cú sụp đổ của Lehman Brothers năm 2008, làm lung lay giới tài chính toàn cầu.
Nhiều nhà báo, biên tập kỳ cựu từng dính líu đến News of the World đều đã bị bắt.
Một số sĩ quan của Cảnh sát Đô thành London đang bị điều tra vì dính vào chuyện bao che hoặc bán tin cho báo News of the World.
Nếu đúng vậy thì quả là chuyện quá xấu mặt cho cảnh sát, cơ quan đáng ra phải bảo vệ đời tư của dân, và cho cả các nhà báo, những người đáng ra phải làm gương về tính minh bạch.
Đọc và nghe những bàn luận sôi sục ở Anh về vụ việc, tôi có cảm giác nỗi bực bội của người dân không phải chỉ là phản ứng trước hành vi của một số phóng viên, chính trị gia và cảnh sát.
To quá khó tin?



Ông Rupert Murdoch và vợ, bà Wendi Deng ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011
Hai vợ chồng Wendi Deng và Rupert Murdoch ở liên hoan phim Thượng Hải tháng 6/2011

Nền dân chủ Athens ở Hy Lạp thuở sơ khai là chuyện hội họp của các nhóm công dân nhỏ, đủ chỗ trong một hội trường, một sân khấu.
Ngày nay, ngoài các dịp bỏ phiếu bầu trực tiếp chỉ mấy năm một lần, dân chủ được thực thi qua cơ chế gián tiếp, nhờ các vị dân biểu, chính trị gia, và thông qua báo chí phản ánh dư luận và giám sát hệ thống quyền lực nhà nước.

Nhưng thời hiện đại cũng tạo ra các tập đoàn truyền thông đầy quyền lực và có tác động áp đảo đến cả giới chính trị, khiến tiếng nói của người dân, kể cả ở các nước dân chủ, bị yếu đi rất nhiều.
Tính bao trùm, áp đảo, chiếm lĩnh "trọn gói" cả không gian công cộng, cả thượng tầng kiến trúc của một số đại gia khiến người dân, kể cả ở một nước có nhân quyền cao như Anh thấy e sợ.
Thậm chí các chính trị gia London cũng luôn muốn lấy lòng nhà ông Murdoch và tin rằng chỉ có thể thắng cử nếu được ủng hộ, hoặc ít nhất là không bị các tờ báo của ông phản đối.
Nhưng khi sự sợ hãi không còn thì như báo Evening Standard viết, dân Anh thấy ông Murdoch là "Hoàng đế hoàn toàn trần truồng".
Từ đó tiếng tăm của ông, cổ phiếu thuộc tập đoàn của ông theo nhau mà tụt dốc.
Khi báo chí cũng không còn đáng tin và cảnh sát thì đang mất uy tín vì các bê bối liên quan thì nền dân chủ còn cách gì để tự khẳng định sức mạnh còn lại của mình?

Cách giải quyết ở Anh là dùng cơ chế cổ xưa nhất, như gọi vệ sĩ của nghị viện (searjeant-at-arms như Mõ Tòa ở Việt Nam xưa) để triệu bố con ông Murdoch ra khai báo vào ngày 19/7 này.
Ngoài ra, vì dân chúng phản ứng, các doanh nghiệp như Sainsburys, Renault, Boots đã tẩy chay việc đăng quảng cáo trên tờ News of the World của ông Murdoch.
Câu chuyện về đế chế Murdoch chắc còn lâu mới hết những đã có ngay một vài điều khiến ta suy nghĩ.
Có phải là trong thế giới của sự kếch xù này, chúng ta mong muốn tìm đến sự đơn giản, trong sáng, và thậm chí nhỏ bé?
Cơ chế ra đời với mục tiêu tốt đẹp như Liên Hiệp Châu Âu cũng dễ bị người ta nghi ngờ và xa lánh vì quá to, quá cồng kềnh, phức tạp, huống chi chuyện tập đoàn Murdoch nắm trong tay hàng trăm tờ báo và kênh TV.
Trang báo nhỏ và gọn nhẹ chắc sẽ dễ đọc hơn.
Nhà báo đừng quá giàu, quá cao sang và ít giao du với các giới tài phiệt và quân phiệt chắc cũng đáng tin hơn.
Chủ báo đừng quá mặn nồng với các chính trị gia hoặc có tham vọng 'buôn vua' như ông Murdoch cũng sẽ an toàn hơn.
Và là người đọc, nếu chúng ta bớt nghiền tin giật gân, nhòm vào chuyện đời tư của những người nổi tiếng thì chắc các ấn bản lá cải đem lại tiền triệu cho các ông chủ báo cự phú sẽ giảm đi nhiều.
Như thế, tôi nghĩ xã hội đỡ tốn giấy in và môi sinh cũng được nhờ hơn phải không bạn?
Cập nhật 19-20/7: Xem cả cuộc chấn vấn hai bố con ông Murdoch chiều thứ Ba tại Hạ viện Anh, tôi thấy có bốn điều nổi bật:
Một là các ông bà nghị viên Anh dù sao cũng đã làm hết trách nhiệm của họ là 'nướng chả' nhà tài phiệt truyền thông lớn nhất thế giới, đáp ứng đòi hỏi của cử tri hay dư luận Anh là không muốn thấy hệ thống chính trị và báo chí nước họ bị tập đoàn News Corp tác động, hay lũng đoạn. (So với các dân biểu Anh, thì vài vị dân biểu Philippines hôm nay bay ra Trường Sa để tỏ thái độ với Trung Quốc có thể chỉ để 'ghi điểm' với nhưng dù sao họ cũng biết cần ghi điểm với những người bầu ra họ).
Hai là hình ảnh cô vợ 42 tuổi người Mỹ gốc Trung Quốc của ông Rupert Murdoch đã ra tay bảo vệ chồng khi một người Anh ném đĩa kem cạo râu vào ông. Báo Anh sáng nay gọi cô Wendi Deng (Đặng Văn Địch, người gốc Giang Tô) là 'Chinese Ninja Lady'.
Một dân biểu Anh còn khen cô có 'cú đánh tay trái giỏi quá' nhưng hóa ra đó là tay phải. Cô không chỉ gạt được người gây gổ, Jonnie Marbles, nghệ sĩ hài Anh, mà còn đánh cho anh ta một cú vào đầu. Và thật xấu hổ cho cảnh vệ của Nghị viện Anh để xảy ra vụ đột nhập như vậy.
Cuối cùng, tôi cũng thấy thương cảm cho ông Murdoch, nay đã 80 tuổi với câu trả lời chính là "Tôi không biết", "Tôi quên".
Ông gợi ra hình ảnh cựu lãnh tụ mà thời vang bóng nay còn đâu, có gì thì đổ hết cho cấp dưới hay cho 'cơ chế News Corp' chứ bản thân ông thì không chịu trách nhiệm gì.
Điều chắc chắn là với cách trả lời chất vấn như thế, ít ai dám nói 'lãnh tụ còn anh minh'.
Và câu chuyện vẫn chưa hết với Thủ tướng Anh David Cameron.Trưa nay thứ Tư 20/7 ông lại phải ra trình bày trước Hạ viện về cách ứng xử của chính quyền với các vụ việc liên quan...

Nguồn: http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2011/07/lam-nghe-bao-khong-nen-qua-gia.html