28/7/11

Khủng hoảng thời lãi suất cao, cơ hội của việc tái cấu trúc

'Doanh nghiệp chết không phải do lãi suất cao'
Mất cân đối từ gốc, hoạt động dàn trải, cộng với cơ cấu về vốn mong manh... là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp gặp khó chứ không phải do siết lãi suất, theo ý kiến một số chuyên gia.

Tại hội thảo "Đầu tư 2011- 2012: Cơ hội cho ai?" hôm nay, 28/7, Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, từ sau khi ban hành Nghị quyết 11 Chính phủ đã đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô mà trong đó có việc siết chính sách tiền tệ, vốn đang bị cho là gây ảnh hưởng nặng nề lên các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết, nhìn vào các chỉ số vĩ mô 6 tháng đầu năm, thì việc các doanh nghiệp kêu than có phần hơi quá. Bởi lẽ, GDP 6 tháng tăng 5,6%, nhập khẩu cũng tăng mạnh cho thấy người dân vẫn đầu tư, tiêu xài. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp 6 tháng tiếp tục tăng 14,3% chứng tổ doanh nghiệp vẫn có sản xuất chứ không phải chết đứng.
"Nếu chỉ tính tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay thì số vốn tuyệt đối cho nền kinh tế trong năm nay vẫn sẽ là 25 tỷ đôla Mỹ. Nếu không tính cho bất động sản và chứng khoán, liệu nền kinh tế thực của Việt Nam có thể hấp thụ nổi con số này”, ông Thành nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng, lạm phát theo tháng của Việt Nam đã có xu hướng giảm, mặc dù theo năm vẫn cao. Theo ông, mức đỉnh sẽ vào khoảng 22%, sau đó đi ngang và giảm xuống vào cuối năm.
Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kiểm soát lạm phát còn tùy thuộc khả năng Chính phủ có vượt qua được các áp lực để kiên trì với Nghị quyết 11 hay không. Nếu không, Việt Nam sẽ còn phải trả giá cao hơn gấp nhiều lần so với việc tăng trưởng kinh tế chỉ ở mức 5,6%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank cũng chia sẻ, hiện nhà băng đang phục vụ 50.000 doanh nghiệp và trong đó chỉ có 10-15% số doanh nghiệp có quan hệ một cách thường xuyên với ngân hàng.
Và hiện nay, theo ông Vinh, vấn đề lãi suất chỉ là một trong những yếu tố làm trầm trọng hóa tình trạng doanh nghiệp chứ không phải là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân căn cơ nhất chính là việc mất cân đối từ gốc và sự thiếu tập trung trong hoạt động của bản thân doanh nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp có cơ cấu về vốn rất mong manh. Các doanh nghiệp tư nhân có vốn chủ sở hữu trên tổng vốn hoạt động ở mức 15-20%, trong khi đơn vị nhà nước, mức này chỉ là 10%”, ông Vinh nói.
Thêm vào đó, ông cho rằng, cấu trúc vốn của các doanh nghiệp rất bấp bênh, hơn 60% doanh nghiệp mất cân đối về vốn tức lấy quá nhiều vốn ngắn hạn đem đầu tư trung dài hạn, và đa số doanh nghiệp đều đầu tư ngoài ngành. Có hơn 90% doanh nghiệp đều có dính dáng ít hay nhiều đến bất động sản.
Do vậy, theo ông, không phải lãi suất hạ thì doanh nghiệp sẽ tốt hơn, mà cái chính là các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay cần phải nhìn lại mình, củng cố lại hoạt động, cơ cấu vốn, và chiến lược để có thể phát triển tiếp trong giai đoạn tới.
Đồng quan điểm, ông David Đỗ, Giám đốc điều hành Vietnam Investment Group cho rằng, bất kể chính sách vĩ mô như thế nào, nếu bản thân doanh nghiệp có yếu tố nội tại tốt thì sẽ vẫn hoạt động tốt.
Cũng theo ông, đây là thời điểm các doanh nghiệp Việt Nam nên tái cơ cấu và tổ chức lại hoạt động của mình. Cần phải xác định rằng, muốn hoạt động và phát triển thì phải dựa vào năng lực chính từ bản thân chứ không nên phụ thuộc quá nhiều vào yếu tố bên ngoài.
Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia lại nhìn theo một hướng khác. Ông cho biết, theo khảo sát của ủy ban, 100 doanh nghiệp sản xuất kể cả xuất khẩu hiện có lượng hàng tồn kho rất cao, và khảo sát 130 doanh nghiệp niêm yết cho thấy bảng cân đối tài sản của các đơn vị này đang rất xấu.
"Nếu việc thắt chặt tiền tệ vẫn còn tiếp tục như hiện nay thì nền kinh tế Việt Nam có thể rơi vào tình trạng lạm phát và đình đốn sản xuất, tăng trưởng GDP quý 3 và 4 sẽ dưới 5% chứ không phải 6-6,5% như Chính phủ dự kiến", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Lệ Chi

Nguồn: http://vnexpress.net/gl/kinh-doanh/2011/07/doanh-nghiep-chet-khong-phai-do-lai-suat-cao/
 -----------
P/S:  Hòa toàn đồng ý với tác giả và các chuyên gia. Doanh nghiệp Việt Nam tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng số vốn có tỷ lệ quá thấp. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam từ lớn đến bé đều:

(i) Cơ cấu vốn bất hợp lý, mất cân đối. Thường lấy vốn ngắn hạn để đầu tư trung và dài hạn;
(ii)  Đầu tư dàn trải, ngoài ngành nghề chính. Tham gia "lướt sóng" vào các ngành kinh doanh "nóng", nhiều rủi ro như: Bất động sản, chứng khoán,...
(iii)  Khả năng quản lý, điều hành kém, chỉ theo thói quen thuận tiện.Với cung cách quản trị kiểu " gia đình trị" và kém minh bạch nên khả năng đối phó với các tác động bên ngoài kém;

BCT.