20/3/10

Làm khóa luận tốt nghiệp

Dạo này, ngồi nhà làm khóa luận tốt nghiệp nên rảnh rỗi, tự dưng thấy có mấy bạn học cùng lớp hỏi về việc viết khóa luận, cũng như việc làm đề cương, tìm tài liệu, xác định tên đề tài,..thấy vấn đề này cũng đáng suy nghĩ.Lục lại trong trí nhớ, nhớ ra có mấy bài hướng dẫn viết khóa luận, luận văn của thầy Phạm Duy Nghĩa, thầy Nguyễn Bá Bình, thầy Lê Nết và cả thầy Hoàng Văn Châu hướng dẫn làm, xin post lên để mọi người cùng tham khảo.Chỉ có ý kiến cá nhân ( hay đúng hơn là cảm xúc), hình như năm nay ( mọi năm tôi không rõ), Khoa có vẻ hơi dễ dãi trong việc xét duyệt và định tiêu chuẩn viết khóa luận làm cho cái " vinh dự" này cũng chẳng làm cho những người được làm thấy vinh hạnh mấy.Hậu quả thì các thầy cô cũng thấy rất rõ, một thầy / cô mà hướng dẫn tận 10-20 người.Thôi thì cũng đành tặc lưỡi như thầy Nghĩa bảo" làm khóa luận hay luận văn cũng chỉ là một kỷ niệm trong cuộc đời thôi mà".

1- Hướng dẫn của thầy Lê Nết:

HƯỚNG DẪN PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CHO SINH VIÊN

Phòng quản lý NCKH và HTQT, ĐH Luật TP.HCM
Người gửi: TS. Lê Nết



Để phục vụ công tác NCKH cho sinh viên năm học này, chúng tôi xin nêu một số phương pháp NCKH sau đây làm cơ sở tham khảo. Các quan điểm trình bày dựa trên kinh nghiệm của người viết, vì thực sự chưa có qui định chính thức về phương pháp NCKH. Các sinh viên có thể chọn phương pháp khác, sao cho phù hợp với mình, miễn là đề tài giải quyết được mục tiêu đề ra và được nghiệm thu.

Chọn đề tài

Qua đề tài NCKH, người nghiên cứu sẽ hiểu hơn những vấn đề mình đã nhận thức, vận dụng chúng như một công cụ để tìm những kiến thức mới hơn và truyền thụ những kiến thức này cho thế hệ sau. Mặc dù việc nghiên cứu và thực hành luật pháp có những đặc thù riêng, ví dụ mọi kiến thức truyền thụ phải thuộc những nội dung nhà nước cho phép, nhưng tính phổ biến của lợi ích nghiên cứu khoa học thì không hề thay đổi.

Điều quan trọng số một của phương hướng nghiên cứu là phải có tính thực tiễn. Kết quả nhiên cứu phải có địa chỉ ứng dụng. Để có một kết quả KHCN mới và có tính ứng dụng, người làm NCKH nên chọn đề tài thực tế, đủ hẹp để đi sâu tìm tòi, khám phá. Có đào sâu suy nghĩ mới tìm ra cái mới. Có đánh giá vấn đề một cách khách quan, toàn diện, sâu sắc thì giải pháp đề xuất mới có tính ứng dụng. Thế nên, khi chọn đề tài, người dự định làm NCKH nên định rõ cho mình câu trả lời, chỉ một câu trả lời, và bảo vệ được câu trả lời đó trước những ý kiến phản biện. Không nên có quá nhiều câu trả lời.

Công đoạn đầu của một quá trình nghiên cứu là quan sát. Việc quan sát có thể tiến hành thông qua đọc tài liệu của những người đi trước về lãnh vực mình quan tâm, đọc báo, quan sát những gì xã hội đang hay sẽ quan tâm. Sau đó, thu hẹp phạm vi quan sát để tìm mục tiêu nghiên cứu. Mục tiêu này được thể hiện qua tên đề tài.

Tên đề tài NCKH là do người làm NCKH tự chọn, và được Hội đồng xét duyệt đề tài thông qua. Các danh mục đề tài của Khoa hay của Trường chỉ mang tính định hướng (trừ đề tài cấp Nhà nước).

Tên đề tài luôn là một câu hỏi thường xuyên, xuyên suốt đề tài NCKH để tìm câu giải đáp. Câu hỏi đấy phải là một câu hỏi có thực trong cuộc sống, đòi hỏi phải có câu trả lời ngay, gọi là tính cấp thiết của đề tài. Vì vậy chúng ta nên xem mục III (danh mục các đề tài đã NCKH), ít nhất để biết những người đi trước đã làm NCKH về đề tài này chưa, và họ đã giải quyết đến đâu, còn phần nào chưa giải quyết. Ngoài ra, nên tìm hiểu cụ thể cơ quan nào trong xã hội có thể ứng dụng đề tài mình chọn.

Sau đó, đề tài phải có tính khoa học, nghĩa là vấn đề mà các nhà khoa học cần được giải thích rõ ràng bằng luận cứ khoa học.

Tìm tài liệu nghiên cứu

Tài liệu nghiên cứu có thể đa dạng, để đánh giá vấn đề một cách khách quan, toàn diện. Thông thường, thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý. Tài liệu có được do khảo sát tình hình thực tế được đánh giá cao hơn tài liệu do đọc lại những tài liệu của người khác đã viết; và trong số đó thì các tài liệu có số liệu thống kê có giá trị cao hơn các tài liệu nặng về lý luận. Tuy vậy, do đặc thù nghiên cứu ngành luật thiên về định tính hơn định lượng, số liệu thực tế của ngành luật thường là những vụ việc hơn là những số liệu thống kê. Các tài liệu này có thể thu thập tại toà án, tại các sở ban ngành, hay trong quá trình khảo sát, phỏng vấn các đối tượng quan tâm. Nếu được phân tích kỹ lưỡng và có phương pháp, các tài liệu như vậy thường được đáng giá cao hơn là các trích dẫn của các tác giả lý luận trong và ngoài nước. Nhược điểm của các số liệu này là thường vụn vặt, xử lý rất khó khăn. Vì thế, người làm NCKH muốn tìm các tài liệu dạng này cần học qua một lớp về lập, phân tích và đánh giá khảo sát. Như vậy, trước khi tìm tài liệu, nên đánh giá đúng khả năng của mình, sở thích của mình để chọn cách tìm tài liệu thích hợp nhất.

Về phương pháp nghiên cứu, có ba phương pháp thông dụng nhất: phân tích (còn gọi là diễn dịch), tổng hợp (còn gọi là qui nạp) và so sánh. Các phương pháp này có thể kết hợp, tuy nhiên để có câu trả lời tập trung và có quan điểm dứt khoát, nên chọn một phương pháp chủ đạo, và giải thích tại sao lại chọn phương pháp này mà không phải là phương pháp khác. Nhìn chung, phương pháp NCKH phụ thuộc vào mục tiêu NCKH và nguyên nhân các vướng mắc.

Thời gian nghiên cứu phụ thuộc vào khả năng người viết NCKH. Karl Marx có thể viết bộ “Tư bản” toàn tâm toàn ý trong hơn 30 năm, nhưng một đề tài cấp bộ chỉ tối đa 2 năm, cấp trường là 6 tháng. Vì thế, nếu thời gian nghiên cứu không cho phép, nên thu hẹp phạm vi đề tài. Bắt đầu nghiên cứu bằng các nguồn của luật (văn bản pháp luật, điều ước quốc tế), các quyết định của toà án, các số liệu thống kê, sau đó mới đọc các bài báo hay quan điểm của các học giả. Điều này cho phép người đọc có cái nhìn khách quan về vấn đề, không bị ảnh hưởng bởi trường phái chủ đạo nào. Kết thúc nghiên cứu khi nhận thấy các tài liệu nghiên cứu mình đọc bắt đầu có nội dung như nhau, có thể dự đoán được. Đó là lúc bắt đầu viết NCKH. Điều cần tránh trong NCKH là thu thập tài liệu thiếu chiều sâu (quá ít tài liệu từ một nguồn) hay thiếu chiều rộng (sử dụng quá ít nguồn tài liệu). Không ai phê phán một người sử dụng “quá nhiều” tài liệu tham khảo.

Soạn đề cương

Thông thường, đề cương NCKH có thể bắt đầu bằng “cơ sở lý luận”, chương tiếp theo là “thực trạng”, chương cuối cùng là “giải pháp”. Cách trình bày như vậy giúp người đọc nắm vấn đề một cách có hệ thống. Tuy nhiên, điểm yếu của cách trình bày này là phần “cơ sở lý luận” dễ trở nên quá dài và quá mỏng (nói quá ít thì thiếu hệ thống, nói quá nhiều thì xa mục tiêu). Chương 1 của đề tài NCKH giống giáo trình hay bách khoa toàn thư hơn là công trình chuyên khảo. Trong chương 2, phần thực trạng chỉ nêu được 1 vài vương mắc trong số các lý luận đã trình bày ở chương 1 (như vậy một số cơ sở lý luận đã nêu trở nên thừa). Vì thời gian và số chữ trong đề tài NCKH bị giới hạn, chương 3 (giải pháp) được trình bày sơ sài, không đủ chỗ để chứng minh tại sao giải pháp nêu ra lại giải quyết được vấn đề.

Vì thế, gần đây ở các nước như Anh, Mỹ đã xuất hiện phương pháp soạn đề cương mới – đó là nêu thực trạng trước, lý luận sau. Do mục tiêu của báo cáo NCKH không phải là để trình bày kiến thức, mà để giải quyết một vấn đề đang tranh cãi, điều đầu tiên người đọc quan tâm sẽ là “cho tôi biết vấn đề ở đâu?”

Sau khi nhìn thấy vấn đề (thực trạng, chương 1), thì chương 2 mới bắt đầu phân tích các qui định của pháp luật về vấn đề đang tranh cãi. Quá trình phân tích không thể chỉ mô tả luật, mà phải giải thích nguồn gốc, nguyên nhân của các điều luật, ưu điểm và khuyết điểm của các điều luật đó. Sau đó, tìm nguyên nhân tại sao các qui định hiện hành không giải quyết được vấn đề đang tranh cãi.

Chương 3 đề ra giải pháp để khắc phục, giải thích tại sao chọn giải pháp này mà không phải giải pháp khác, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của giải pháp này, thu hẹp phạm vi áp dụng của giải pháp và đề ra mục tiêu nghiên cứu trong những đề tài NCKH tiếp theo. Cách trình bày này khiến người đọc đi ngay vào vấn đề và lôi cuốn ngay từ đầu. Nó cũng tiết kiệm thời gian cho người làm đề tài.

Viết đề cương theo trình tự như thế nào cũng đều chấp nhận được, miễn là trả lời được câu hỏi chính của đề tài. Tuy nhiên người viết nên lưu ý đến ưu điểm và khuyết điểm của mỗi cách viết. Điều cần tránh là đi lòng vòng quá lâu trước khi đi thẳng vào vấn đề chính; và việc đưa ra kết luận mà không phân tích một cách khách quan, toàn diện.

Thông thường, viết mở đầu sẽ là phần khó nhất, vì thế không nên bắt đầu viết bằng phần mở đầu (chờ làm xong đề tài mới quay lại viết phần mở đầu). Khi viết đề tài NCKH nên đọc đề cương xem phần nào mình thấy dễ viết thì viết trước. Nếu cảm thấy khó viết quá thì hãy trao đổi với đồng nghiệp, sinh viên, diễn đạt ý tưởng của mình, sau đó viết lại thành đoạn văn. Việc trao đổi ý kiến và tham gia hội thảo cũng giúp cho người viết tìm ý tưởng dễ hơn. Việc khó viết trong NCKH là do tư tưởng bị bế tắc. Trao đổi sẽ giúp khai thông tư tưởng và viết trôi chảy hơn.

Sau khi viết bản thảo đầu tiên, người viết có thể sẽ không hài lòng với bố cục; đừng ngần ngại sắp xếp lại, cho dù đề cương mới có khác với đề cương đề ra. Đề cương là để giải quyết mục tiêu của đề tài, chứ không phải đề tài phải viết cho đúng với đề cương ghi trong bản đăng ký NCKH.

Viết

Có rất nhiều cách viết báo cáo NCKH, vì thế người làm NCKH không nên ép buộc vào một cách viết “tốt nhất” (thí dụ: cơ sở lý luận – thực trạng – giải pháp). Ơ đây chỉ xin đề cập đến hai yêu cầu: (i) tập trung; và (ii) thuyết phục.

Cách viết tập trung yêu cầu người viết NCKH phải nêu câu hỏi chính và đề xuất được hướng giải quyết ngay trong phần mở đầu, sau đó mới phân tích tại sao hướng giải quyết như vậy là cần thiết. Cần tránh trường hợp đọc đến trang 20 mà vẫn chưa hiểu người viết muốn gì. Sau khi làm người đọc tập trung vào vấn đề, từng chương cần nêu các vấn đề nhỏ. Các vấn đề nhỏ nhằm mục đích giải quyết vấn đề chính, và nên có liên hệ với nhau một cách chặt chẽ. Giải quyết dứt điểm từng vấn đề, tránh tình trạng nhắc đi nhắc lại một vấn đề đã nói từ trước. Đưa ra giải pháp cho những trường hợp đơn giản trước, sau đó phát triển để đưa ra giải pháp cho trường hợp phức tạp.

Cách viết thuyết phục yêu cầu người viết phải (i) giới hạn điểm tranh luận, và (ii) sử dụng phép biện chứng. Để giới hạn điểm tranh luận, nên tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề và đề ra giải pháp, chứ không thể chỉ dừng ở nguyên nhân trực tiếp. Để sử dụng phép biện chứng, cần đặt nghi vấn cho giải pháp mình đưa ra, tự mình phản biện mình, sau đó tự mình bảo vệ giải pháp của mình chống lại những ý kiến phản biện. Vì bảo vệ một giải pháp không hề đơn giản, nên không nên nêu quá ba giải pháp cho một đề tài NCKH (các giải pháp khác nên dành cho người khác phân tích). Người đọc khó nhớ nổi nhiều hơn ba vấn đề trong một đề tài.

Cách hành văn cần dùng ngôn ngữ viết trong luật, tránh dùng từ quá nặng như “lừa đảo, kẻ, tên, bọn …” cho dù đó là ngôn ngữ dùng trên báo chí. Hạn chế sử dụng những ngôn từ quá trang trọng hay nặng về tình cảm hơn lý trí như “nâng cao hiểu biết”, “đẩy mạnh công tác”, “quán triệt”, “cực kỳ quan trọng”. Cách viết như vậy làm người đọc cảm thấy bài NCKH không thuyết phục bằng lập luận mà bằng cảm tính. Làm NCKH khác với hô khẩu hiệu. Tránh dùng những từ không rõ ràng như “có ý kiến cho rằng …” (phải nói ý kiến của ai v.v.), hay thiếu tự tin: “có lẽ”, “có khả năng là” (trừ trường hợp thích hợp). Khi trích dẫn phải đầy đủ theo thứ tự: tên, năm xuất bản, tên bài báo, số phát hành, số trang. Việc chú thích tuỳ tiện dễ làm người đọc có cảm giác người viết NCKH không nghiêm túc với đề tài.

Câu văn nên càng đơn giản, ngắn gọn càng tốt. Vì người đọc là hội đồng phản biện, họ không cần phải chứng minh lại các quan điểm phổ biến. Tuy nhiên, các vấn đề khó hiểu cần có dẫn chứng và phân tích.

Sau cùng, Samuelson(1) đưa ra một số qui tắc chung có thể khiến bài NCKH trở nên hấp dẫn hơn, là:

1. Nên có phần mở đầu lôi cuốn (như phần đầu của một bản giao hưởng);
2. Các đề mục phải giới thiệu cụ thể nội dung chính của vấn đề sẽ trình bày;

3. Các vụ việc phải được phân tích dựa trên hoàn cảnh cụ thể;

4. Các vấn đề phân tích phải mở đầu bằng câu gây hứng thú cho người đọc;

5. Câu văn phải trôi chảy, sao cho người đọc tự cảm thấy câu sau là hệ quả hiển nhiên của câu trước;

6. Không nên “biện chứng” một vấn đề đến vô cùng, nêu ra vấn đề tới đâu, giải quyết tới đó bằng quan điểm của mình;

7. Tôn trọng các ý kiến phản biện và phân tích chúng một cách khách quan;

8. Sử dụng chú thích một cách thống nhất và chi tiết;

9. Không nên kết thúc đoạn văn hay mục bằng một câu trích dẫn;

10. Các trích dẫn càng ngắn càng tốt và phải liên quan đến mục tiêu đề tài;

11. Mặc dù nhiều tài liệu tham khảo là tốt (xem mục 2), không nên trích dẫn quá nhiều (4-5 trích dẫn trong 1 trang), khiến cho người đọc có cảm giác người viêt chỉ biết bắt chước ý tưởng của người khác;

12. Không viết sai chính tả; hình thức câu văn là một phần của nội dung;

13. Bố cục hợp lý (mở đầu có độ dài 5% chiều dài bài viết, kết luận bằng 5-10% chiều dài của bài viết, độ dài của phân tích mỗi luận điểm (argument) gần bằng nhau (25-30% chiều dài của bài viết cho mỗi luận điểm). Sau khi viết, nhờ người khác đọc lại xem phần nào dài quá, nên bớt đi; và

14. Tìm “lối ra” cho đề tài: các giải pháp đưa ra trong trường hợp nào không áp dụng được, còn vấn đề nào phải giải quyết mà đề tài chưa kịp phân tích./.

2- Hướng dẫn của thầy Nguyễn Bá Bình ( ĐH Luật Hà Nội)

Viết luận văn luật học

- vài suy nghĩ về một quy trình tối ưu

ThS. Nguyễn Bá Bình[1]

Mải mê với giảng dạy và nghiên cứu, mải miết với những công trình, bài viết mang tính chất chuyên môn cho các diễn đàn luật học, rồi một ngày cuối năm ngẫu nhiên gặp một bài viết của một du học sinh Việt Nam ở nước ngoài về cách viết luận văn, nghĩ về những sinh viên luật của mình, tôi chợt thấy nên có một vài sẻ chia để góp phần làm sáng tỏ hơn công việc gian nan này. Ai đó đã nói rằng: “Để làm một việc mang tính khoa học cần bắt đầu từ một quy trình khoa học”. Vì thế, xin được dành tặng bài viết này cho các bạn sinh viên và cả những ai sắp sửa bước vào con đường tạo dựng một công trình được coi là khoa học - luận văn. “Viết luận văn”, chỉ 3 chữ ấy thôi nhưng đó là cả một quá trình công phu, dẫu thế, cũng có thể thâu tóm được ở những bước đi có thể nói là cốt tử sau đây.

I. Chọn đề tài nghiên cứu

Đây là công đoạn có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình nghiên cứu và hoàn thành luận văn, vì thế bạn cần phải nghiêm túc trong việc lựa chọn đề tài. Những câu hỏi cần được đặt ra khi lựa chọn cho mình một đề tài phù hợp đó là:

1. Đề tài có tính thời sự không?

2. Đề tài có gần gũi với bạn không? (bạn đã nghiên cứu được chút nào về lĩnh vực đó chưa?)

3. Tài liệu liên quan đến đề tài có nhiều không? có dễ tìm kiếm và thu thập?

4. Đề tài có liên quan đến định hướng nghề nghiệp tương lai của bạn hay ít ra là có giúp ích gì đó cho công việc sau này không?

5. Bạn chọn đề tài để có cơ hội nghiên cứu sâu hơn về lĩnh vực đó hay để có một điểm số cao khi bảo vệ hay cả hai mục tiêu này?

Hãy trả lời các câu hỏi trên và từ đó tìm thấy cho mình một đề tài phù hợp.

II. Chọn người hướng dẫn

Sau khi chọn xong đề tài, đến lượt bạn phải chọn người hướng dẫn. Câu hỏi đặt ra cho giai đoạn này đó là:

1. Bạn chọn người hướng dẫn để có lợi thế khi bảo vệ luận văn vì những yếu tố nằm ngoài khoa học hay để nhận được những lời hướng dẫn hữu ích?

2. Đề tài bạn chọn, người hướng dẫn có khả năng giúp bạn hay không (vì rằng, không phải đề tài nào người thầy mà bạn chọn cũng có thể hướng dẫn được (do sự chuyên môn hóa) và thêm vào đó có thể nó không thuộc lĩnh vực nghiên cứu ưa thích của người hướng dẫn)?

3. Bạn trông đợi gì ở người hướng dẫn (giúp bạn về những ý tưởng chính hay những góp ý mang tính câu chữ, chi tiết hay chỉ là địa chỉ hữu ích để bạn tìm kiếm tài liệu...)?

4. Khả năng hợp tác của bạn với người hướng dẫn ở mức độ nào (tính cách người hướng dẫn, thời gian của người hướng dẫn...)?

Hãy trả lời các câu hỏi trên và tìm cho mình một người hướng dẫn phù hợp (khi bạn có được bài viết này, e rằng bạn đã phải lựa chọn người hướng dẫn, dẫu vậy bạn vẫn có cơ hội thay đổi của mình!).

III. Thống nhất một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện đề tài với người hướng dẫn

1. Thống nhất tên đề tài, phạm vi nghiên cứu đề tài;

2. Thống nhất phương thức trao đổi giữa người hướng dẫn với người thực hiện đề tài (địa điểm gặp, thời gian gặp, phương tiện trao đổi thông tin (email, fax, mobile...), nội dung trao đổi (thường thì đó là những vướng mắc về ý tưởng bạn gặp phải trong quá trình nghiên cứu, chứ không phải là “đoạn này em không biết viết thế nào cả”)).

IV. Định hình cách thức triển khai đề tài

Để hoàn thành đề tài đã chọn và đã thống nhất với người hướng dẫn, bạn nên triển khai theo trình tự sau và nhớ rằng kèm theo đó là một thời gian biểu phù hợp cho từng công đoạn:

1. Tìm và đọc các tài liệu liên quan để xây dựng một đề cương (đề cương này sẽ được thống nhất với người hướng dẫn);

2. Triển khai viết từng phần (thường là từng chương) và chuyển cho người hướng dẫn góp ý (trong quá trình viết bạn có thể hỏi ý kiến người hướng dẫn về các vướng mắc)?

3. Hoàn thành việc viết, đọc lại toàn bộ luận văn và trau chuốt ngôn từ, ngữ pháp cũng như thực hiện các công đoạn về hình thức theo yêu cầu của nhà trường (in, đóng quyển).

V. Tìm tài liệu

Bạn có thể tìm thấy tài liệu liên quan đến đề tài ở rất nhiều nguồn:

1. Thư viện (nên chú ý tìm xem có luận văn nào đã thực hiện trước bạn về đề tài này hay không);

2. Websites, báo, tạp chí... (đây có lẽ là một trong những nguồn dễ tìm kiếm và tìm nhanh nhất hiện nay);

3. Từ các cơ quan có liên quan đến đề tài của bạn;

4. Từ những người quen biết.

VI. Đọc tài liệu

Đọc thực sự là phần quan trọng trong việc viết luận văn, nó quyết định tới hơn 50% sự thành công, vì rằng “không có đọc thì không có viết”! Vấn đề của bạn chỉ là “làm sao đọc có hiệu quả”? Những điểm cần làm đó là:

1. Đọc có mục đích?

Không nên vớ cuốn nào cũng đọc từ đầu đến cuốn như đọc thơ, đọc truyện. Hãy đọc một cách có chọn lọc! Tiêu chí đầu tiên để chọn đó chính là tên đề tài - tài liệu đọc phải liên quan đến tên đề tài. Đối với sách, cầm lên, đọc tựa đề, tên tác giả; mở ra, xem năm xuất bản, mục lục, tên chương, số trang. Đến mỗi trang, chỉ nên nhìn lướt qua, nếu thấy liên quan đến đề tài thì đọc, không thì hãy bỏ qua.

2. Ghi chú khi đọc?

Bạn cần có 1 cuốn sổ nhỏ để dành cho việc ghi chép trong suốt quá trình đọc. Hãy ghi chú tên tác giả, tên sách, tên tạp chí, nhà xuất bản, năm xuất bản cho mỗi cuốn sách, bài báo, tạp chí mà bạn đọc. Nó sẽ giúp bạn điểm mặt được những tài liệu đã đọc qua và dễ dàng cho việc tìm để xem lại sau này.

Mỗi khi tìm thấy những phần bổ ích trong sách, báo, hãy đánh dấu lại bằng bút nhớ dòng, hoặc chú thích ra lề (nếu đó là sách, tạp chí, báo của bạn); cùng với đó hãy ghi chú vào cuốn sổ nhỏ của bạn phần đó thuộc về trang nào, cuốn sách, tạp chí, báo nào (một cách đủ chi tiết để trích dẫn sau này) và đặc biệt là phần đó có liên quan đến vấn đề nào (đề mục nào của đề cương) của luận văn.

VII. Viết

Cứ ngỡ viết là tiết mục đầu tiên của quá trình viết luận, tuy nhiên bạn thấy đấy, nó lại ở tít tắp tận cuối của chu trình. Nhưng khi đến được bước này, có thể coi như bạn đã đi được 70% của việc viết luận. Hãy để ý những vấn đề sau đây:

1. Đề cương (Outline)

Như bản vẽ của một ngôi nhà, đề cương giúp cho bạn biết mình đang ở đâu trong quá trình “thi công” luận văn và nó quyết định một cách cơ bản vẻ đẹp của ngôi nhà - “bản luận văn”. Vì vậy, lẽ dĩ nhiên cần “đầu tư” có chiều sâu cho hạng mục này.

Theo cách viết luận văn thông thường và được hầu hết hội đồng chấm luận văn ở Việt Nam cho là “chuẩn” chính là một đề cương luận văn gồm 3 chương (ngoài lời nói đầu và kết luận). Trong đó Chương I là tổng luận về những vấn đề thuộc về lý luận của đề tài (thường được đặt với cái tên như “Một số vấn đề lý luận cơ bản về...”, “Khái quát về...”); Chương II thường là khảo cứu những vấn đề thuộc về pháp luật thực định hoặc/và thực tiễn về vấn đề thuộc đề tài nghiên cứu (tên của Chương này thường là “Thực tiễn pháp lý về...” hoặc “Thực trạng về...”); và Chương III sẽ là một số khuyến nghị của tác giả (tên gọi thường là “Một vài khuyến nghị để hoàn thiện pháp luật về...”). Đối với một luận văn tốt nghiệp của sinh viên, để gọn hơn thì bạn cũng có thể nhập 2 chương II và III vào thành 1 chương.

Một chút thời gian để nói về Lời nói đầu và Kết luận, với Lời nói đầu bạn nên dạo đầu bằng vài dòng khái quát về vị trí, tầm quan trọng của đề tài trong nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn. Sau đó bạn nên dẫn ra một cách khéo léo về tên đề tài. Và rồi nên chỉ ra phạm vi nghiên cứu của luận văn và phương pháp nghiên cứu. Kết thúc hợp lý cho Lời nói đầu có lẽ chính là đưa ra kết cấu của luận văn. Phần Kết luận nên viết trong vòng 1 trang, trong đó nên đi một cách trực diện bằng việc kết luận về những vấn đề đã làm và làm được của luận văn.

Tuy gọi là đề cương, nghĩa là cái khung của luận văn, nhưng một đề cương tốt không nên dừng lại ở tên Chương, bạn hãy chi tiết hóa đề cương đến từng tiểu mục nhỏ nhất, thậm chí tuyệt vời hơn nữa là hãy gạch ra những ý chính cho từng tiểu mục (hãy nhớ rằng, ngay cả trong quá trình viết luận văn, bạn cũng có thể chỉnh sửa, thêm bớt những ý tứ thuộc đề cương).

2. Bắt tay vào viết

Khi viết, bạn hãy viết ngay khi có những ý tưởng chợt đến trong đầu và đừng ngần ngại về câu từ, ngữ pháp. Tùy vào mỗi người, nhưng điều có thể khẳng định đó là: nếu theo chiều thuận bạn sẽ viết từ mục đầu cho đến mục cuối, nhưng cá biệt bạn cũng có thể viết ở bất cứ đề mục nào trước mà bạn thích. Dẫu vậy, riêng mục “đề xuất” có lẽ phải được viết cuối cùng.

Viết xong mỗi phần hoặc mỗi chương bạn nên xem lại để trau chuốt về ngôn từ, cú pháp và biết đâu đấy, khi xem lại bạn sẽ có được những ý tưởng mới phát sinh.

Về ngôn ngữ viết, như ai đó đã nói “từ ngữ là da thịt của bài viết”, một bài viết dù có cấu tứ tốt, ý tưởng tốt, nhưng thiếu những câu từ chuẩn xác và “đẹp” thì cũng như một bữa ăn chỉ có thịt cá mà thiếu đi rau quả. Mỗi dạng văn chương đòi hỏi những phong cách và chuẩn mực riêng về ngôn ngữ. Đối với luận văn và đặc biệt là luận văn chuyên ngành luật bạn hãy chọn lối viết mang phong cách chính luận, trong đó nói gì thì nói, tính logic trong mạch viết rõ ràng là đòi hỏi đầu tiên. Những điểm cần chú ý tiếp theo về ngôn ngữ, thiết nghĩ tập trung ở những 3 tiêu chí sau: 1, nghiêm túc (không viết tắt (nếu không có chú giải từ trước), không viết lóng, không viết theo văn nói); 2, rõ ràng (hãy viết sao cho người đọc hiểu được một cách dễ dàng, đừng viết mang tính chất thách đố về “cách hiểu ngôn từ”); và 3, chuẩn xác (nhiều từ ngữ phổ biến trong đời thường nhưng lại là không chuẩn xác dưới góc độ luật học, hãy thận trọng!).

VIII. Kiểm tra và... đóng quyển

Sau khi viết xong toàn bộ luận văn, bạn nên dành thời gian đọc lại ít nhất 3 lần. Khi đọc lại bạn sẽ có thêm cơ hội để sửa chữa, bổ sung ý tưởng, câu từ, đặc biệt là rà soát những lỗi thuộc về hình thức. Một sự kiểm tra tốt cần có sự tham gia của bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt những người có chuyên môn trong lĩnh vực bạn nghiên cứu.

Kết thúc cho một hành trình, cho dù là một động tác hết sức đơn giản, hãy nhớ trong suốt quá trình viết phải biết thực hiện những cú “save” cần thiết để lưu lại những câu chữ quý giá mà bạn đã bỏ nhiều công sức để tạo nên. Và... còn gì nữa, đóng quyển thôi, bạn đã đi hết những ngày buồn, vui của cái gọi là “viết luận”!


[1] Thạc sỹ luật học, Giảng viên, Thư ký Trung tâm nghiên cứu pháp luật Châu Á - Thái Bình Dương, Đại học Luật Hà Nội.

3- Hướng dẫn của thầy Hoàng Văn Châu ( hiệu trưởng Đại học Ngoại thương)

LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HIỆN TỐT MỘT LUẬN VĂN KHOA HỌC

GS.TS. HOÀNG VĂN CHÂU – Đại học Ngoại thương

Theo GS, TS Hoàng Văn Châu Nghiên cứu khoa học là nhiệm vụ chủ yếu của sinh viên trong các trường đại học. Một trong những thể hiện của nghiên cứu khoa học là viêt luận văn khoa học.

Luận văn khoa học là chuyên khảo về một vấn đề khoa học hoặc công nghệ do một người viết nhằm mục đích: – Rèn luyện về phương pháp và kỹ năng nghiên cứu khoa học; – Thể nghiệm kết quả của một giai đoạn học tập hay một vấn đề khoa học quan tâm; – Bảo vệ công khai trước Hội đồng hoặc được chấm để lấy bằng tốt nghiệp đại học hoặc học vị thạc sỹ, tiến sỹ

Luận văn khoa học bao gồm:

- Tiểu luận môn học, Thu hoạch (báo cáo) thực tập: là báo cáo về một vấn đề thuộc một môn học hay một vấn đề thực tiễn tại một đơn vị nào đó nhằm rút ra những kết luận hay đóng góp ý kiến, đề xuất giải pháp để thực hiện hay cải tiến vấn đề nêu ra, có độ dài không quá 30 trang;

- Khoá luận tốt nghiệp hay Đồ án tốt nghiệp: là chuyên khảo mang tính chất tổng hợp, thể nghiệm kết quả sau một khoá đào tạo đại học thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn hay khoa học kỹ thuật, được chấm hay bảo vệ để lấy bằng cử nhân hay kỹ sư, có độ dài khoảng 80 trang;

- Luận văn Thạc sỹ: là chuyên khảo sâu về một vấn đề khoa học, công nghệ, kỹ thuật hoặc quản lý cụ thể, chứng tỏ học viên đã nắm vững kiến thức đã học, nắm được phương pháp nghiên cứu và có kỹ năng năng thực hành về vấn đề nghiên cứu, có độ dài khoảng 100 trang và được bảo vệ trước Hội đồng để lấy học vị thạc sỹ.

Mục đích chính của luận văn là học tập, phản ánh kết quả học tập, đồng thời cũng là một công trình nghiên cứu khoa học, thể hiện lao động khoa học nghiêm túc, độc lập, sự tìm tòi, sáng tạo của người viết, những ý tưởng khoa học của người viết. Luận văn là một công trình khoa học nên đòi hỏi phải được thực hiện nghiêm túc và phải đạt yêu cầu: luận văn phải có ý nghĩa khoa học, ý nghĩa thực tiễn; số liệu và các nguồn trích dẫn phải chính xác và đáng tin cậy; văn phong mạch lạc, chuẩn xác; được trình bày đúng quy định và thể hiện người viết có phương pháp nghiên cứu.

Để viết một luận văn, cần tiến hành các bước sau đây:

1- Lựa chọn và đặt tên đề tài luận văn:

Đề tài luận văn có thể do Khoa, Bộ môn, các thầy, cô giáo gợi ý hay do bản thân sinh viên đề xuất nhưng không được trùng lặp với các đề tài đã được nghiên cứu trước đó. Tốt hơn cả là sinh viên tự tìm hiểu, suy nghĩ và đề xuất vấn đề nghiên cứu trên cơ sở ý thích, năng lực, sở trường, mối quan hệ … hay những ý tưởng đã hình thành trước đó của mình.

Những ý tưởng nghiên cứu thường được hình thành khi: nghe giảng trên lớp; đọc sách báo; trao đổi, tranh luận với các nhà khoa học, đồng nghiệp; thực tập, thực tế tại các cơ quan, công ty; suy nghĩ ngược lại những quan điểm thông thường; nhận dạng những vướng mắc trong hoạt động thực tế; nghe thấy sự kêu ca phàn nàn của những người khác; đi dạo …

Trên cơ sở những ý tưởng nghiên cứu, sinh viên sẽ tiến hành lựa chọn và đặt tên cho đề tài.

Để đảm bảo cho chất lượng luận văn, đề tài phải:

- Có ý nghĩa khoa học: bổ sung cho lý thuyết của bộ môn khoa học; xây dựng cơ sở lý thuyết mới hoặc làm rõ một số vấn đề lý thuyết đang tồn tại … ; những phát triển mới nhất về vấn đề nghiên cứu …

- Có giá trị thực tiễn: giải quyết các vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, quản lý … ; xây dựng luận cứ cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của ngành, của địa phương …;

- Có tính khả thi : có đủ điều kiện cho việc hoàn thành đề tài, như: cơ sở thông tin, tư liệu; phương tiện thiết bị thí nghiệm, nếu cần; có người hướng dẫn khoa học và các cộng tác viên khác; có đủ thời gian…;

- Phù hợp với sở thích, sở trường của người nghiên cứu .

Việc đặt tên đề tài một cách chuẩn xác là rất quan trong vì tên đề tài chỉ rõ đối tượngphạm vi nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu trả lời cho câu hỏi nghiên cứu cái gì, còn phạm vi nghiên cứu chỉ rõ giới hạn về mặt không gian, thời gian và quy mô của vấn đề nghiên cứu. Tên đề tài phải ngắn, gọn, súc tích, ít chữ nhất nhưng chứa đựng nhiều thông tin nhất. Ngôn ngữ dùng trong tên đề tài phải rõ ràng, chuẩn xác để có thể được hiểu theo một nghĩa duy nhất, không được tạo khả năng hiểu thành nhiều nghĩa. Không nên đặt tên đề tài luận văn bằng những cụm từ có độ bất định cao về thông tin, như:

- Vài suy nghĩ về …

- Thử bàn về …

- Về vấn đề …

- Góp phần vào

Cách đặt tên đề tài mập mờ trên đây chỉ thích hợp cho một bài báo chứ không thích hợp cho một công trình khoa học, như luận văn, luận án và các công trình khoa học khác. Trong quá trình xác định tên đề tài, sinh viên nên tham khảo ý kiến của các thầy cô giáo hoặc người hướng dẫn.

2- Xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu:

a- Xây dựng đề cương: Trên cơ sở tên đề tài đã được thông qua, sinh viên xác định đối tượng, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và lập đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu cũng chính là bố cục của luận văn, bao gồm các chương, mục phản ánh đối tượng và phạm vi nghiên cứu từ đầu đến cuối một cách logic. Nguyên tắc phải tuân thủ khi xây dựng đề cương là: tên các chương phải phù hợp với (thể hiện) tên đề tài; tên các mục lớn trong chương phải phù hợp với tên chương; tên các mục nhỏ phải phù hợp với tên các mục lớn … Đối với một luận văn khoa học, đề cương nghiên cứu, ngoài phần mở đầu và kết luận, thường gồm 3 (ba) chương.

Chương 1 thường đề cập đến những vấn đề lý luận chung, như: khái niệm, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng, những vấn đề cơ bản của vấn đề nghiên cứu; Khái quát hoá các lý thuyết, học thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu (đối với khoá luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sỹ) …

Chương 2 thường dành để phân tích tình hình, thực trạng của vấn đề nghiên cứu, nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm …

Chương 3 nêu lên quan điểm, phương hướng, mục tiêu hay dự báo tình hình phát triển và đề xuất các giải pháp, phương pháp giải quyết vấn đề. Trong mỗi chương không nên có quá nhiều mục lớn mà nên bố cục khoảng 3 mục.

Các chương, mục của luận án tiến sỹ và luận văn thạc sỹ được trình bày như sau:

Chương 1: …………………

1.1. …………………

1.1.1.………………..

1.1.2.………………..

1.1.3………………………

1.2………………..

1.2.1………………

1.2.1……………..

1.3……………………..

1.3.1……………….

1.3.2……………….

1.3.3…………………

Chương 2…………………..

2.1…………………………

2.2…………………

2.3………………..

Chương 3……………………

Đối với Thu hoạnh thực tập tốt nghiệp hay Khoá luận tốt nghiệp … có thể dùng chữ số Lamã I, II, III để thay cho 1.1., 1.2., 1.3. … Đề cương không nên xây dựng quá chi tiết, vì trong quá trình nghiên cứu còn có thể có những thay đổi phụ thuộc vào nguồn tài liệu, vào những phát hiện mới của tác giả.

b. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu: Cùng với đề cương, sinh viên phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu , chỉ rõ nội dung công việc và thời gian hoàn thành.

3- Trình đề cương cho người hướng dẫn để xin ý kiến:

Sinh viên gặp người hướng dẫn khoa học với đề cương đã được chuẩn bị sẵn để xin ý kiến. Người hướng dẫn có thể góp ý để chỉnh sửa, bổ sung cho đề cương nhằm đảm bảo tính chuẩn xác của tên đề tài, sự đúng đắn và đầy đủ của nội dung nghiên cứu, tính hợp lý và logic của bố cục, tính cập nhật của các thông tin khoa học có liên quan … . Trên cơ sở đó sinh viên, học viên sửa chữa, hoàn thiện đề cương.

4- Sưu tầm, lưu trữ tài liệu, lập danh mục tư liệu, làm thí nghiệm … :

Nguồn tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu có thể tìm thấy tại thư viện, hiệu sách, trên tạp chí chuyên ngành, báo cáo, thông tin khoa học, báo chí, qua internet, các cơ quan, công ty … thông qua bạn bè, người quen … Trong quá trình thu thập tài liệu phải ghi chép, lưu trữ cẩn thận, đặc biệt là nguồn của các tài liệu, bài viết có liên quan, như: tên tác giả, tên tạp chí hay báo đã đăng tải, số, ngày tháng, phát hành, năm xuất bản … để lập thành Danh mục tư liệu và sau này đưa vào Danh mục tài liệu tham khảo.

5- Viết luận văn khoa học:

Sau khi có tương đối đầy đủ tư liệu, trên cơ sở đề cương chi tiết đã được thông qua, có thể bắt đầu viết luận văn. Việc này tốt nhất nên thực hiện trên máy vi tính, theo phông chữ thông thường Vn-Times (TCVN3) hoặc Times New Roman (Unicode), khổ chữ 13 hoặc 14, có thể bắt đầu từ Lời nói đầu hay từ Chương 1.

5.1. Nội dung của luận văn:

Luận văn, dù sắp xếp chương mục như thế nào, cũng phải có những bộ phận và nội dung cơ bản theo thứ tự : bìa chính, bìa phụ, mục lục, lời nói đầu, các chương, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nếu có.

a- Bìa chính và bìa phụ: có nội dung hoàn toàn giống nhau và được viết theo thứ tự (từ trên xuống): Tên trường; tên Khoa, bộ môn; Tên luận văn khoa học (Khoá luận tốt nghiệp, Thu hoạch thực tập tốt nghiệp …); Tên đề tài; Tên người viết và người hướng dẫn khoa học (góc phải); Nơi thực hiện, năm … Bìa chính là tờ bìa cứng ngoài cùng có màu khác nhau theo quy định (KLTN của ĐH Ngoại thương: bìa đỏ, chữ vàng). Bìa phụ là trang đầu tiên của luận văn.

b- Mục lục: Mục lục gồm khoảng 02 trang tiếp ngay sau bìa phụ, ghi rõ tên các chương, mục với vị trí trang tương ứng, giúp người đọc có thể xem nhanh những nội dung chính của luận văn và mở đọc những mục cần thiết. Không nên ghi mục lục quá chi tiết để khỏi chiếm nhiều trang mà chỉ nên ghi đến một mục nhỏ sau một mục lớn là đủ.

c- Lời nói đầu: Đối với hầu hết các loại luận văn, lời nói đầu thường chỉ gói gọn trong 1-2 trang, nói rõ lý do chọn đề tài, mục đích, mục tiêu của viêc nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, tên các chương và dự kiến kết quả đạt được, cùng với lời cám ơn những người đã giúp đỡ mình trong quá trình làm luận văn. Riêng đối với khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ, lời nói đầu thường được viết dưới dạng các mục, như: Tính cấp thiết của đề tài; Mục đích và mục tiêu nghiên cứu; Tình hình nghiên cứu; Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ; Phương pháp nghiên cứu; Những đóp góp mới của luận án; Kết cấu của luận văn, luận án.

d- Viết các chương: Như đã nói ở trên, luận văn thông thường được kết cấu thành ba chương với số trang của các chương gần bằng nhau để đảm bảo tính cân đối của luận văn. Nội dung của các chương cần có các tiêu đề, mục lớn, mục nhỏ đầy đủ, rõ ràng, tránh sử dụng quá nhiều dấu ký hiệu: #, *, -, + … trong luận văn. Cuối mỗi chương nên có kết luận từ 7 – 10 dòng về các vấn đề đã đề cập trong chương đó bằng các cụm từ, như: Tóm lại, Nhìn chung,… Qua phân tích trên có thể rút ra kết luận

e- Kết luận của luận văn: Phần kết luận của luận văn phải để ở một trang riêng, tổng hợp tất cả các kết luận rút ra được từ việc nghiên cứu đề tài cùng với một vài giải pháp chủ yếu nhất, những khuyến nghị, dự báo xu hướng phát triển, với độ dài từ 1-2 trang. Đây là những điều khảng định hay kết luận cụ thể về các vấn đề chủ yếu được đề cập trong cả ba chương của luận văn mà tác giả rút ra được sau khi nghiên cứu, được đánh số thứ tự 1, 2, 3 … hay gạch đầu dòng (-) mà không kèm bất kỳ một lời bình luận nào. Ví dụ: Sau khi nghiên cứu đề tài, có thể rút ra một số kết luận sau đây: Những kết luận này là phần rất quan trọng của luận văn, cùng với các giải pháp, kiến nghị đề xuất, đây chính là kết quả nghiên cứu đề tài của tác giả. Do vậy, tác giả phải dành nhiều thì giờ, suy nghĩ nghiêm túc để viết chính xác và cụ thể phần kết luận này.

Cần phân biệt Kết luận với Tóm tắt. Người viết bài này đã từng gặp, trong nhiều luận văn, luận án, thay vì kết luận thì tác giả lại tóm tắt luận án và tự khen mình bằng những lời bình luận. Trong Kết luận cũng không nên nói lời cám ơn vì lời cám ơn đã được đưa vào Lời mở đầu hay đã có trang riêng như trong luận văn thạc sỹ hay luận án tiến sỹ.

f- Tài liệu tham khảo: Tài liệu tham khảo bao gồm tất cả các tác phẩm kinh điển, giáo trình, sách tham khảo, luật lệ, nghị quyết, thông tư, báo cáo, các bài báo … bằng các thứ tiếng khác nhau mà tác giả đã tham khảo khi nghiên cứu và có dẫn chiếu trong luận văn.

Danh mục tài liệu tham khảo phải được ghi theo đúng quy định sau đây:

- Tài liệu tham khảo phải xếp riêng theo từng ngôn ngữ, theo thứ tự Việt, Anh, Pháp, Nga (đánh số liên tục) … Các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn;

- Tài liệu tham khảo bằng tiếng Việt phải xếp theo thứ tự ABC của tên tác giả, bằng tiếng nước ngoài xếp theo ABC của họ tác giả. Nếu tài liệu không có tên tác giả thì xếp theo chữ cái đầu tiên của cơ quan ban hành hay phát hành ấn phẩm đó.

- Nguồn tài liệu phải có các thông tin: tên tác giả hoặc cơ quan phát hành; năm xuất bản (để trong ngoặc đơn); tên sách (in nghiêng) hoặc tên bài báo (đặt trong ngoặc kép, không in nghiêng); nhà xuất bản, nơi xuất bản (đối với sách); tên tạp chí (in nghiêng), số (trong ngoặc), trang … (nếu là bài báo).

Ví dụ cách ghi như sau:

1. Hoàng Văn Châu (2003), Vận tải-Giao nhận hàng hoá xuất nhập khẩu, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, TP HCM.

2. Võ Nhật Thăng (2002), “Trách nhiệm của người giao nhận khi phát hành vận đơn FBL”, Visaba Times, (42), tr. 14-15.

3. Đinh Xuân Trình (2002), Thanh toán quốc tế trong ngoại thương, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội.

Các tài liệu tham khảo đánh số như trên cũng phải được trích dẫn vào luận văn ở những những chỗ cần thiết bằng cách dùng dấu móc vuông [ … ].

g- Phụ lục: Phụ lục là những bảng , biểu, số liệu, sơ đồ, hình vẽ, kết quả điều tra, khảo sát … có tác dụng chứng minh, minh họa cho các nội dung của luận văn mà nếu đưa vào luận văn thì không đẹp và chiếm nhiều trang nên được đưa vào phần cuối cùng của luận văn và không tính số trang. Phụ lục này cũng có thể được đánh số thứ tự và phải đánh số trang.

5.2. Văn phong của luận văn khoa học:

Luận văn khoa học phải được viết bằng một thứ tiếng Việt chuẩn xác, rõ ràng, mạch lạc. Khác với các bài phóng sự, tả cảnh, bút chiến … , văn phong của luận văn phải thể hiện sự nghiêm túc, giản dị, khoa học. Trong luận văn, người nghiên cứu chủ yếu đưa ra, trình bày các sự kiện, những luận cứ, luận chứng, một cách khách quan, rồi phân tích, lập luận, chứng minh để rút ra những kết luận có sức thuyết phục, tránh thể hiện tình cảm yêu, ghét đối với đối tượng nghiên cứu và tránh dùng nhiều tính từ, lối so sánh, ẩn dụ, ví von … Lời văn trong luận văn khoa học chủ yếu được dùng ở thể bị động, nên tránh dùng đại từ nhân xưng, như tôi, chúng tôi, em … mà thay vào đó có thể dùng tác giả, người viêt luận văn này

5.3. Hình thức và cách đánh máy:

Luận văn khoa học, từ bìa cho đến các trang nội dung, phải được đánh máy và trình bày một cách chân phương, nghiêm túc, trên giấy trắng khổ A4, không mùi bằng mực đen. Tuyệt đối không được thêm các hình vẽ ở các trang bìa, cũng như không được kẻ thêm vạch hay viết thêm tên người hướng dẫn, tên tác giả ở phía trên và phía dưới ở các trang bên trong. Các kiểu chữ sử dụng cũng phải chân phương, không rườm ra, màu mè, cầu kỳ, bay bướm. Luận văn chỉ được đánh máy trên một mặt của trang giấy, dùng kiểu chữ Vn-Times (TCVN3) hoặc Times New Roman (Unicode), cỡ 13 hoặc 14, dãn dòng 1,5 line, lề trên 3 cm, lề dưới 3,5 cm (nếu đánh số trang ở dưới), lề trái 3,5 cm, lề phải 2 cm. Một trang như vậy chỉ khoảng 27 dòng.

6. Bảo vệ luận văn

Luận văn thạc sỹ, luận án tiến sỹ bắt buộc phải bảo vệ trước Hội đồng do Hiệu trưởng hay Bộ trưởng ký quyết định thành lập. Khoá luận hay đồ án tốt nghiệp đại học có thể được bảo vệ hay chấm. Tại trường ĐHNT từ năm học 2005-2005 (K40), các Khoá luận tốt nghiệp (KLTN) phải được bảo vệ trước Hội đồng gồm 03 thành viên. Để bảo vệ tốt luân văn, cần tiến hành tốt các công việc sau:

6.1. Viết tóm tắt luận văn:

Tóm tắt luận án tiến sỹ có độ dài 24 trang (khổ nhỏ), phản ánh trung thực nội dung chủ yếu của luận án, được gửi cho các nhà khoa học và các cơ quan để nhận xét. Tóm tắt luận văn thạc sỹ khoảng 15 trang được dùng trong buổi bảo vệ. Tóm tắt KLTN có độ dài từ 8-10 trang do sinh viên viết để trình bày trước Hội đồng trong vòng 10 phút. Yêu cầu của tóm tắt là ngắn gọn, cô đọng, nêu được cấu trúc của đề tài, nêu bật được những nội dung chính của khoá luận, nhấn mạnh được những nội dung cần thiết, những kết luận rút ra sau khi nghiên cứu đề tài cùng với các giải pháp, đề xuất, kiến nghị. Trước buổi bảo vệ, sinh viên nên trình bày thử để đảm bảo không vượt quá 10 phút.

6.2. Bảo vệ trước Hội đồng:

Sinh viên phải trình bày trước Hội đồng một cách rõ ràng, mạch lạc (tốt nhất không cầm giấy đọc) thể hiện mình nắm chắc vấn đề nghiên cứu, đảm bảo không vượt quá thời gian cho phép. Sau khi nghe trình bày, các thành viên Hội đồng sẽ đặt câu hỏi để kiểm tra kiến thức và cho điểm. Điểm đánh giá của các thành viên Hội đồng sẽ theo các tiêu chí: hình thức, cách đánh máy; ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài; phương pháp nghiên cứu; nội dung khoa học của khoá luận; việc trình bày trước Hội đồng; việc trả lời câu hỏi của sinh viên.

Một luận văn được đánh giá là tốt, không những phải có nội dung (có giá trị khoa học và thực tiễn) mà còn phải có bố cục hợp lý, cân đối, hình thức đẹp, trình bày và đánh máy đúng quy định cũng tức là thể hiện tác giả có biết cách nghiên cứu. Ngoài ra, đề tài mới mẻ, có tính thời sự, ít người nghiên cứu, người viết có những ý tưởng sáng tạo và độc lập … cũng được đánh giá cao.

Để viết tốt luận văn, người viết phải cần cù, chịu khó, say mê trong nghiên cứu khoa học, luôn luôn tìm tòi, sáng tạo, suy nghĩ về vấn đề nghiên cứu, cũng như người leo núi phải không sợ mỏi gối, chồn chân đi trên những con đường gập ghềnh của khoa học thì mới đạt tới “đỉnh cao xán lạn”.

4- Hướng dẫn của thầy Phạm Duy Nghĩa (ĐH Kinh tế TPHCM)- thầy tôi J

Gợi ý đề tài luận văn thạc sĩ luật học, luật kinh tế, MS 603850
Gợi ý cách viết đề cương
Một số điểm cần lưu ý trong khi viết luận văn thạc sĩ

1. Những kiểu đề tài nên tránh:

1.1. Đề tài quá xa công việc mình đang làm, đề tài không có hứng thú viết
1.2. Đề tài quá lớn
Hoàn thiện pháp luật hợp đồng
Hoàn thiện luật công ty
Luật cạnh tranh và kiểm soát độc quyền
Xây dựng luật an sinh xã hội
Xây dựng pháp luật cho thị trường chứng khoán, thị trường nhà đất..
1.3. Đề tài quá cũ, cách tiếp cận quá cũ
Địa vị pháp lý của Tổng công ty
Quản lí nội bộ CTCP
Hợp đồng mua bán hàng hóa theo LTM
Pháp luật về cổ phần hóa DNNN (viết chung chung)
1.4. Đề tài quá mới (vấn đề mới, cách tiếp cận quá mới, khó chấm..)
1.5. Đề tài có nguy cơ không hợp với mã số chuyên ngành
Quản lí nhà nước về doanh nghiệp (lạc đề với hành chính)
Xử lí phạt vi phạm luật lao động (lạc đề với hành chính)
Tự do kinh doanh (lạc đề với lí luận chung)
Văn hóa kinh doanh (lạc đề với lí luận chung)
Cơ cấu tổ chức UBCK etc (lạc với hành chính, hiến pháp)

2. Doanh nghiệp, Quản trị công ty:

2.1. Khu vực kinh tế truyền thống (classical firms)
Vai trò điều tiết của PL/can thiệp của nhà nước đối với khu vực kinh tế phi chính thức (kinh doanh mà không đăng kí, cá nhân/hộ kinh doanh nhỏ)
Liên kết gia đình, làng nghề truyền thống (khuyến khích làng nghề, bảo hộ lợi ích các nhà đầu tư)
Liên kết hợp tác xã: bản chất, quyền của xã viên, hạn chế của mô hình HTX
Chuyển ĐKKD từ tỉnh xuống quận, thành lập 2 Phòng ĐKKD ở TP HCM: Những vấn đề cần lưu ý trong hệ thống ĐKKD hiện nay: chia sẻ thông tin
ĐKKD ở những lĩnh vực đặc biệt: giáo dục, y tế, ngân hàng, bảo hiểm
2.2. Khu vực dân doanh trong nước
Tính chịu TNHH: sự du nhập, điều kiện thực thi, hạn chế
Chuyển nhượng vốn trong công ty TNHH: thực tế, rào cản, tranh chấp
Chuyển đổi từ DNTN sang công ty TNHH: thực tiễn, tranh chấp, xung đột lợi ích, cơ chế
Gia nhập thị trường sau khi đăng kí kinh doanh: nhận diện rào cản (con dấu, mã số thuế) => tiến tới xóa bỏ, hạn chế điều kiện, giấy phép kinh doanh bất hợp lí
CTCP: Quyền của cổ đông thiểu số
CTCP: Sự tách bạch giữa sở hữu và điều hành ở Việt Nam; nghĩa vụ của người điều hành (mẫn cán, trung thành)
CTCP: Vi phạm LDN và sự phá vỡ tính chịu trách nhiệm hữu hạn
CTCP: Tranh chấp giữa các cổ đông, tranh chấp giữa cổ đông và người quản lí công ty
CTCP: Điều kiện niêm yết, nghĩa vụ minh bạch khi niêm yết (công khai thông tin)
CTCP: Vốn rủi ro (venture capital) ở Việt Nam: nhận diện, thực tiễn
CTCP: Phát hành chứng khoán không niêm yết: nhu cầu quản lí, tranh chấp
CTCP: Mua bán chứng khoán trao tay, thị trường OTC
CTCP: Quy định mới của LDN (thống nhất) về thành lập, vốn, etc.
2.3. Quốc doanh
Chuyển từ TCT sang mô hình công ty mẹ-công ty con
Thành lập TCT kinh doanh, quản lí vốn nhà nước (kinh nghiệm TQ, Singapore và Việt Nam)
Giám sát người quản lí trong DNNN (điện kế điện tử, Bảo Minh, Seaprodex, Dệt Long An etc.)
Niêm yết và cổ phần hóa: vì sao phải CPH và niêm yết đồng thời
QSĐ trong cổ phần hóa: định giá đất, định giá thương hiệu
Chuyển đổi từ công ty nhà nước sang CTCP hay CTTNHH (một thành viên)
Can thiệp của chủ quản (cơ chế chủ quản), đại diện chủ sở hữu etc.
Tương quan giữa quyền tự chủ kinh doanh và định hướng chính sách trong DNNN: vai trò đặc biệt của doanh nghiệp công => nghiên cứu so sánh kinh nghiệm (Đài loan, Hàn Quốc và TQ)
Thiết chế công quản có chức năng kinh doanh: xã hội hóa, tự chủ hoạt động tài chính của báo chí, đài phát thanh
2.4. Đầu tư nước ngoài
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong HĐHTKD
Quản trị trong công ty liên doanh quốc tế (vai trò của HĐQT, quyền phủ quyết của bên VN, tranh chấp trong quản trị và cơ chế giải quyết xung đột lợi ích)
Sự cần thiết của giấy phép đầu tư (Dự luật đầu tư chung): Kinh nghiệm quốc tế đối với hạn chế/kiểm soát đầu tư nước ngoài
Xung đột lợi ích trong công ty liên doanh (chuyển giá, công ty ngoài khơi, tranh chấp định giá thương hiệu, ví dụ Daso, P/S)
Khuyến khích và bảo hộ đầu tư nước ngoài
Những vụ án liên quan đến ĐTNN: Thẩm định và cấp GPĐT theo LĐT mới 2005
2.5. Liên kết công ty
Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh, cở sở kinh doanh phụ thuộc
Thương hiệu tập thể, nhãn hiệu hàng hóa tập thể
Công khai tài chính của tập đoàn
Kinh nghiệm về tập đoàn, tài đoàn Hàn Quốc, Nhật bản
Liên kết kinh doanh Hoa Kiều, liên kết kinh doanh của người Việt
Các tập đoàn xuyên quốc gia TNC: nhận diện, đặc trưng, cách can thiệp

3. Hợp đồng, thương mại:

3.1. Phần chung về luật hợp đồng
Xác lập quan hệ hợp đồng, tự do ý chí, bày tỏ ý chí, nhầm lẫn, hợp đồng vô hiệu tương đối và tuyệt đối
Can thiệp điều chỉnh thông tin bất cân xứng
Can thiệp điều chỉnh rủi ro
Thực hiện hợp đồng (tự nguyện, can thiệp): so sánh với khu vực: WB, Removing Obstacles for Growth, 2005 (VN hạng bét, chỉ trên Indonexia)
Truyền thống hợp đồng ở VN, hợp đồng trong cổ luật
Nhu cầu thống nhất, hệ thống hóa pháp luật hợp đồng ở VN
3.2. Mua bán
Tìm hiểu so sánh Unidroit Principles 2004, CISG 1980 và LTM 2005
Tìm hiểu so sánh UCC, Article 2 (Sale) và LTM 2005
Mua bán ngoại thương: thực tiễn từ những bài học của thương nhân VN và kiến nghị thay đổi nhận thức, thay đổi luật
Thực tiễn áp dụng Incoterms 2000 vào Việt Nam: kinh nghiệm, bài học
Hợp đồng mua bán hàng hóa vô hiệu (bị tuyên khá nhiều do PL HĐKT 1999 => bài học rút ra cho thực thi LTM 2005)
Trách nhiệm của người sản xuất => bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng => gắn liền với nghĩa vụ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, thông tin cho khách hàng
Các trường hợp miễn trách nhiệm do bất khả kháng, do điều kiện thay đổi
Nghĩa vụ thanh toán, thanh toán bằng thư tín dụng: quyền và nghĩa vụ của người mua, ngân hàng mở LC và những người liên quan
Mua bán hàng hóa qua sở giao dịch hàng hóa
Nghiên cứu giải quyết nợ tồn động và chiếm dụng vốn, dây dưa không thực hiện hợp đồng: nguyên nhân, các cơ chế giải quyết
Nhượng quyền thương mại
Bán hàng đa cấp
3.3. Trung gian tiêu thụ
Đại lý mua bán hàng hóa: quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ đại lí, nhất là các đại lí phổ biến như hàng không, đại lí tiêu thụ, đại lí xăng dầu
Nghiên cứu địa vị pháp lí của người đại diện thương mại
Nghiên cứu quan hệ ủy thác: quyền và nghĩa vụ, rủi ro, thực tiễn ủy thác xuất khẩu, tranh chấp phổ biến
Môi giới: địa vị pháp lí, nhu cầu điều chỉnh người môi giới nhà đất, môi giới dịch vụ, nhất là dịch vụ hàng hải, hàng không
3.4. Thương mại dịch vụ
Nghiên cứu các dịch vụ phổ biến ở VN: dịch vụ viễn thông, dịch vụ giám định, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ ngân hàng: địa vị pháp lí của người cung cấp, điều kiện kinh doanh, môi trường kinh doanh, tranh chấp etc.
ü Mở cửa dịch vụ trong bối cảnh hội nhập KTQT: sức ép thay đổi pháp luật
3.5. Vận tải, hàng không
Đặc thù trong quan hệ hợp đồng trong dịch vụ vận tải hàng hải, hàng không: quan hệ hợp đồng, quan hệ đại lí, phân chia rủi ro trong vận tải

4. Tranh chấp hợp đồng:

4.1. Phi quan phương
Tranh chấp giữa các doanh nghiệp thuộc TCT => chủ quản
Tranh chấp trong liên doanh quốc tế => cơ quan nhà nước
Tranh chấp trong công ty mẹ con, trong công ty TNHH => thân hữu
Thương lượng, hòa giải ngoài tòa
4.2. Trọng tài
Quan hệ tòa án và trọng tài
Công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài
Các điều kiện để trọng tài hoạt động ở VN
4.3. Tòa kinh tế
So sánh tòa kinh tế VN và tòa thương mại ở các nước: nhu cầu hình thành tài phán riêng cho doanh nhân => thương nhân là hội thẩm
Xét xử án kinh tế tại tòa án cấp huyện
Xét xử án kinh tế tại tòa án cấp tỉnh
Các nguyên tắc tố tụng
Bình luận so sánh BLTTDS mới, phát hiện bất cập
Thẩm quyền ban hành án lệ: nghiên cứu tiên phong xây dựng lí lẽ cho việc công bố, tập hợp án lệ ở VN
4.4. Hành chính hóa
Thiết chế hành chính tham gia giải quyết tranh chấp kinh doanh
4.5. Hình sự hóa
Nguyên nhân, biểu hiện, cách hạn chế hình sự hóa án kinh tế
Vai trò của cảnh sát kinh tế trong giải quyết tranh chấp kinh doanh

5. Phá sản:

5.1. Cấu trúc tòa phá sản
Các thiết chế thực thi luật phá sản (tòa án, quản tài viên, thi hành án)
Nghiên cứu so sánh thẩm quyền thụ lí việc phá sản theo PL VN và nước ngoài
5.2. Triết lí
Bảo vệ quyền lợi của chủ nợ trong việc phá sản
Phá sản DNNN: đặc trưng, quy trình đặc biệt, thực tế áp dụng (Dệt Long An, Mía đường)
Phá sản ngân hàng: đặc trưng, quy trình đặc biệt, thực tế áp dụng
5.3. Phục hồi
Quyền và nghĩa vụ của chủ nợ và dn mắc nợ trong thủ tục phục hồi
Vai trò của tòa án và quản tài viên trong thủ tục phục hồi
5.4. Thanh lí tư pháp
Thủ tục thanh lí tư pháp theo Luật phá sản 2003

6. Ngân hàng:
6.1. Xử lí nợ xấu trong ngân hàng thương mại quốc doanh
6.2. Cổ phần hóa ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank)
6.3. Thôn tính ngân hàng trong nước bởi ngân hàng nước ngoài

7. Tài chính:
7.1. Thanh toán quốc tế: hàng đổi hàng, L/C
7.2. Bảo đảm vốn vay cho ngân hàng
7.3. Thuê mua tài chính
7.4. Vốn rủi ro (venture capital)
7.5. Thị trường chứng khoán

8. Đất đai:
8.1. Nhìn nhận Luật đất đai 2003 dưới khía cạnh quyền tài sản tư của người dân
8.2. Hiểu biết về hệ thống trước bạ và các loại sổ "đỏ, hồng, xanh": Mục đích của trước bạ, tìm hiểu nha điền địa Pháp thuộc, thực tiễn hiện nay
8.3. Thu hồi, giải tỏa mặt bằng: Xung đột lợi ích, tranh chấp, cách giải quyết
8.4. Góp QSD đất làm vốn trong liên doanh quốc tế
8.5. QSD đất trong cổ phần hóa, công ty hóa, tư nhân hóa
8.6. Chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất công nghiệp: quyền tiệm cận, quyền quyết định, xung đột lợi ích

9. Môi trường:
9.1. Môi trường là hàng hóa khan hiếm: các biện pháp kinh tế nhằm bảo vệ môi trường sống
9.2. Giải quyết tranh chấp, đền bù thiệt hại do ô nhiễm/suy thoái môi trường
9.3. Xã hội hóa bảo vệ môi trường: rác thải, công viên, rừng
9.4. Bảo vệ đa dạng sinh học, thủy sinh, gien, và các thành tố môi trường khác

10. Lao động:
10.1. Hiệu lực áp dụng thực tế của BLLĐ 2002
10.2. Hợp đồng lao động: vì sao trốn kí kết, thực tế hợp đồng vi phạm BLLĐ, hợp đồng vô hiệu, etc.
10.3. Vai trò của công đoàn trong đình công, tranh chấp tập thể
10.4. Tranh chấp lao động cá nhân
10.5. Quan hệ ba bên, quyền tự lập quy của giới chủ, giới thợ

11. An sinh xã hội:
11.1. Xây dựng luật bảo hiểm xã hội: Thực tế, khó khăn, giải pháp
11.2. Chế độ bảo hiểm ốm đau
11.3. Chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề
11.4. Chế độ hưu trí
11.5. Chế độ bảo hiểm thất nghiệp

  • 12. Kinh tế công chuyên ngành:
    12.1. Luật hàng không dân dụng: Can thiệp của nhà nước vào thị trường, điều kiện kinh doanh, an toàn, bảo vệ khách hàng etc.
    12.2. Luật điện lực
    12.3. Luật dầu khí
    12.4. Cung cấp nước sạch: sự can thiệp của nhà nước, điều kiện kinh doanh
    12.5. Luật bưu chính viễn thông
    12.6. Đấu thầu mua sắm công cộng
    12.7. Đấu thầu xây dựng cơ sở hạ tầng
    12.8. Quản lí các dự án ODA: quy trình, cơ quan quản lí, xung đột lợi ích


    Gợi ý cách viết đề cương:
    Tờ bìa:
    o Tên học viên, lớp, địa chỉ (điện thoại NR/CQ/DĐ; email càng tốt)
    o Tên đề tài, dự kiến người hướng dẫn,
    o Ngày tháng năm soạn đề cương
    Vì sao lựa chọn đề tài:
    o Sở thích, nghề nghiệp đang làm, kinh nghiệm và lời tư vấn
    o Ý nghĩa khoa học, thực tiễn, đóng góp gì cho cuộc sống, cho làm luật, cho khoa học pháp lí
    o Có khả thi, đủ sức, đủ thời gian, phạm vi vừa phải với luận án, hợp mã ngành nghiên cứu hay không?
    Tình hình nghiên cứu:
    o Đã có những sách, bài báo, đề tài nghiên cứu của những ai (kể tên ra, nguồn tìm ở đâu)?
    o Những người đi trước đã làm được những gì?
    o Những gì còn bỏ ngỏ, đáng được nghiên cứu tiếp.
    Mục đích nghiên cứu:
    o Giới hạn phạm vi nghiên cứu
    o Nêu các mục đích cụ thể của luận văn, đóng góp có thể có của luận văn
    Phương pháp:
    o Đọc tư liệu
    o Khảo sát thực tiễn (nên có ở tất cả các luận văn), phỏng vấn chuyên gia
    o So sánh kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm từ lịch sử
    o Phân tích, xây dựng mô hình
    Thời gian nghiên cứu:
    o Thường là 2-6 tháng, (nếu gia hạn cần liên hệ trước với cô Bùi Thanh Hằng)
    Bố cục bài luận:
    o Thói quen là 3 chương, song có thể 5-7 chương tùy theo tác giả, không nên chỉ viết 1 hoặc 2 chương
    o Cuối từng chương nên có kết luận, toàn bài có phần tóm tắt
    o Một luận văn không nên dưới 60 trang, không nên nhiều hơn 90 trang, nên dùng chữ to vừa phải (13,14), cách dòng 1,5, nếu quá dài nên làm phụ lục
    o Nên có mục lục chi tiết ở phần đầu luận văn, nên có danh mục các văn bản pháp luật đã trích dẫn, danh mục sách, bài báo và các tư liệu khác ở cuối luận án
    Tài liệu tham khảo để viết đề cương:
    o Nên liệt kê kiểu như sau, ví dụ: Phạm Công Trứ, [2005], 60 năm pháp luật lao động Việt Nam, Tạp chí NNPL, số 08, 2005, tr. 10-17.
    o Khi nháp nên để footnote, song sau khi hoàn thành nên đánh danh mục tư liệu và trích dẫn kiểu sau: [12, tr. 15]; nghĩa là tài liệu số 12, trang 15.

    Một số điểm cần lưu ý khi viết luận văn thạc sĩ:

    Nên đọc nhiều trước khi bắt tay vào viết; đừng học cách hành văn của người khác, cứ viết như mình nghĩ.
    Khi đọc nên có một cuốn sổ ghi nguồn tư liệu (sau này đỡ mất công tìm lại), nên có bút màu tô ra những chỗ cần lưu ý.
    Chỉ nên gặp thầy hướng dẫn ở cơ quan, nên đến vào đầu giờ sáng, khi đến nên gọi điện trước và nêu rõ câu hỏi trươc khi đến; tránh đến nhà thầy hướng dẫn vào buổi tối, tránh đến không gọi điện thoại trước. (Lưu ý: thầy hướng dẫn rất cần trong lúc làm đề cương chi tiết và đọc lại trước khi nộp quyển. Nên chọn thầy có thời gian, sát chuyên ngành, nên chọn thầy có uy tín khoa học, cẩn thận khi chọn quan chức-vì họ thường rất bận và khó gặp).
    Nếu không có vi tính thì nên viết bằng giấy trắng khổ A4, chỉ viết 1 mặt, để lề rộng (tiện sau này cắt dán, ghi chèn vào mặt sau). Nếu có vi tính thì mỗi chương làm riêng thành một file, xong được phần nào nên sao ra nhiều đĩa hoặc tải lên www.briefcase.yahoo.com để tránh bị mất.
    Nên tư duy độc lập, đừng quá nô lệ khi hành văn và dùng từ của người khác. Viết xong một vài trang nên đọc lại, chỗ nào thấy khúc khuỷu nên đọc to lên và chữa lại cho rõ ý. Văn pháp lí cốt rõ ý, tránh hiểu lầm, không cần bay buớm.
    Nên dùng văn hàn lâm: tránh dùng chữ tôi, chúng tôi, ta, chúng ta; tránh dùng chữ kết luận quá chắc chắn (có cái gì trong mắt nhà khoa học là chắc chắn đâu?), nên dùng những chữ như: có thể, thường dẫn đến, hầu như, thông thường, nhiều khả năng. Nếu không bao quát hết thì nên dùng những chữ: về, một số vấn đề, bước đầu cho thấy.
    Đừng đạo văn, lấy ý của ai thì trích rõ nguồn, lấy quy phạm ở đâu thì trích dẫn (khoản, điều, văn bản, ban hành ngày, ví dụ khoản 2, điều 4, Luật doanh nghiệp 1999); nên viết tắt những chữ thông dụng, ví dụ DNNN, CTCT, song tránh viết tắt tùy tiện, ví dụ TTGQPS, MHCTMCTC.. đọc rất nhức mắt.
    Khi viết, luôn nghĩ đến người đọc, họ không am hiểu chuyên sâu như bạn, bởi vậy nên dùng ngôn ngữ dễ hiểu, sáng ý, bỏ được chữ rườm rà, ví dụ như "đối tượng điều chỉnh của chế độ bảo hiểm thất nghiệp là các quan hệ xã hội phát sinh trong quan hệ thất nghiệp".
    Đừng ngại xuống dòng, đừng ngại lấy thông tin từ báo chí, bài luận văn sẽ đỡ khô khan và dễ đọc hơn là chi chít những con chữ. Nếu có thể nên kẻ bảng, kể ô so sánh đối chiếu.
    Nên viết vào lúc yên tĩnh (sáng sớm, đêm); viết xong xếp xó vài ba ngày hoặc một tuần rồi mới nên đọc lại, nhờ bạn bè đọc hộ trước khi nộp quyển cho thầy hướng dẫn./.

    MẪU ĐỀ CƯƠNG (ĐỂ THAM KHẢO):

    1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI
    Sư phát triển của toàn cầu hóa và hội nhập góp phần làm cho thương mại quốc tế ngày càng phát triển. Tự do hóa thương mại hiện đang là mục tiêu phát triển của thế giới với mục đích tối đa hóa lợi thế so sánh của các quốc gia, tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm bớt sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, tự do hóa thương mại là một vấn đề mang tính hai mặt. Trong quá trình hướng tới tự do hóa thương mại, nhiều thách thức và khó khăn đòi hỏi các quốc gia phải vượt qua. Đặc trưng cơ bản của kinh tế thế giới hiện nay là sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia và tự do hóa thương mại một cách tuyệt đối có thể đem lại lợi ích to lớn cho một số quốc gia nhưng lại đồng thời có thể gây thiệt hại cho nền sản xuất trong nước của các quốc qua khác. Hơn nữa, ngay cả đối với một quốc gia, tự do hóa thương mại quốc tế đôi khi mang lại lợi ích cho một ngành sản xuất này nhưng lại gây thiệt hại cho một ngành sản xuất khác. Vì nhiều lý do khác nhau, các quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại. Vì thế khía cạnh pháp lý của vấn đề hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế đang là một vấn đề được các quốc gia quan tâm, đặc biệt là Việt Nam, bởi chúng ta đang cố gắng tham gia vào quá trình toàn cầu hóa và hội nhập với mong muốn đưa nền kinh tế nước ta phát triển ngang với trình độ phát triển của các nước trên thế giới. Tác giả chọn đề tài nêu trên để nghiên cứu vì những lý do sau đây:

    1. Mong muốn được nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ những quy định của pháp luật quốc tế, đặc biệt là những điều ước quốc tế phổ biến liên quan đến vấn đề tự do hóa thương mại và hạn chế thương mại. Thương mại được nghiên cứu trong đề tài này sẽ là thương mại theo nghĩa rộng[1], bao gồm thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và hoạt động đầu tư. Nghiên cứu những biện pháp hạn chế thương mại đang được Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho là hợp pháp và được phép áp dụng sẽ giúp đề xuất ý kiến cho các nhà làm luật trong nước trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật nước ta. Hiện nay, Việt Nam đang xúc tiến việc tham gia vào tổ chức thương mại thế giới WTO, chúng ta phải cố gắng trước hết hoàn thiện các quy định pháp luật để tương thích với chuẩn mực pháp lý của các nước thành viên và của chính tổ chức này. Việc nghiên cứu đề tài này sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu trên.

    2. Hiên nay, việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại ở Việt Nam còn nặng về áp dụng các quy định cấm đoán và các biện pháp phi thuế quan-là những rào cản thương mại không khôn khéo, dễ bị phát hiện, đồng thời vi phạm các cam kết quốc tế về tự do hóa thương mại và bị các nước phản đối hoặc bị áp dụng các biện pháp trả đũa. Việc nghiên cứu vấn đề hạn chế thương mại một cách thấu đáo sẽ giúp việc lựa chọn sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại phù hợp với thông lệ quốc tế một cách đúng đắn và đem lại hiệu quả thiết thực.

    3. Thông qua việc nghiên cứu thực tiễn áp dụng những biện pháp hạn chế thương mại mà các nước khác đang sử dụng và so sánh với tình hình áp dụng các biện pháp này ở Việt Nam sẽ giúp đưa ra những nhận xét và đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong việc điều chỉnh lĩnh vực này để không những có thể áp dụng được các biện pháp hạn chế thương mại đối với hoạt động thương mại của các nước khác vào Việt Nam khi cần thiết mà còn bảo vệ được một cách hợp pháp quyền lợi của Việt Nam khi hoạt động thương mại ở các nước khác. Thực tiễn hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối đầu với việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại của các nước trong giao lưu thương mại. Nghiên cứu về vấn đề này sẽ giúp tìm ra giải pháp bảo vệ quyền tự do thương mại, và quyền cạnh tranh lành mạnh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

    MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU
    Đề tài sẽ tập trung nghiên cứu các vấn đề pháp lý cũng như cơ sơ sở lý luận của vấn đề hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế của pháp luật quốc tế, pháp luật một số quốc gia điển hình và pháp luật của Việt Nam. Trong nội dung trình bày, tác giả sẽ đưa ra những nhận xét, đánh giá thực tiễn cũng như đánh giá xu hướng của việc áp dụng các biên pháp hạn chế thương mại quốc tế của các nước trên thế giới và các tổ chức thương mại khu vực và toàn cầu. Qua đó nêu lên những kiến nghị có thể áp dụng cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật đối với lĩnh vực này đồng thời xây dựng cơ chế cho việc áp dụng chúng một cách phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế. Đề tài sẽ KHÔNG nghiên cứu vấn đề hạn chế thương mại trong nước với tư cách là một bộ phận của pháp luật nội địa điều chỉnh hành vi cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

    TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU VỀ VẤN ĐỀ NÀY Ở VIỆT NAM VÀ Ý NGHĨA LÝ LUẬN CỦA ĐỀ TÀI

    Hiện nay ở nước ta, ngoài một số bài báo đề cập hoặc nghiên cứu một số khía cạnh của vấn đề hạn chế thương mại, chưa có một công trình nào nghiên cứu một cách sâu sắc, hệ thống và đầy đủ về vấn đề : Khía cạnh pháp lý của vấn đề hạn chế thương mại trong thương mại quốc tếvới nội dung gồm hai phần chính là nghiên cứu pháp luật quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề hạn chế thương mại. Ngoài ra, các sách báo viết về thương mại quốc tế hầu hết đều là của các tác giả nước ngoài. Rất nhiều trong số này được viết bằng tiếng nước ngoài và chưa được dịch ra tiếng Việt. Trong xu thế hội nhập hiện nay, việc nghiên cứu một cách có hệ thống về vấn đề này mang ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đề tài mang ý nghĩa lý luận cho việc xây dựng những quy phạm pháp luật đầy đủ, phù hợp với luật pháp quốc tế và là cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại khi cần thiết ở Việt Nam. Những kiến nghị của đề tài hy vọng sẽ đem lại những kết quả thiết thực cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật của Việt Nam nhằm mục đích vừa thực hiện đúng các cam kết quốc tế vừa bảo hộ được các ngành sản xuất của Việt Nam chống lại việc cạnh tranh không lành mạnh của các nhà nhập khẩu hoặc đầu tư nước ngoài. Tác giả hy vọng rằng với sự đầu tư thích đáng, kết quả nghiên cứu sẽ là một tài liệu tham khảo có giá trị.

    PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
    Tác giả sẽ sử dụng phương pháp phân tích, so sánh các quy định pháp luật quốc tế và luật pháp của một số quốc gia điển hình, thu thập kinh nghiệm thực tiễn của một số quốc gia trong việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế, từ đó rút ra những ưu điểm trong quy định của pháp luật quốc tế và luật pháp của một số nước điển hình trên thế giới về vấn đề hạn chế thương mại; xem xét tính phù hợp với điều kiện của Việt Nam để hướng tới việc hoàn thiện các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong quan hệ thương mại quốc tế nhằm kết hợp hài hòa lợi ích của tự do hóa thương mại và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

    DỰ KIẾN KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

    + Bước 1: Nghiên cứu quy định pháp luật quốc tế điều chỉnh vấn đề hạn chế thương mại. Nghiên cứu các biện pháp hạn chế thương mai đang được các nước áp dụng, tính hợp pháp và cơ sở lý luận của việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế.
    + Bước 2: Nghiên cứu luật pháp và thực tiễn áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại của một số quốc gia điển hình.
    + Bước 3: Rút ra những ưu điểm của của pháp luật và thực tiễn áp dụng luật pháp quốc tế và luật pháp của một số nước điển hình phù hợp với tình hình thực tiễn của Việt Nam.
    + Bước 4: Đề xuất hoàn thiện các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam để hài hòa mục đích thực hiện các cam kết quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất và thương mại trong nước.

    ĐỀ CƯƠNG DỰ KIẾN

    Tên đề tài dự kiến:

    KHÍA CẠNH PHÁP LÝ CỦA VẤN ĐỀ HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
    Phần mở đầu

    Chương I: XU HƯỚNG TỰ DO HÓA THƯƠNG MẠI VÀ VẤN ĐỀ HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI
    1. Những vấn đề lý luận chung về thương mại quốc tế
    2. Xu hướng tự do hóa thương mại trong thương mại quốc tế
    3. Vấn đề hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế
    3.1 Khái niệm hạn chế thương mại
    3.2 Cơ sở lý luận của vấn đề hạn chế thương mại.
    4. Khái quát về các biện pháp hạn chế thương mại và ảnh hưởng của chúng đối với sự phát triển của các nền kinh tế.

    Chương II: NHỮNG BIỆN PHÁP HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI VÀ VIỆC ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP NÀY TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
    Các biện pháp hạn chế thương mại được phép sử dụng theo quy định của các tổ chức thương mại quốc tế và khu vực;
    Việc sử dụng các biện pháp hạn chế thương mại của một số quốc gia điển hình trên thế giới và bài học cho Việt Nam
    Luật pháp điều chỉnh vấn đề hạn chế thương mại của Việt Nam và thực tiễn áp dụng

    Chương III: XU HƯỚNG THAY ĐỔI CỦA CHÍNH SÁCH HẠN CHẾ THƯƠNG MẠI VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP NHẰM DUNG HÒA VỚI XU THẾ THƯƠNG MẠI TỰ DO.

    Những xung đột bắt nguồn từ xu thế tự do hóa thương mại và việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong nền kinh tế toàn cầu hóa.
    Xu thế phát triển của việc áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại trong thương mại quốc tế
    Những giải pháp nhằm cân bằng lợi ích của toàn cầu hóa trong thương mại quốc tế và sự bảo hộ hợp lý của Việt Nam trong việc phát triển nền kinh tế của mình.

    7. Tài liệu tham khảo
    Điều ước quốc tế
    - Hiệp định thành lập WTO
    - Hiệp định chung về thương mại và thuế quan GATT
    - Hiến chương của Tổ chức thương mại Quốc tế ITO-International Trade Organization
    - Hiệp định chống bán phá giá;
    - Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp bù đắp

    Văn bản pháp luật trong nước
    - Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn
    - Luật Thuế Xuất Nhập Khẩu và các văn bản hướng dẫn
    - Luật Thương Mại và các văn bản hướng dẫn
    - Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn
    - Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa ngày 24/12/1999.
    - Pháp lệnh đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế ngày 25/5/2002.
    - Pháp lệnh tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam ngày 25/5/2002 và văn bản hướng dẫn.
    - Pháp lệnh chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam ngày 29/4/2004.
    - Pháp lệnh chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu vào Việt Nam ngày 20/8/2004.

    Sách báo, tạp chí
    - TS Trần Du Lịch chủ biên, Hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, NXB Chính trị Quốc gia, Hà nội, 2002.
    - PGS. TS Nguyễn Thị Mơ chủ biên, Hoàn thiện pháp luật về thương mại và hàng hải trong điều kiện hội nhập kinh tế, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2002.
    - TSKH Võ Đại Lượng chủ biên, Bối cảnh quốc tế và những xu hướng điều chỉnh chính sách kinh tế của một số nước lớn, Trung tâm Khoa học và nhân văn quốc gia, Viện Kinh tế thế giới, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 2003.
    - PGS.TS Bùi Xuân Lưu chủ biên, Bảo hộ hợp lý nông nghiệp Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Thống kê, Hà Nội 2004.
    - Lương Văn Tự chủ biên, Kiến thức cơ bản về hội nhập kinh tế quốc tế, Hà Nội 2004.
    - Nguyễn Thị Hồng Nhung, Tự do hóa thương mại ở ASEAN, Trung tâm Khoa học và nhân văn quốc gia, Viện Kinh tế thế giới.
    - Trung tâm hội chợ, triển lãm Việt Nam, Việt Nam với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, NXB Thống kê.
    - Bộ Văn hóa Thông tin, Bộ Thương mại, Thương mại đầu tư Việt Nam- hội nhập và phát triển.
    - Walter Goode (1997), Từ điển chính sách thương mại quốc tế, Nhà xuất bản thống kê, Hà Nội;
    - John H Jackson (2001) Hệ thống thương mại Thế giới, NXB Thanh Niên, Hà Nội,
    - Robert Gilpin (2002), The Challenge of Global Capitalism- the World Economy in the 21st Century, Princeton University Express, Princeton and Oxford,
    - Gary P Sampson (ed.) (2001), The Role of the WTO in Global Governance, United Nations University Press.
    - Ray August, International Business Law: text, cases, and reading (Third Edition) Prentice Hall, Upper Saddle River, New Jessey 07458
    - International Trade Center and Commonwealth Secretariat, (1999), Business Guide to the World Trading System (Second edition)
    - Theodore H. Cohn, (2000) Global Political Economy- Theory and Practice, Longman
    - Michael Pryles, Jeff Waincymer and Martin Davies, (1996), International Trade Law: Commentary and Materials, LBC Information Services.

    [1] Theo Uy ban Luật Thương mại quốc tế của Liên Hiệp Quốc: “ Thương mại cần được diễn giải theo nghĩa rộng để bao quát các vấn đề nảy sinh từ mọi mối quan hệ mang tính chất thương mại , dù có hay không có hợp đồng. Các mối quan hệ thương mại này bao gồm, nhưng không giới hạn các giao dịch sau đây: bất cứ giao dịch thương mại nào về cung cấp hoặc trao đổi hàng hóa hoặc dịch vụ; thỏa thuận phân phối, đại diện hoặc đại lý thương mại, ủy thác hoa hồng; cho thê dài hạn, xây dựng công trình, tư vấn kỹ thuật, đầu tư, cấp vốn, ngân hàng, bảo hiểm, thỏa thuận khai thác hoặc nhượng quyền thương mại, liên doanh và các hình thứv khai thác, hợp tác công nghiệp hoặc hợp tác klinh doanh, chuyên chở hàng hóa hay hành khách bằng đường biển, hàng không, đường sắt hoặc đường bộ”

------------------------------

P/S: Xin chúc tất cả các bạn làm khóa luận thì có một khóa luận chất lượng và bảo vệ thành công, các bạn thi Tn thì thi đạt điểm thật cao.

BCT.