12/3/10

Sơ lược về công ty cổ phần ở Nhật Bản

Luật công ty của Nhật Bản là sự kết hợp đặc biệt giữa truyền thống luật dân sự của Đức (có một vài yếu tố của Pháp) với luật công ty của Mỹ và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội, văn hóa Nhật Bản .Nền tảng pháp lý cho các loại hình công ty ở Nhật Bản là Bộ luật dân sự và luật thương mại có từ khá lâu đời và sau đó được sửa đổi bổ sung khá nhiều lần.

Với việc ban hành Luật Công ty mới trong tháng 6 năm 2005 ( Japanese Company Act 2006-JCA 2006) là đỉnh cao của những nỗ lực gần đây của Nhật Bản để tái cấu trúc lại và làm mới khuôn khổ hệ thống pháp luật công ty của mình. Mục tiêu sâu xa của lần cải cách pháp luật này là để làm cho nó phù hợp hơn với môi trường kinh doanh hiện đại, không chỉ bằng việc giới thiệu những nguyên tắc mới làm tăng tính tự chủ trong quản trị doanh nghiệp mà còn bãi bỏ một số các quy định cũ cho phù hợp hơn.Đồng thời cũng giới thiệu các quy định, các yêu cầu khắt khe hơn trong các lĩnh vực cụ thể của quản trị doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật. Luật sửa đổi tạo điều kiện doanh nghiệp thành lập, hoạt động, tổ chức lại và phục hồi, nhằm một thổi một luồng sinh khí mới vào môi trường kinh doanh ở Nhật Bản.Bài viết này giới thiệu sơ lược về công ty cổ phần tại Nhật Bản theo luật công ty Nhật Bản 2006, kết hợp so sánh CTCP theo quy định của Luật thương mại.

Theo luật công ty Nhật Bản thì hiện nay, có các loại hình công ty sau: Công ty cổ phần (Kabushiki-Kaisha- Stock Company), Công ty hợp danh (Gomei-Kaisha- General Partnership Company), công ty hợp danh hữu hạn(Goushi-Kaisha- Limited Partnership Company) và công ty trách nhiệm hữu hạn(Goudou-Kaisha- Limited Liability Company) (§2.i.JCA 2006).Trong khuôn khổ bài tiểu luận này, sẽ điểm qua những đặc điểm chính đối với loại hình công ty cổ phần ở Nhật Bản và so sánh những điểm mới của JCA 2006 với các quy định pháp luật khác liên quan đến loại hình tổ chức kinh doanh này.

Kabushiki Kaisha là loại hình công ty gần như tương đương với loại hình công ty cổ phần của Hoa Kỳ.Đây là loại hình công ty được các nhà đầu tư nước ngoài khá ưa chuộng khi đầu tư kinh doanh ở Nhật Bản.

1- Thành lập:

Theo quy định của JCA 2006, để thành lập công ty Kabushiki Kaisha yêu cầu ít nhất phải có 7 thành viên sáng lập. Điều lệ thành lập công ty ít nhất phải bao gồm các điểm sau đây (§27.JCA 2006):

1- Các mục tiêu của công ty;

2- Tên thương mại;

3- Địa chỉ của trụ sở chính.

4- Giá trị tài sản được các sáng lập viên góp vào thành lập hoặc giới hạn thấp nhất của khoản đó;

5- Tên và địa chỉ của các sáng lập viên.

Ngoài ra, để thành lập công ty họ cũng phải tiến hành thủ tục Công bố trên các công báo chính thức hay trên các báo hàng ngày về việc thành lập công ty.

Để hoàn thành tất cả các thủ tục thành lập, công ty phải phát hành và huy động được số vốn góp ngay, ít nhất bằng 25% tổng số vốn đăng ký.

Nếu như trước đây, số vốn góp ban đầu tối thiểu của công ty là 10 triệu Yên (JPY), thì nay số tiền này được quy định rất tượng trưng chỉ cần 1 Yên trở lên .Điều này cho thấy, Nhật Bản cũng theo xu hướng hiện nay trên thế giới đều tạo điều kiện dễ dàng cho việc thành lập công ty với việc yêu cầu vốn tối thiểu khi thành lập thấp hơn trước ( tương tự Đức và một số nước khác- Xem thêm: PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Sự thay đổi trong luật công ty Đức và so sánh với pháp luật công ty Việt Nam, tạp chí nghiên cứu Lập Pháp số 75, tháng 6/2005).

Sau khi phát hành cổ phiếu, tất cả các thành viên sáng lập phải tiến hành Đại hội cổ đông để tiến hành thành lập công ty gồm tất cả những người tham gia vào công ty để bầu ra ít nhất là 1 giám đốc hoặc ít nhất 03 giám đốc nếu trường hợp hội đồng giám đốc không được thành lập trong trường hợp và ít nhất là một kiểm soát viên theo luật định. Các giám đốc sẽ lại bầu trong số các thành viên của ban giám đốc một giám đốc đại diện của công ty.

Điều lệ của công ty nói chung bao gồm tất cả những vấn đề quan trọng điều chỉnh mối quan hệ giữa công ty với các cổ đông và những vấn đề liên quan đến các giám đốc công ty cũng như các kiểm soát viên. Điều lệ công ty còn quy định cả thời gian tài khóa.

Việc thành lập công ty cổ phần phải được đăng kí tại văn phòng phụ trách các vấn đề pháp lý thuộc Bộ tư pháp tại địa phương trong vòng hai tuần sau khi tổ chức Đại hội đồng cổ đông để thành lập công ty. Việc đăng kí bao gồm những thông tin về các nội dung trên đồng thời bổ sung thêm những nội dung sau:

1- Tổng số cổ phần đã phát hành theo từng loại;

2- Số vốn đã huy động (đã góp);

3- Tên của các giám đốc và kiểm soát viên theo luật định;

4- Tên và địa chỉ của người giám đốc đại diện cho công ty. Thông thường ngày đăng kí chính thức được coi là ngày thành lập công ty.

Trong việc ban hành luật công ty mới JCA 2006, một trong những điểm được đánh giá cao nhất của các luật gia, cũng như giới kinh doanh Nhật Bản chính là việc đơn giản hóa các thủ tục để thành lập công ty ở Nhật bản, trong đó có thủ tục thành lập các Kabushiki Kaisha.Những ưu điểm nổi trội của luật mới trong thủ tục thành lập công ty theo JCA 2006 sẽ cho phép công ty cổ phần được thiết lập với chi phí ít hơn và tốn ít thời gian hơn so với hiện nay, nhờ vào việc bãi bỏ các yêu cầu vốn tối thiểu và đơn giản hóa của các thủ tục. Người ta hy vọng rằng điều này sẽ thúc đẩy tinh thần kinh doanh. Các điểm chính bao gồm:

(1) Hạn chế yêu cầu về số vốn tối thiểu

Theo những quy định hiện tại, công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn phải có quỹ vốn tối thiểu tương ứng là 10 triệu yên và 3 triệu yên. Dưới hiệu lực của luật mới, các công ty này có thể bắt đầu với số vốn của thậm chí chỉ cần 1 yên. Tuy nhiên,những công ty có tài sản ròng ít hơn 3 triệu yên, có thể không trả tiền cổ tức từ thặng dư vốn của mình.

(2) Việc nới lỏng các quy định về góp vốn bằng hiện vật

Theo những quy định hiện hành của luật thương mại, góp vốn bằng hiện vật ( việc góp vốn thực hiện bằng chứng khoán, bất động sản, động sản hoặc tài sản khác phải được kiểm tra, thẩm tra bởi một cơ quan thanh tra được tòa án chỉ định, trừ khi góp vốn ít hơn một phần năm số vốn ban đầu và không vượt quá năm triệu yên. Tuy vậy, theo Luật Công ty mới, quy định này chỉ được áp dụng với trường hợp sau.

(3) Đơn giản hóa thủ tục thành lập

Pháp luật hiện hành yêu cầu phải có giấy chứng nhận bảo lãnh việc góp vốn bởi một ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính để chứng minh rằng các tài sản được đem ra góp vốn tại thời điểm thành lập công ty. Các yêu cầu này đã được nới lỏng theo luật mới. Trong trường hợp thành lập công ty mà không có bất kỳ cổ phần từ bên ngoài người ta có thể cung cấp bất kỳ một bằng chứng hợp lý nào ví dụ như giấy chứng nhận số dư tiền gửi. Các ngân hàng cần phải thận trọng trong việc phát hành giấy chứng nhận bảo lãnh vốn của ngân hàng và các cuộc điều tra cũng được tiến hành cho mục đích này tốn khá nhiều thời gian (trái ngược với cấp giấy chứng nhận số dư tiền gửi, mà được tiến hành như thường lệ và nhanh chóng). Yêu cầu của việc nới lỏng hứa hẹn sẽ rút ngắn khoảng thời gian cần thiết cho việc thành lập một công ty mới.

Bảng so sánh một số sự khác nhau giữa KK theo luật cũ và KK theo luật mới:

KK theo luật cũ

KK theo luật mới

Vốn ban đầu

10 triệu Yên trở lên

1 Yên trở lên

Kiểm tra tên giống hay trùng nhau.

Cần phải được kiểm tra trước khi đặt tên công ty .

Không còn cần thiết.Nó cũng dễ dàng mô tả các lĩnh vực kinh doanh.

Giới hạn của việc chuyển giao cổ phần.

Giới hạn của việc chuyển đổi cổ phần chỉ có thể xảy ra trong trường hợp chỉ có 1 YK

Giới hạn của việc chuyển đổi cổ phần chỉ có thể xảy ra trong trường hợp được thành lập như là một LST – KK(*1)

Hội đồng giám đốc

Bắt buộc thiết lập

Tùy chọn để thiết lập, có thể không thiết lập trong trường hợp của một LST-KK

Số lượng giám đốc

3 trở lên

1 hoặc cao hơn trong trường hợp ban giám đốc không được thiết lập.

Kiểm toán viên theo luật định

1 phải được phân công

Tùy chọn việc thiết lập, có thể không thiết lập trong trường hợp của một LST-KK.

Giới hạn của nhiệm kỳ

2 năm cho hội đồng giám đốc, 4 năm cho kiểm toán viên

Không có một giới hạn nào cho cả ban giám đốc lẫn kiểm toán viên.

Việc công bố công khai tài khoản

Cần thiết

Cần thiết (*2)

Trách nhiệm pháp lý của Ban giám đốc với công ty

Chịu trách nhiệm thậm chí không có lỗi.

Chỉ chịu trách nhiệm trong trường hợp cẩu thả, sơ suất

Chứng nhận cổ phần

Về nguyên tắc là vấn đề bắt buộc.

Về nguyên tắc không phải là vấn đề bắt buộc.

(*1) LST – KK là một loại KK kiểu mới mà nó có thể được miễn một số nghĩa vụ và điều kiện đã đề cập ở trên. Mục đích của việc này là để được bù đắp các lợi ích của YK cũ. Chính những lợi ích này đã bị mất đi khi bộ luật mới được áp dụng.

(*2) Tuy nhiên, những YK này vẫn nằm dưới sự điều chỉnh của bộ luật mới (mà được gọi là Tokurei Yugen-Gaisya) không cần phải phát hành công khai các thông báo báo cáo tài chính. Đây là một lợi ích độc đáo của YK rằng ngay cả LST-KK không bao giờ có.

2- Quản trị công ty:

Trong giai đoạn khoảng mươi năm trở lại đây, đang diễn ra những biến đổi to lớn trong các quy định về pháp luật của công ty ở Nhật Bản. Nhưng có một điều khá ngạc nhiên, là các quy định về quản trị công ty lại hầu như không thay đổi là mấy, Curtis J. Milhaupt đã nhận xét “luật chơi đã thay đổi, nhưng cuộc chơi có thay đổi theo hay không thì câu hỏi vẫn bỏ ngỏ”. Giải thích cho hiện tượng này, có lẽ hay nhất là dẫn lời của ThS Nguyễn Đức Lam :” Theo Mihaupt, những luật chơi đã thay đổi chỉ tăng quyền lực của giới quản lý công ty, nhưng không đảm bảo chắc chắn quyền lợi của cổ đông. Các cổ đông có thể hưởng lợi, nhưng có thể không được gì từ những thay đổi của luật, vì điều này phụ thuộc vào “lòng tốt” của giới quản lý có bảo vệ cổ đông hay là chỉ lo đến quyền lợi của mình[119]. Hơn nữa, các nhóm lợi ích kinh doanh hùng mạnh đã được lợi từ cấu trúc quản trị truyền thống thậm chí chấp nhận giảm hiệu quả kinh tế tổng thể để duy trì vị thế của mình[120]. Các nhóm lợi ích này đại diện cho quyền lợi của giới quản lý công ty “ngày càng có tiếng nói nhiều hơn” trong quá trình ban hành các quy định về công ty[121]. Chính vì vậy, đề xuất của Bộ Tư pháp về việc bắt buộc tất cả các công ty phải thay đổi mô hình quản trị đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp. Kết quả là, do sự vận động hành lang của họ đã ra đời phương án thỏa hiệp. Theo đó, lần sửa đổi năm 2002 của Quyển II, Bộ luật thương mại Nhật Bản cho phép hơn 3500 công ty lớn của Nhật Bản từ tháng 4/2003 được lựa chọn mô hình quản trị công ty: hoặc vẫn giữ nguyên mô hình khép kín truyền thống, hoặc chuyển đổi sang mô hình Mỹ hướng đến lợi ích cổ đông nhiều hơn[122]. Tuy nhiên, sau một năm, thậm chí theo phương án được lựa chọn, chỉ có 75 trong số 3500 công ty chuyển sang mô hình Mỹ, vì ít có vị giám đốc Nhật nào muốn trao những quyền hành quan trọng như đề cử thành viên hội đồng quản trị cho người ngoài theo cách làm của người Mỹ.”

a- Đại hội đồng cổ đông

Các Đại hội đồng cổ đông của công ty bao gồm các kỳ họp thường lệ và các kỳ họp đặc biệt. Kỳ họp thường lệ phải tổ chức mỗi năm một lần trong phạm vi ba tháng kể từ ngày kết thúc năm (nếu thời gian tài khóa là 6 tháng thì là ngày cuối cùng của mỗi tài khóa). Kỳ họp đặc biệt có thể được triệu tập vào bất kỳ thời điểm nào, nếu thấy cần thiết. Trừ trường hợp điều lệ công ty hay Luật thương mại có quy định khác, cả hai loại hội nghị trên đây đều do giám đốc đại diện cho công ty triệu tập, căn cứ vào nghị quyết của Ban giám đốc.

Luật thương mại trước đây cũng như luật công ty hiện nay đòi hỏi những vấn đề sau phải được thông qua bằng một nghị quyết đặc biệt: việc chuyển nhượng toàn bộ hay một phần lớn cơ sở kinh doanh, mua toàn bộ cơ sở kinh doanh của một công ty khác; sửa đổi điều lệ công ty; giảm bớt vốn công ty và những biện pháp thực hiên, phát hành các cổ phiếu mới hoặc các trái khoản chuyển đổi được với các điều kiện thuận lợi cho bên thứ ba; thải hồi một giám đốc hoặc một kiểm chứng viên khỏi công ty; phê chuẩn hợp đồng sáp nhập và giải thể công ty… Mọi vấn đề khác có thể được thông qua bằng một nghị quyết bình thường của cổ đông với điều kiện: đại đa số các cổ phiếu đã phát hành đều có đại diện và có sự phê chuẩn của quá bán (50%) số phiếu bầu. Các cổ đông không dự đại hội cổ đông có thể thực hiện các quyền bỏ phiếu hoặc bằng giấy ủy nhiệm bầu thay hoặc bằng mẫu in sẵn theo quy định của công ty.

b- Giám đốc và ban giám đốc

Giám đốc chịu trách nhiệm về quản lý và điều hành kinh doanh của một Kabushiki Kaisha. Trong Ban giám đốc, ít nhất phải có một giám đốc đại diện của công ty do các thành viên trong ban giám đốc bầu ra. Thông thường Ban giám đốc đưa ra quyết định về các vấn đề quan trọng và sẽ giám sát các giám đốc phụ trách từng phân ban hay từng bộ phận cụ thể theo đúng với điều lệ công ty cũng như các quy chế nội bộ khác. Các giám đốc phải báo cáo lên Hội đồng giám đốc ít nhất là ba tháng một lần về tình hình công việc kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm của họ. Các giám đốc còn phải soạn thảo và đệ trình các báo cáo tài chính cuối mỗi tài khóa lên Hội đồng giám đốc để phê chuẩn. Các văn kiện này sẽ được đệ trình lên người kiểm soát viên để kiểm tra và có ý kiến. Sau khi đã hoàn thành những thủ tục trên, các báo cáo về tài chính này (trừ báo cáo tài kinh doanh) sẽ trình bày lên kỳ họp thường lệ, của Đại hội đồng cổ đông để phê chuẩn.

Trong trường hợp Kabushiki Kaisha là một công ty lớn, các báo cáo tài chính nói trên còn phải được trình lên một kiểm chứng viên độc lập để kiểm tra (đối chiếu). Nếu người kiểm chứng viên độc lập tuyên bố rằng bảng tổng kết tài sản và bảng giải trình tình hình thu nhập phản ánh trung thực tình trạng tài chính, các kết quả hoạt động theo đúng với luật pháp và điều lệ công ty và người kiểm chứng viên theo luật định tuyên bố rằng các kết quả kiểm chứng sổ sách do kiểm chứng viên độc lập thực hiện là xác định, khi có bảng tổng kết tài sản và giải trình thu nhập không cần phải qua phê chuẩn tại Đại hội đồng cổ đông nữa mà chỉ cần báo cáo nội dung của nó là đủ. Tuy nhiên, dù Kabushiki Kaisha là công ty lớn, việc phân bổ mức thu nhập được giữ lại hay giải quyết mức thâm hụt dồn tích lại luôn luôn phải có sự phê chuẩn của Hội nghị cổ đông

c- Mối quan hệ giữa cổ đông và ban giám đốc

Mọi công việc điều hành của một Kabushiki Kaisha nằm dưới sự kiểm soát của Đại hội đồng cổ đông, Ban giám đốc và các kiểm soát viên theo luật định. Luật thương mại không quy định vị trí cho các nhà lãnh đạo của công ty. Các vị chủ tịch, phó chủ tịch, tổng giám đốc, các giám đốc điều hành… được bổ nhiệm hoàn toàn chỉ phục vụ mục đích kinh doanh mà thôi.

Luật thương mại và luật công ty mới đòi hỏi một Kabushiki Kaisha phải có ít nhất ba giám đốc và một kiểm soát viên độc lập theo luật. Những người này được bầu ra qua Đại hội cổ đông. Các giám đốc và kiểm soát viên độc lâp không nhất thiết phải là cổ đông của công ty. Nhiệm kỳ đầu tiên của các giám đốc và kiểm soát viên độc lập là hai năm, nhưng có thể ngắn hơn nếu họ không được tín nhiệm. Ngược lại, nếu được tín nhiệm, họ có thể lại được bầu ở những nhiệm kỳ tiếp theo.

d- Kiểm soát viên theo luật định:

Một Kabushiki Kaisha lớn phải có ít nhất là hai người kiểm soát viên được bổ nhiệm theo yêu cầu luật định, trong đó một người làm việc liên tục. Người kiểm soát viên này có quyền yêu cầu các giám đốc hoặc nhân viên trong công ty báo cáo về các hoạt động của công ty vào bất kỳ lúc nào, đồng thời có quyền kiểm tra các điều kiện về hoạt động và về tài chính của công ty.

Người kiểm soát viên này sẽ phải báo cáo lên Ban giám đốc bất kỳ vấn đề nào vượt ra ngoài các mục tiêu của công ty. Người kiểm soát viên của công ty mẹ có thể yêu cầu các bản báo cáo về tình hình kinh doanh của công ty con nếu của một công ty con. Khi cần có thể yêu cầu triệu tập một cuộc họp của Ban giám đốc nếu thông báo triệu tập không được gửi đi trong vòng 5 ngày. Kiểm soát viên cũng có thể yêu cầu báo cáo về tình hình kiểm tra sổ sách của người kiểm toán viên độc lập. Trong những trường hợp cụ thể anh ta có thể tham dự Đại hội đồng cổ đông và phát biểu ý kiến. Đối với các công ty lớn, người soát chứng viên theo luật định naỳ có thể dựa vào kết quả kiểm tra sổ sách do người kiểm toán viên độc lập thực hiện, và vì vậy mà phạm vi kiểm tra sổ sách của riêng anh ta và các vấn đề về hạch toán nói chung được giảm bớt đáng kể. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của người kiểm soát viên theo luật định này tập trung chủ yếu và những vấn đề pháp lý. Ngoài ra, anh ta còn có thể đưa ra những kết luận và tường trình về những vấn đề mang tính quy tắc hay về sự đúng đắn của các vấn đề khác ngoài vấn đề hạch toán, như các vấn đề liên quan đến hoạt động của các giám đốc, các báo cáo kinh doanh và các hoạt động khác.

Những điểm mới về quản trị công ty ở Nhật Bản theo JCA 2006:

(1) Tự do lựa chọn mô hình quản trị cho công ty:

Các quy định của pháp luật trước đây mà chủ yếu là luật thương mại đã quy định khuôn khổ quản trị công ty phụ thuộc vào quy mô vốn, chế độ pháp lý với những quy định riêng cho mỗi loại công ty như công ty TNHH , công ty cổ phần, nhưng hiện nay chúng đã được kết hợp làm một.Điều này làm giảm chi phí tối thiểu trong việc thành lập công ty.

(2) Tổ chức hệ thống tư vấn viên kế toán:

Một trong những thay đổi để cung cấp tính linh hoạt hơn trong quản trị đã được giới thiệu là hệ thống tư vấn viên kế toán. Một cố vấn kế toán là một viên chức của công ty sẽ giúp chuẩn bị các báo cáo kế toán của công ty. Người này phải là là một kế toán doanh nghiệp hoặc một kế toán thuế được chứng nhận. Hệ thống này đã được giới thiệu để thúc đẩy tính chính xác trong các bản báo cáo về kế toán, đặc biệt cho các công ty nhỏ .Hệ thống này cần có cho các công ty cổ phần, nhưng nó không phải là bắt buộc. Trong một khía cạnh khác các quy định trong luật mới, uy tín của công ty là một cái gì đó được thiết lập bởi chính nó và cho mỗi công ty để chứ không phải là cái gì để được đảm bảo bằng pháp luật.

(3) Hội đồng giám đốc quyết định bởi việc bỏ phiếu bằng văn bản:

Thay đổi khác là để cho phép một ban giám đốc chấp thuận nghị quyết dạng văn bản bằng cách bỏ phiếu. Cái này là tùy chọn vì nó có thể được sử dụng trong trường hợp không có đủ số lượng các thành viên trong ban giám đôc tham dự vào một cuộc họp, nếu không nó sẽ không thể đạt được một quyết định. Tất nhiên, trong trường hợp này, tất cả các giám đốc phải tham gia vào cuộc bỏ phiếu. Nghị quyết được chấp thuận bằng văn bản sẽ có giá trị cao hơn các nghị quyết bình thường, do đó những thay đổi này dự kiến sẽ dẫn đến sự khôn ngoan hơn trong việc ra các quyết định.

(4) Thanh toán cổ tức với tốc độ nhanh hơn và linh hoạt hơn

Theo luật thương mại hiện nay, các công ty chỉ có thể trả cổ tức hai lần một năm (một lần là trả cổ tức định kỳ và một lần là thanh toán cổ tức tạm thời). Hơn nữa, ngoại trừ trong trường hợp công ty có một hệ thống uỷ ban riêng quyết định việc này , các khoản thanh toán phải được chấp nhận tại một cuộc họp chung của các cổ đông. Theo Luật công ty mới, các khoản thanh toán cổ tức có thể được chấp thuận, tùy thuộc vào điều kiện nhất định, bằng một nghị quyết của Hội đồng giám đốc, và không có giới hạn trên số lần mà họ có thể được trả mỗi năm. Điều này sẽ cho phép thanh toán cổ tức với tốc độ nhanh hơn và linh hoạt hơn.

(5) Các yêu cầu nghiêm ngặt cho việc kiểm soát nội bộ

Một trong những quy định đó của luật công ty mới là việc áp đặt những yêu cầu khắt khe hơn bộ luật cũ trong việc các doanh nghiệp được phép mở rộng phạm vi tổ chức và thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ. Tính đến nay, chỉ có hệ thống hội đồng của các công ty đã được yêu cầu phải thông qua một chính sách cơ bản về việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ theo quyết định của ban giám đốc và công bố những nội dung đó. Theo luật mới, yêu cầu này sẽ áp dụng cho tất cả các công ty lớn, có nghĩa là những công ty có một quỹ vốn 500 triệu yên hoặc nhiều hơn hoặc với trách nhiệm là 20 tỷ yên hoặc nhiều hơn. Sự thay đổi này đã được thực hiện cùng với việc hướng đến tầm quan trọng của việc bảo mật quản trị doanh nghiệp và tuân thủ pháp luật. Các chi tiết sẽ được quy định trong một pháp lệnh bởi Bộ Tư pháp. Trong khi đó, vào ngày 17 tháng 7 năm 2005, theo một nhóm nghiên cứu về công khai hóa và đánh giá hoạt động của công ty từ Bộ Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp đã đưa ra một dự thảo quy chế về vấn đề này dưới tiêu đề "Bộ tiêu chuẩn về công bố và thẩm định liên quan đến quản trị doanh nghiệp; quản lý rủi ro và kiểm soát nội bộ: Hướng dẫn xây dựng và công bố. "

3- Thanh lý công ty

Thông thường một Kabushiki Kaisha sẽ bị giải thể khi:

1- Thời hạn quy định ghi trong điều lệ công ty hết hiệu lực;

2- Sáp nhập với một công ty khác;

3- Vỡ nợ hoặc phá sản;

4- Có quyết định của tòa án yêu cầu giải thể

5- Có các nghị quyết đặc biệt của các cổ đông.

Tình trạng làm ăn thua lỗ hay suy yếu của vốn cổ phần bản thân nó chưa phải nguyên nhân dẫn đến việc tự động giải thể.

Khi việc giải thể được quyết định, quá trình thanh lý công ty có thể bắt đầu. Trong quá trình thanh lý này, có nhiều thủ tục khác nhau phải hoàn thành, như thu thập toàn bộ các khoản báo cáo thu và thanh toán các khoản báo cáo chi. Sau khi hoàn tất thủ tục này người thanh lý sẽ phân bổ phần tài sản còn lại của công ty cho các cổ đông tùy theo số cổ đông mà họ nắm giữ, trừ trường hợp trong điều lệ công ty có những quy định khác.

Việc giải thể công ty, chọn lựa người tiến hành thanh lý và hoàn thành thanh lý cần thiết phải được đăng ký tại vụ pháp lý, Bộ tư pháp. Người thanh lý công ty sẽ phải báo cáo việc hoàn thành các thủ tục thanh lý và các báo cáo này phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

4- Đôi điều kết luận

Trong những năm qua, Nhật bản đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải cách hệ thống các quy phạm pháp luật liên quan đến công ty theo hướng hội nhập hơn với truyền thống pháp luật Anh- Mỹ cả về phương diện tổ chức các loại hình doanh nghiệp lẫn các quy chế về quản trị công ty, đặc biệt là đối với loại hình công ty cổ phần và công ty cổ phần niêm yết theo hướng giảm nhẹ các thủ tục phiền hà, nhằm thổi một luồng gió mới vào đời sống kinh doanh ở Nhật Bản vốn khá thủ cựu và cứng nhắc vì chịu những đặc tính vì mặt văn hóa truyền thống kinh doanh của người Nhật.Đây dường như cũng là xu hướng chung hiện nay trên thế giới.Bài học từ người Nhật hay kể cả người Đức cho những người lập pháp ở Việt Nam những tham khảo quý giá nhằm tiếp tục cải cách hệ thống pháp luật về kinh doanh nói chung và luật công ty nói riêng.Cân nhắc để đơn giản hóa cái gì, cần siết chặt những quy định gì cần phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của chính nền kinh tế nói chung và đời sống kinh doanh nói riêng để cho pháp luật có hiệu lực trong thực tiễn, góp phần “nâng đỡ, vỗ về” cho các chủ thể kinh doanh tự do làm giàu cho đất nước./.

Danh mục tài liệu tham khảo:

[1] Luật công ty Nhật Bản 2006 ( Japanese Company Act 2006).

[2] Japanese Economy Division , Reforms under the New Company Law, JETRO Japan Economic Monthly, Aug 2005

[3] LL.D. Takuma Ishiyama, The company Law in Japan.

[4] Th.s Nguyễn Đức Lam, Tiếp nhận pháp luật nước ngoài:nhìn từ ví dụ luật công ty của Nhật và Luật doanh nghiệp của Việt Nam, Trích dẫn từ: Blog của tác giả http://echxanh1968.wordpress.com

[5] Nguyễn Hồng Vân, Pháp luật công ty ở Việt Nam, những vấn đề lý luận và thực tiễn, nhà xuất bản Chính trị -Quốc Gia, Hà Nội 1993.

Và một số các tài liệu tham khảo khác.