13/3/10

CON DẤU DOANH NGHIỆP MỘT GÓC NHÌN TỪ QUẢN TRỊ CÔNG TY.

Thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng (1) cũng như các bản báo rút ra từ các khảo sát và nghiên cứu từ thực tiễn (2) đã phản ánh việc “than phiền” của giới doanh nhân cũng như các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý về những bất cập, khó khăn và lãng phí trong việc xin cấp, sử dụng con dấu của doanh nghiệp. Trong khá nhiều ý kiến phân tích, có vẻ như luồng ý kiến về việc sử dụng con dấu theo hướng không bắt buộc, doanh nghiệp được quyền lựa chọn việc sử dụng con dấu như là dấu hiệu, biểu trưng đơn vị, không mang chức năng xác thực chữ ký, tư cách pháp lý của doanh nghiệp đang là luồng ý kiến chủ đạo.Bài viết này khảo sát một vài tranh chấp về quản trị công ty gần đây, có liên quan đến con dấu doanh nghiệp để từ đó có một cái nhìn sâu rộng hơn đối với câu hỏi “Con dấu doanh nghiệp- Cần thiết hay không?”

I- Một số tranh chấp quản trị công ty liên quan đến con dấu

Luật doanh nghiệp 2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2006 chỉ có vẻn vẹn điều 36 quy định về con dấu của doanh nghiệp, cụ thể là:
Điều 36: Con dấu của doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp có con dấu riêng. Con dấu của doanh nghiệp phải được lưu giữ và bảo quản tại trụ sở chính của doanh nghiệp. Hình thức và nội dung của con dấu, điều kiện làm con dấu và chế độ sử dụng con dấu thực hiện theo quy định của Chính phủ.
2. Con dấu là tài sản của doanh nghiệp. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu, doanh nghiệp có thể có con dấu thứ hai.
-------------------------------------
(1) Khổ với…con dấu, Cao Bá Khoát, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K, tại địa chỉ : http://www.vneconomy.vn/64237P0C5/kho-voi-con-dau.htm ; Con dấu doanh nghiệp, có thực sự cần thiết, LS Hồ Hữu Hoành, Tạp chí Doanh nhân & Pháp luật số 11, ngày 25/10/2008; Khắc dấu cho doanh nghiệp, thủ tục phiền hà, tại địa chỉ (truy cập 12/11/2009) http://dddn.com.vn/27952cat104/khac-dau-cho-dn-thu-tuc-phien-ha.htm
(2) Từ ý tưởng kinh doanh đến hiện thực - chặng đường gian nan, GTZ và CIEM, Hà Nội 2005, II- Khắc dấu, trang 15.
-----------------------------------
Quy định pháp luật là vậy, nhưng trong thực tế có thể nói không quá rằng, con dấu gần như là “chữ ký” của doanh nghiệp, của “con ma” ( từ theo LS. Nguyễn Ngọc Bích) là doanh nghiệp bên cạnh chữ ký của người đại diện theo pháp luật, người có thẩm quyền trong các loại văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp trong các hoạt động nội bộ cũng như các giao dịch với bên ngoài.
Mang trong mình thắc mắc:” tại sao con dấu lại có ý nghĩa quan trọng như vậy?”, tôi đã đem nó hỏi khá nhiều người là doanh nhân, cán bộ nhà nước, cán bộ công nhân viên ở nhiều vị trí công tác, thành phần kinh tế khác nhau.Và thật đáng suy nghĩ khi hầu hết họ đều thừa nhận rằng, không thật sự hiểu rõ lắm tại sao như vậy.Tuy nhiên, họ đều cho rằng con dấu gần như là một biểu trưng, biểu tượng cho doanh nghiệp, cho tính xác thực của loại văn bản giấy tờ đó, thậm chí là biểu trưng cho cả “ quyền uy của các sếp”.
Tại Điều 1 Nghị định 58/2001/NĐ-CP của chính phủ quy định con dấu “được dùng để thể hiện vị trí pháp lý và khẳng định giá trị pháp lý đối với các văn bản, giấy tờ của các cơ quan, tổ chức và các chức danh nhà nước”. Điều này có nghĩa rằng đối với doanh nghiệp, các giấy tờ giao dịch, hợp đồng chỉ có giá trị pháp lý khi có con dấu của doanh nghiệp được đóng lên trên các văn bản đó. Như vậy, chữ ký của người có thẩm quyền của doanh nghiệp sẽ không có giá trị nếu như không được đóng dấu để xác thực chữ ký đó. Vô hình chung, trong quan hệ dân sự, thương mại bất kỳ giữa các chủ thể là tổ chức kinh tế, con dấu gần như được đồng nhất hóa cho sự bảo chứng về tư cách pháp lý, tư cách pháp nhân của những chủ thể đó. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc mâu thuẫn với các luật liên quan, vì Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 không có bất kỳ điều khoản nào yêu cầu hợp đồng hay các giấy tờ giao dịch của doanh nghiệp buộc phải đóng dấu mới có hiệu lực thi hành. Đây là một quy định “ vênh lệch với lệ quốc tế” từ đây phát sinh những tranh chấp về hiệu lực pháp luật của các loại giấy tờ, văn bản của doanh nghiệp.
Trong các hoạt động thường nhật, hầu như các giao dịch đơn giản hay phức tạp của doanh nghiệp như mở tài khoản, rút tiền ngân hàng; nộp thuế, đăng ký các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, viễn thông,.. phục vụ cho doanh nghiệp thì nhất thiết phải có chữ ký của người có thẩm quyền và dấu của doanh nghiệp, nếu không các giao dịch này chắc chắn sẽ không thể thực hiện được. Ngoài ra, có thể đơn cử trong các loại hồ sơ giấy tờ cần phải sao lưu thành rất nhiều bản chúng ta cũng có thể nhận thấy, chữ ký của người đại diện theo pháp luật, người có thẩm quyền và các thành phần có liên quan có thể là bản sao ( mà người ta thường gọi là không phải “chữ ký tươi”), nhưng nhất định con dấu của doanh nghiệp phải là con dấu” tươi”.Như vậy, có thể nhận thấy con dấu là vật bảo chứng cho chữ ký của tất cả những người có liên quan, thể hiện rõ ràng nhất ý nghĩa “ tư cách pháp nhân” của doanh nghiệp.Và “ai có quyền giữ nó trong doanh nghiệp, đôi khi cũng trở thành tranh chấp phức tạp.”( 3)

[Hộp số1] Cuộc đảo chính ở công ty Đay Sài Gòn:

Cưỡng chế giao nộp con dấu Công ty đay Sài Gòn

Sáng nay, Cơ quan thi hành án TP HCM đã tiếp nhận con dấu của Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại đay Sài Gòn theo quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 29 ngày 21/6 của TAND thành phố.
Theo biên bản cưỡng chế giao nộp con dấu được lập lúc 9h30 hôm nay, từ nay đến khi tòa có quyết định khác, mọi nghiệp vụ đóng dấu văn bản, giấy tờ của Công ty đay Sài Gòn được thực hiện tại cơ quan thi hành án, buổi sáng từ 10h30 đến 11h30, chiều 15h30 đến 16h30.
Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được tòa thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn Nguyễn Văn Khảm, người được xem là vừa làm cuộc "đảo chính bất thành" tại Công ty đay Sài Gòn ngày 15/5. Ngày 18/5, ông Khảm nhân danh Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại đay Sài Gòn đã khởi kiện ông Trần Hải Âu, hiện vẫn là người đại diện theo pháp luật của công ty này như văn bản xác nhận của Sở Kế hoạch đầu tư ngày 29/6, để đòi giao con dấu.

--------------------------------------------------------

(3) PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Luật doanh nghiệp, tình huống, phân tích, bình luận, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội, 2009, trang 46.
--------------------------------------------------
Trong khi đó, ngày 24/5, ông Âu cũng nhân danh Công ty cổ phần sản xuất dịch vụ thương mại đay Sài Gòn khởi kiện ông Khảm trước tòa, yêu cầu hủy bỏ kết quả đại hội cổ đông ngày 15/5, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc ông Khảm giao trả tài sản và phòng làm việc của công ty đã bị ông Khảm chiếm giữ.
Tuy nhiên, tòa án đã ra quyết định số 298 ngày 20/6, nhập 2 vụ kiện làm một với nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khảm, bị đơn là ông Trần Hải Âu. Đồng thời quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Âu phải giao con dấu cho cơ quan thi hành án quản lý. Các văn bản của công ty này muốn được đóng dấu phải có sự đồng ý của ông Khảm và người được ông Khảm chỉ định là bà Đặng Thị Mỹ Hạnh.
Nguy cơ trước mắt: thiếu lương, chậm trả phúc lợi xã hội
Trao đổi với VnExpress sáng nay ngay sau khi làm việc với cơ quan thi hành án và PA17, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trần Hải Âu cho biết, trong thời gian thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, công ty vẫn cố gắng chi trả lương và các khoản phụ cấp, chế độ cho người lao động. "Tiền của công ty trong ngân hàng không thiếu, tuy nhiên do quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của tòa, có thể thấy trước là việc chi trả sẽ hết sức khó khăn", ông Âu nhấn mạnh.
Hiện công ty này có khoảng 400 lao động, trong đó riêng xí nghiệp đay ở Bến Cát, Bình Dương đang là nơi nuôi sống của 260 nhân công. Sáng nay, bà Phùng Thị Thanh Hà, chuyên viên tiền lương của phòng nghiệp vụ xí nghiệp Bến Cát đã có mặt tại trụ sở công ty TP HCM để chờ làm thủ tục nhận tiền tạm ứng lương tháng 6 cho công nhân. Song, con dấu đã bị cơ quan thi hành án thu giữ, các bộ phận hành chính tại công ty mẹ không an tâm làm việc. "Không biết hôm nay có thể nhận được lương cho công nhân không", bà Hà nóng ruột.
Thu nhập trung bình công nhân 1,2 triệu đồng/người/tháng, thông thường khoảng ngày cuối tháng hoặc đầu tháng mới, xí nghiệp đay Sài Gòn chi trả tạm ứng 30% lương cho công nhân. Ngày 10-12 hàng tháng chi tiếp lương sản phẩm của tháng trước. Tuy nhiên, theo Phó phòng tổ chức Công ty Đoàn Thị Ngọc Ánh, với tình hình tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa các thành viên Hội đồng quản trị, người lao động công ty chắc chắn bị ảnh hưởng quyền lợi nghiêm trọng.
Theo bà Ánh, trước mắt ngoài lương, toàn bộ hồ sơ đóng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của lao động công ty đã bị chậm trễ do niêm phong. Do đó, các chế độ khám chữa bệnh, về hưu, đau ốm... của nhân viên không được thực hiện đúng thời hạn.
Doanh thu của công ty cũng giảm sút nghiêm trọng do mất uy tín với bạn hàng. Phó phòng sản xuất kinh doanh Võ Thị Xuân Kiều cho biết, doanh thu tháng qua đã một bước giảm từ 3 tỷ đồng xuống còn chưa tới 500 triệu đồng. Trong khi đó, thời hạn các hợp đồng kinh doanh chỉ còn 2 tháng nữa là phải đàm phán mới, song nhiều khách hàng đã từ chối giao dịch.
Rối như canh hẹ
11h30 sáng nay, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên và Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long 2 đã hợp đồng với Công ty đay Sài Gòn, yêu cầu giao 2 lô hàng trị giá hơn 200 triệu đồng lên Tây Nguyên. Phó tổng giám đốc Trương Kế Châu tỏ ra e ngại khả năng thực hiện chậm hợp đồng vì con dấu đã giao cho Thi hành án quản lý và nếu được đóng dấu phải có chữ ký đồng ý của Phó tổng giám đốc Nguyễn Văn Khảm.
2 ngày trước, 11 cổ đông Công ty đay Sài Gòn đã cùng ký đơn đề nghị tòa án cứu xét khẩn cấp, hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để ngăn chặn những vi phạm có thể xảy ra, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông. Đồng thời yêu cầu tổ chức lại đại hội cổ đông trong thời gian sớm nhất.
Theo đại diện cổ đông, quyết định của tòa về người có trách nhiệm sử dụng con dấu không rõ ràng, khiến bà Hạnh và ông Khảm có thể cấu kết với nhau để ký những giấy tờ tài liệu bất hợp pháp. Do đó, cổ đông đề nghị tòa cho phép có 3 người cùng quản lý con dấu tại cơ quan thi hành án là bà Đặng Thị Mỹ Hạnh, 1 người từ Công ty đay Sài Gòn do ông Trần Hải Âu chỉ định, và 1 cổ đông đại diện cho công ty nhà nước là Công ty Lisksin. Trường hợp xấu nhất, cổ đông đề nghị tòa niêm phong hoàn toàn con dấu công ty để đảm bảo an toàn cho việc sử dụng con dấu.
Phan Anh
Hoạt động của công ty này bị đình đốn gần một tháng nay. Nguyên nhân xuất phát từ một đại hội cổ đông bất thường. Cổ đông cũ và mới tranh giành quyền làm chủ công ty. Sau đó cả hai bên đều gửi đơn kiện nhau ra tòa án.
Trong tháng 4, một nhóm cổ đông đã yêu cầu Hội đồng quản trị (HĐQT) tổ chức đại hội bất thường. Theo một số cổ đông này, trong năm 2005, công ty đã không đại hội cổ đông và không có báo cáo tài chính cũng như công bố cổ tức.


Một vài bình luận:

Cuộc đảo chính tại công ty Đay Sài Gòn của “tác giả kịch bản kiêm đạo diễn” Nguyễn Văn Khảm, rút cục vẫn chưa có hồi kết nhanh chóng bởi vốn dĩ đặc trưng của nền tư pháp Việt Nam thì quá trình điều tra để đi đến xét xử và bản án của tòa án cũng như hiệu lực thực sự của nó trong thực tiễn là một chặng đường dài.
Chiếu theo, quyết định số 298 ngày 20/6/2006 của tòa kinh tế, tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh nhập 2 vụ kiện làm một với nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Khảm, bị đơn là ông Trần Hải Âu. Đồng thời quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc ông Âu phải giao con dấu cho cơ quan thi hành án quản lý. Các văn bản của công ty này muốn được đóng dấu phải có sự đồng ý của ông Khảm và người được ông Khảm chỉ định là bà Đặng Thị Mỹ Hạnh.Hậu quả là hầu như tất cả các giao dịch, hoạt động của doanh nghiệp không diễn ra được như bình thường.Bởi đơn giản, trong tất cả các hoạt động đấy của công ty các văn bản, giấy tờ có liên quan đều phải có đóng dấu thì mới có hiệu lực pháp luật.Và hậu quả là cán bộ công nhân công ty không được trả lương, các chế độ phúc lợi xã hội không thể được giải quyết,…đặc biệt các giao dịch với các bạn hàng, đối tác của công ty cũng không thể thực hiện.Một tranh chấp quản trị công ty, dẫn đến xoay quanh vấn đề ai được quyền giữ con dấu công ty và chưa biết kết quả cuộc chiến ra sao nhưng hậu quả đối với công ty, với những người lao động trong công ty đã rất rõ ràng.

[Hộp số 2]- Cuộc chiến tại công ty cổ phần Bông Bạch Tuyết

Buộc ông Tạ Xuân Thọ bàn giao con dấu công ty
Thành ủy TPHCM chỉ đạo Đảng ủy Tổng Công ty Dệt may Gia Định đình chỉ sinh hoạt Đảng đối với ông Tạ Xuân Thọ
(NLĐ)- Chiều 10-3, ông Lê Hoàng Quân, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan nội chính của TP, với sự tham gia của Tổng Công ty Dệt may Gia Định và một số cơ quan chức năng để giải quyết việc ông Tạ Xuân Thọ, nguyên tổng giám đốc Công ty CP Bông Bạch Tuyết, không bàn giao quyền điều hành, con dấu của công ty cho ban điều hành mới theo nghị quyết đại hội cổ đông.
Ông Lê Hoàng Quân giao cho Thanh tra TPHCM buộc ông Thọ phải bàn giao con dấu, quyền điều hành trong ngày hôm nay (11-3), dưới sự chứng kiến của cơ quan công an. Nếu ông Thọ không chịu bàn giao, cơ quan công an sẽ cưỡng chế buộc thực hiện. Ông Lê Hoàng Quân cũng chỉ đạo Đảng ủy Tổng Công ty Dệt may Gia Định đình chỉ sinh hoạt Đảng với ông Tạ Xuân Thọ.
Sáng cùng ngày, ông Bùi Hoàng Danh, Chánh án TAND TPHCM, cho biết tòa án đã đình chỉ vụ kiện tranh chấp thành viên tại Công ty CP Bông Bạch Tuyết; việc buộc ông Tạ Xuân Thọ bàn giao quyền điều hành, con dấu của công ty thuộc thẩm quyền UBND TPHCM. Thẩm phán Nguyễn Công Phú, người ra quyết định đình chỉ vụ án, khẳng định ông Thọ có đơn đại diện Công ty CP Bông Bạch Tuyết (có đóng dấu công ty) rút đơn khởi kiện. Hiện đơn này đang nằm trong hồ sơ vụ án chứ không phải như ông Thọ đã trả lời với báo chí là mình không hề rút đơn (Báo Người Lao Động ngày 10-3 đã thông tin).

Với một loạt các quy định rất chặt chẽ của pháp luật về việc tạo lập, sử dụng và bảo quản con dấu doanh nghiệp,với các chế tài xử lý rất đa dạng với mỗi hành vi vi phạm.Nhẹ thì xử lý hành chính, nếu nặng hơn có thể bị bỏ tù. Theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội thì hành vi “Tự ý mang con dấu ra khỏi cơ quan, đơn vị mà không được phép của cấp có thẩm quyền” sẽ phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng .
Điều 268 Bộ luật hình sự về tội chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội cũng quy định: “Người nào chiếm đoạt, mua bán, tiêu huỷ trái phép con dấu, tài liệu của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội không thuộc tài liệu bí mật nhà nước hoặc bí mật công tác, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Có tổ chức; Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng; Tái phạm nguy hiểm”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến năm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Chỉ có một điều, lại có một nghịch lý là càng quy định như vậy thì tình hình tội phạm kinh tế liên quan đến việc sử dụng con dấu ngày càng gia tăng nhanh chóng, ngành công an đã phát hiện hàng loạt vụ án làm giả con dấu doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước một cách cực kỳ tinh vi, khó có thể phân biệt được so với con dấu thật.Rõ ràng, chúng ta vẫn chưa quy định được cụ thể về công năng của con dấu, do đó việc sử dụng con dấu càng thể hiện yếu tố tập tính, thói quen tâm lý mà thôi.Điều này làm cho con dấu trở nên có một uy quyền rất lớn và hầu như người ta ít để ý đến các biện pháp khác để bảo đảm tính xác thực của một loại văn bản, giấy tờ do doanh nghiệp ban hành mà chỉ chăm chăm dựa vào con dấu.Có lẽ vì vậy mà tội phạm liên quan đến con dấu mới có “đất” tung hoành đến vậy.
Mặt khác, khi có những tranh chấp về quản trị công ty có liên quan đến con dấu doanh nghiệp, nhiều khi người ta tranh chấp luôn cả vấn đề ai có quyền giữ con dấu như là một cách để gây sức ép và vô hiệu hóa quyền lực của bên kia.Vậy nhưng, chỉ là tranh chấp nội bộ doanh nghiệp nhưng lúc này nó không còn đơn thuần là tranh chấp dân sự thương mại nữa mà có khi, qua một ranh giới đã trở thành tội phạm hình sự.Thật khó để phân biệt tranh chấp “quyền sử dụng con dấu trong nội bộ doanh nghiệp” như các vụ án kể trên là tranh chấp dân sự, thương mại hay là có dấu hiệu của hành vi “chiếm đoạt trái phép con dấu” quy định tại Điều 268 Bộ luật hình sự?

[Hộp số 3]- Thân phận của con dấu tại Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico).

Tổng giám đốc “kêu cứu” việc bị “cuỗm” con dấu

(Dân trí) - Liên tục từ hơn một tuần nay, Tổng Giám đốc Công ty Sudico liên tục có các văn bản gửi tới cơ quan công an các cấp “kêu cứu” về việc con dấu Tổng Giám đốc Sudico đang bị một cá nhân chiếm dụng nhiều ngày khiến doanh nghiệp này gặp khốn khổ.

Như Dân trí đã đưa tin, tình trạng một công ty hai tổng giám đốc (TGĐ) đang diễn ra tại Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà - Sudico khi vị TGĐ cũ không chấp hành quyết định miễn nhiệm của HĐQT. Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp đang có phần trở nên phức tạp hơn khi con dấu TGĐ của công ty đang bị chiếm giữ...
Văn thư bị “cưỡng đoạt” dấu
Theo đơn trình báo của bà Lê Thị Tám, nhân viên văn thư người chuyên trách giữ con dấu của Công ty Sudico, vào sáng ngày 10/10/2008, tại bộ phận văn thư của phòng Tổ chức - Hành chính công ty, ông Vũ Đức Thuận, nguyên là TGĐ Sudico có đưa tờ đơn đề nghị do chính ông Thuận ký bảo đóng dấu tròn vào bản chữ ký. Bà Tám không đồng ý vì trước đó HĐQT công ty Sudico đã ra quyết định miễn nhiệm ông Thuận.
Tuy nhiên sau đó, ông Phí Thanh Thuận, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp vẫn lấy dấu từ tay bà Tám và đóng dấu vào tờ đơn đó. “Sau khi ông Phí Thanh Thuận đóng dấu vào tờ đơn, tôi có đòi lại dấu thì ông Thuận dứt khoát không đưa cho tôi”.
Trong buổi làm việc với Dân trí, ông Phan Ngọc Diệp, Chủ tịch HĐQT Sudico bức xúc cho biết: “Căn cứ đơn trình báo của bà Lê Thị Tám, ngày 16/10, Công an huyện Từ Liêm đã đến làm việc với công ty và xác định hiện con dấu do ông Đỗ Xuân Hạnh, Phó trưởng phòng tổ chức hành chính giữ.
Tuy nhiên, sau đó không thể hiện việc bàn giao con dấu giữa bà Lê Thị Tám và ông Đỗ Xuân Hạnh mặc dù bà Tám là người được giao nhiệm vụ giữ con dấu”.
Lời kêu cứu của doanh nghiệp
Trong văn bản gửi tới Giám đốc công an TP Hà Nội, Trưởng công an huyện Từ Liêm vào ngày 24/10, ông Vi Việt Dũng, TGĐ mới được bổ nhiệm của Sudico cho biết: “Hiện nay với chức danh TGĐ và người đại diện pháp luật của công ty do đó hàng ngày tôi phải ký các quyết định, giấy tờ, các ủy nhiệm chi liên quan đến hợp đồng kinh tế, các báo cáo kiểm toán, kế toán và các giấy tờ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Các giấy tờ trên không được đóng dấu do con dấu đang bị chiếm giữ trái phép, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp như: không kịp trả lương cho cán bộ nhân viên các đơn vị, các đối tác ngừng giao dịch, các báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh không gửi được cho Ủy ban chứng khoán, các chi tiêu doanh thu, lợi nhuận bị thiệt hại, các hoạt động liên quan đến cơ quan thuế bị ngưng trệ...”.
Ngày 27/10, Tổng Công ty Sông Đà - đơn vị chiếm giữ 36% tài sản của Sudico tiếp tục có văn bản gửi tới Giám đốc công an TP Hà Nội, Trưởng công an huyện Từ Liêm đề nghị khẩn trương giải tỏa con dấu pháp nhân bị giữ trái phép tại công ty Sudico.
Trong văn bản này, ông Lê Văn Tốn, Phó TGĐ Tổng Công ty Sông Đà khẳng định: “Theo báo cáo của người đại diện phần vốn của Tổng Công ty Sông Đà tại Sudico ngày 24/10, văn bản của người đại diện theo pháp luật của Sudico ngày 24/10, đến thời điểm hiện nay việc bàn giao, quản lý sử dụng con dấu pháp nhân của công ty Sudico chưa được thực hiện... Việc này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị, ngưng trệ các giao dịch kinh tế, dân sự, thiệt hại đến các cơ quan kinh doanh, lợi ích của nhà nước, của doanh nghiệp và của các cổ đông”.
Theo tìm hiểm của phóng viên Dân trí, cho tới thời điểm này con dấu TGĐ Sudico vẫn tiếp tục bị chiếm giữ trái phép. Về phía cơ quan công an, Công an huyện Từ Liêm đã tiến hành điều tra, lập biên bản nhưng sau đó con dấu vẫn không bị niêm phong.
Phúc Hưng

Một vài bình luận:

Về nguyên tắc, với bất kỳ pháp nhân nào, người đại diện theo pháp luật là người quản lý và sử dụng con dấu. Bằng văn bản nội bộ, người đại diện theo pháp luật có thể uỷ quyền cho cán bộ công nhân viên trong Công ty (có thể là trưởng phòng tổ chức hành chính hoặc văn thư trong công ty) quản lý con dấu. Trường hợp Trưởng phòng Hành chính tổ chức Phí Thanh Thuận của Sudico chiếm giữ trái phép con dấu thì có thể căn cứ theo động cơ và thiệt hại do hành vi này gây ra để xử lý.
Nếu ông Thuận chưa dùng con dấu vào hành vi phi pháp thì có thể xử lý nội bộ theo quy định của Công ty, nếu chiếm giữ con dấu vì mục đích trục lợi, động cơ cá nhân nào đó, có thể chuyển vụ việc cho cơ quan công an xử lý, quan trọng là phải xác định việc làm trái phép đó nhằm mục đích gì?
Vụ việc này xuất phát điểm chỉ là tranh chấp quản trị công ty, từ đó nảy sinh hiện tượng “ một công ty có tới hai tổng giám đốc”, dẫn đến việc con dấu bị chiếm giữ hơn một tháng và kết cục là “công ty Sudico được cấp con dấu mới”.
Như vậy, các tranh chấp về quản trị công ty mà chủ yếu là tranh chấp giữa các cổ đông và giữa cổ đông với người quản lý công ty phổ biến hiện nay đều ít nhiều để lại những hậu quả xấu cho công ty, ít nhất là hình ảnh của công ty trong mắt cổ đông, bạn hàng và xã hội.Nhưng có lẽ vì những quy định quá chặt chẽ trong vấn đề ai có quyền giữ con dấu của doanh nghiệp cũng như ý nghĩa thực sự của con dấu mà hậu quả là khi xẩy ra tranh chấp, người ta có thể dùng cách “ cầm giữ con dấu” như một “ con tin” để mặc cả với bên kia gây ra những hậu quả xấu không đáng có.

II- Tiểu kết.

Xin được dẫn lại ý kiến của TS Nguyễn Quang A – Viện Nghiên cứu phát triển IDS, Việt Nam là một trong số 07 quốc gia còn lại duy nhất trên thế giới có quy định bắt buộc về sử dụng con dấu của tổ chức, doanh nghiệp, và có khoảng 171 quốc gia không quy định dùng con dấu (nguồn Báo Tuổi trẻ)( 4). Hiện nay, tại nhiều quốc gia, việc sử dụng con dấu doanh nghiệp không mang tính bắt buộc, và mục đích sử dụng không nhằm bảo chứng chữ ký, xác định tư cách pháp lý mà chỉ thể hiện ý nghĩa là dấu hiệu, biểu trưng cho một tổ chức, doanh nghiệp mà thôi. Qua việc khảo sát một vài tranh chấp về quản trị công ty liên quan đến con dấu ở trên cho ta thấy việc xác định sai ý nghĩa, chức năng của con dấu doanh nghiệp trong đời sống kinh doanh, thương mại đã để lại những hậu quả xấu đối với hoạt động của doanh nghiệp.Nên chăng cần những khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để có thể quyết định bãi bỏ những quy định bắt buộc nhưng không cần thiết hiện nay liên quan đến thủ tục tạo lập, chế độ bảo quản và ý nghĩa của chính con dấu đối với doanh nghiệp./.