24/8/10

Xứ ta nó thế!


Dạo này đọc các báo mạng, có vẻ người ta nói rất nhều đền nghề thám tử tư, cung cấp các loại dịch vụ như theo dõi đời tư cá nhân, thu thập các thông tin kinh tế, xã hội...Thậm chí, bản tin thể thao 24/7 của VTV còn có bài ca ngợi dịch vụ này tạo điều kiện cho các cựu vận động viên võ thuật có công ăn việc làm sau khi giải nghệ.

Tuy vậy, nếu xét trên góc độ pháp luật ( cụ thể là các quy định pháp luật hiện nay), các hoạt động này là trái pháp luật.Thực chất thám tử tư là một hoạt động điều tra, mà cụ thể là thu thập các loại tin tức liên quan đến đời tư cá nhân, như vậy trên phương diện pháp luật, khái niệm này được quy định trong bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật liên quan, có thể khái quát "hoạt động điều tra là một sự kết hợp các thao tác có tính chất tìm kiếm, nhận thức, xác nhận phù hợp với đặc thù của các dấu vết tội phạm, phát hiện, thu giữ, củng cố một cách có hiệu quả các thông tin có giá trị chứng minh trong các dấu vết đó theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự do các cơ quan có thẩm quyền thực hiện nhằm mục đích thu thập, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ chứng minh sự kiện phạm tội ."[1].

Từ định nghĩa trên cũng như các quy định của pháp luật tố tụng hình sự thì có thể thấy:

Thứ nhất, chủ thể của hoạt động điều tra là cơ quan điều tra, viện kiểm soát và tòa án.

Thứ hai, mục đích của Hoạt động điều tra là một công cụ, phương tiện khám phá tội phạm, có bản chất và nội hàm của hoạt động nhận thức.

  Chính vì chủ thể tiến hành hoạt động điều tra, chỉ có thể là ba cơ quan nhà nước được quy định như trên, vì thế các công ty, văn phòng thám tử tư không có chức năng đó.

Mặt khác, theo quy định của Luật đầu tư 2004 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư, thì trong danh mục cấm cấp phép hoạt động có hoạt động điều tra.Chính vì thế, hoạt động này sẽ không được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp theo quy định pháp luật.Có ý kiến cho rằng, đây là việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân, khi mà chúng ta đã gia nhập WTO [2].

       Như vậy, nếu xét từ góc độ pháp luật thực định rõ ràng dịch vụ thám tử tư là dịch vụ không hợp pháp nếu chiểu theo các quy định pháp luật hiện hành.

        Nhưng tất nhiên, theo quy luật Cung- cầu, xã hội có nhu cầu thì sẽ có bộ phận đứng ra đáp ứng nhu cầu ấy.Có lẽ, sớm hay muộn chúng ta cũng nên chấp nhận chúng như một loại dịch vụ thông thường và nghề thám tử cũng là một nghề như muôn vàn nghề khác trong xã hội.Tuy vậy, cần có những quy định pháp luật hết sức chặt chẽ và thận trọng liên quan đến hoạt động này vì chúng rất dễ xâm phạm đời tư của người khác ở các mức độ khác nhau.Thực tế, du nhập và học hỏi phương Tây có nhiều thứ rất tốt và hữu ích, nhưng làm thế nào để phù hợp văn hóa, tôn trọng kỷ cương pháp luật và đạo đức nước ta là một vấn đề cần cân nhắc kỹ.

  Và trong lúc ấy, người ta vẫn âm thầm hoạt động và người ngoài chỉ có cách nhìn vào và chặc lưỡi” xứ ta nó thế”.
------------------------
Chú thích:

[1] Nguyễn Viết Hoạt (2007), Bản chất của hoạt động điều tra trong tố tụng hình sự, Tạp chí khoa học Pháp Lý, trường Đại học Luật TPHCM, số 3(40)/2007.

 [2] Cao Bá Khoát (2007), Môi trường pháp lý sau hai năm gia nhập WTO, Tạp chí nhà quản lý, có thể đọc tại: http://www.doanhnhan360.com/Desktop.aspx/Thi-truong-360/Phap-luat-360/Luat_gia_Cao_Ba_Khoat-Moi_truong_phap_ly_sau_2_nam_hoi_nhap_WTO/