27/6/10

Pháp luật & đạo đức.

Tất cả chúng ta, ai cũng biết rằng trong đời sống hàng ngày, kể cả khi chưa xuất hiện nhà nước và pháp luật, xã hội vẫn tồn tại, phát triển.Sau khi xuất hiện nhà nước và pháp luật thì các mối quan hệ giữa các cá nhân, giữa cá nhân và các thiết chế khác chủ yếu được điều chỉnh bởi các quy định pháp luật.Tuy nhiên, có những điều kiện, hoàn cảnh và quan hệ mà các quy định pháp luật không, không nên và không thể điều chỉnh, chính lúc đó các quy tắc đạo đức xuất hiện góp phần lấp đầy vào cái khoảng trống đó.
Trong tác phẩm rất kinh điển của ngành xã hội học " Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản", Max Weber đã phân tích và lý giải rất rõ ràng và sống động về mối quan hệ hay sự tác động của nền đạo đức tin lành đến việc hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản.
Ở tác phẩm nếu trên Weber có nêu lên một khái niệm trung tâm và rất riêng của mình là " thiên chức" (Beruf hay calling trong tiếng anh), chính cái Beruf này là một trong những động lực thôi thúc các nhà tư bản trên con đường tìm kiếm lợi nhuận và đồng nghĩa với nó thúc đẩy sự hình thành và phát triển của chủ nghĩa tư bản, mà ngày nay chúng ta đều thấy sự hùng mạnh về kinh tế của nó.
Tại sao đến nay, người ta vẫn luôn thấy rõ mà không có cách nào cải thiện được vai trò và năng lực của các hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam mà hậu quả là dẫn đến việc xẩy ra tham nhũng, sai phạm và phạm pháp từ người kỹ sư giám sát công trình xây dựng, người kiểm toán viên nhận tiền để " xào nấu" báo cáo tài chính, người bác sỹ " vòi vĩnh" tiền bệnh nhân,...Đó là một câu hỏi mà rất nhiều học giả cũng đã tìm cách lý giải chúng.Tuy vậy, cá nhân tôi muốn dùng khái niệm "Beruf" của Weber để lý giải.Theo ý kiến của cá nhân tôi, xã hội Việt Nam chưa có cơ chế cũng như chính sách phù hợp để trước tiên là định hướng tốt, đúng đắn về nghề nghiệp cho lớp trẻ; thứ nữa, là tạo ra lòng tự hào và quý trọng về nghề nghiệp của mình để coi nghề nghiệp ấy như một " thiên chức".Một xã hội mà người ta coi nghề nghiệp đơn giản chỉ là một phương tiện, một cứu cánh để đi tới đích cuối cùng là kiếm tiền, bất chấp các yếu tố khác thì thật không ổn.Vì không ý thức được cái " beruf" của nghề nghiệp mình mà người ta sẵn sàng bất chấp đạo đức, quy tắc nghề nghiệp , chà đạp lên đạo đức nghề nghiệp để kiếm tiền, làm sai lệch sự thật. Và không có gì ngạc nhiên nếu các cá nhân không có được ý thức giữ gìn đạo đức nghề nghiệp như vậy nên các quy tắc nghề nghiệp, các chế tài của các hiệp hội nghề nghiệp và vai trò của chúng rất mờ nhạt trong xã hội Việt Nam.Điều này quả thật trái hẳn với các nước khác trên thế giới như Hoa Kỳ, Châu Âu,..nơi mà ở đó hiệp hội luật sư, hiệp hội bác sỹ,..với các quy tắc và đạo đức nghề nghiệp của mình còn có vai trò điều chỉnh hành vi của các cá nhân trong đó không kém gì các quy phạm pháp luật, đến nỗi bị hiệp hội nghề nghiệp tẩy chay đồng nghĩa với một sự sỉ nhục to lớn hay là dấu chấm hết cho sự nghiệp của nguười đó.
Có lẽ thay vì "hô hào khẩu hiệu suông " và "xây nhà từ ngọn" như hiện nay, muốn nâng cao vai trò và sức mạnh của các hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam, người ta nên làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, cũng như tạo một cách nhìn đúng đắn về nghề nghiệp cho giới trẻ, học sinh ngay từ lúc bé, có như vậy khi lớn lên chúng ý thức được về cái " thiên chức" của nghề nghiệp mà chúng làm thì may ra mới bớt cái xấu, cái tiêu cực từ nghề nghiệp của chúng thực hiện./.
------------
Nhân đọc " Nền đạo đức tin lành và tinh thần của chủ nghĩa tư bản"- Max Weber nghĩ về đạo đức nghề nghiệp và vai trò của hiệp hội nghề nghiệp ở Việt Nam.