4/5/10

Xây dựng khoa Luật thành một thương hiệu mạnh, mang bản sắc riêng?

Tôi đã nhận được tin thầy Ngô Huy Cương chính thức có quyết định phụ trách bộ môn Luật kinh doanh- Khoa Luật- Đại học Quốc Gia Hà Nội- nơi tôi sắp lấy bằng cử nhân luật kinh doanh ( 2006-2010) mấy hôm rồi. Tôi vẫn chưa có dịp chúc mừng thầy!Xin được chúc mừng thầy trên blog này vậy!
Thực ra đối với tôi, chuyện ai lên chức chủ nhiệm bộ môn ( ai làm chính trị) không quá quan trọng.Đối với tôi, cũng như các thế hệ sinh viên khoa Luật thì các thầy cô ai cũng đáng kính, cũng cá tính và chúng tôi đều rất biết ơn vì các thầy cô đã cho chúng tôi" không chỉ là kiến thức mà là những cái gì đó rất riêng thuộc về cá tính, nhân cách" của mình.Vả lại cái chức chủ nhiệm bộ môn ấy, vốn trước đây là của thầy Phạm Duy Nghĩa, người thầy mà tôi rất kính trọng, mến mộ mà sự chuyển công tác của thầy ít nhiều đã để lại rất nhiều nuối tiếc cho tôi, cũng như là sự thiệt hại " chảy máu chất xám" cho khoa Luật nên tôi cũng không mấy quan tâm đến việc ai "lên" , ai "xuống".
Nhưng trên hết, tôi rất "mến" thầy Cương vì cá tính rất mạnh của thầy, bên cạnh đó là lòng biết ơn vì không ai khác chính thầy vào học kỳ 2 của năm thứ hai đã trực tiếp dạy lớp 2 môn luật dân sự 2 và luật thương mại 1, mà nhờ đó thầy đã đánh thức một tập thể đang ngủ quên, truyền cảm hứng để cho những cái đầu mê muội dường như chỉ biết học luật theo kiểu học thuộc và vì điểm biết thế nào là học luật một cách " tử tế".Mặc dù phải thừa nhận rằng đấy là một phương pháp dạy học không mấy dễ chịu với người học ( có lẽ như hầu như ai đã từng học thầy đều có cảm giác như vậy?) nhưng quả là cũng rất đáng giá.

Bỏ qua nhưng cảm nhận yêu mến một cách cảm tính và cá nhân như vậy ( dưới góc độ học trò), trên giác độ nghiên cứu Luật học tôi để ý thấy rằng thầy là người mà gần như "Luật dân sự Việt Nam về mặt lý luận như thế nào, dường như đã được thầy định hình nó, xây dựng nó một cách khá rành mạch trong đầu" và việc của thầy dường như chỉ còn là vấn đề truyền bá, gieo rắc nó mà thôi. Đọc các bài báo, bài nghiên cứu của thầy, nếu để ý danh mục tài liệu tham khảo hầu như chúng vẫn là những cuốn sách, tài liệu ấy rất ít thay đổi.Người ta nói thầy giỏi vì chỉ với chừng ấy cuốn sách thầy có thể khai thác thành rất nhiều vấn đề, những bài báo nghiên cứu dưới nhiều khía cạnh sâu sắc quả không sai.Có lẽ rằng, vấn đề đã được định hình rõ ràng, xuyên suốt và những tài liệu tham khảo ấy, chúng chỉ mang tính minh họa không hơn không kém.
Liên quan đến chuyện chính trị "khoa Luật", TS Ngô Huy Cương có lẽ là một trong những người đã và đang rất cố gắng và tâm huyết để có thể " vực dậy" hay xây dựng và phát triển ngành luật tư ở Khoa Luật. Nói muốn xây dựng và phát triển nó thành một bản sắc riêng, định hình thành một thương hiệu e là đi quá xa nhưng việc cố gắng nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu để trả lại một vị trí xứng đáng cho ngành luật tư ở khoa Luật là đúng.Bởi đã từ lâu rồi, hầu như các đời trưởng khoa Luật đều là các vị xuất phát từ ngành luật công ( hiến pháp,hành chính) vốn dĩ tư duy của ngành luật mà các vị ấy nghiên cứu , giảng dạy khó lòng cho họ một tư duy và não trạng để có thể đưa khoa Luật tạo nên những bước đột phá, lấy lại vị thế của khoa Luật Đại học Tổng hợp ngày xưa, chứ đừng nói là xây dựng khoa luật thành một thương hiệu mạnh, có tầm trong một môi trường kinh tế biến đổi nhanh chóng như hiện nay.Theo ý kiến cá nhân của tôi, đấy là một hướng đi phù hợp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế- xã hội hiện nay nên và phải phát triển ngành luật tư- vốn khá "èo uột" bấy lâu nay ở khoa Luật (dù rằng bộ môn luật kinh doanh cũng hội tự một số gương mặt tiếng tăm trong giới luật học Việt Nam đương đại???)Thực ra đây dường như là xu thế và thực trạng chung của giới luật học Việt Nam vì từ trước nay nền pháp luật nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của pháp luật Xô- Viết và những người được đào tạo ở đấy trở về xây dựng, giảng dạy, nghiên cứu và đào tạo luật ở Việt Nam phần lớn là thuộc các ngành luật công.
Trong xu thế phát triển cũng như lịch sử của các trường Luật trên thế giới, hầu như học đều xác định cho mình một điểm mạnh nhất, tập trung và xây dựng nó thành một thương hiệu, một lĩnh vực chủ đạo.Nếu như Yale là luật hiến pháp, khoa học chính trị; Havard là luật kinh doanh nói chung thì Stanford là luật công ty và quản trị công ty, khoa Luật Đại học Duke mạnh về luật công ty và chứng khoán; Trường Kinh tế và khoa học chính trị Luân Đôn (LSE) lại rất mạnh về luật tài chính ngân hàng,..vì vậy, xác định một hướng đi là phát triển ngành luật tư cho khoa Luật có lẽ là một hướng đi hợp lý.
Xin chúc mừng thầy Ngô Huy Cương và chúc thầy luôn "khỏe" cả về sức khỏe thể chất cũng như năng suất khoa học như thời gian qua để đóng góp nhiều hơn nữa cho khoa Luật ở cương vị người quản lý. Cầu chúc cho những tâm huyết của thầy thành công để khoa Luật định vị được thành một thương hiệu mạnh trong con mắt giới học thuật cũng như xã hội và mỗi sinh viên hay cựu sinh viên cũng như những người có liên đều đến mái trường này có thể tự hào đã từng là Citizen's khoa Luật!!


( Những suy nghĩ này được gợi mở và phản biện rất nhiều trong những tâm sự và có khi là chuyện phiếm của tôi và thầy Vũ Quang, là giảng viên bộ môn Luật kinh doanh- trực tiếp giảng dạy tôi.Xin chân thành cảm ơn thầy rất nhiều!)
---------------
P/S: Nếu có dịp, tôi sẽ bàn thêm về tâm huyết của thầy Nguyễn Đăng Dung và thầy Phạm Duy Nghĩa về ý tưởng xây dựng những chủ thuyết và trường phái riêng cho khoa Luật để các thế hệ học trò tiếp nối người thầy tiếp tục xây dựng và phát triển những ý tưởng và kết quả nghiên cứu của thầy, nâng tầm để có những đóng góp hữu ích cho thực tiễn cuộc sống.Thầy Nguyễn Đăng Dung đã ví von rằng: nó tựa như những lớp ngói của một cái mái đình Việt Nam, mỗi lớp ngói sau lại gối lên, nối tiếp lớp ngói trên ( trước) ; chúng có tôn ti, thứ bậc lại có sự gắn bó, qua lại; đó là sự nối tiếp của đạo thầy trò, tình đồng nghiệp, tình người.Quả là triết lý lắm thay!Điều này không mới, ở Mỹ khoa Kinh tế Đại học Chicago với các trường phái kinh tế tự do, kinh tế luật (law and economics) là ví dụ điển hình...nhưng ở Việt Nam không biết bao giờ mới có???